Thứ Ba, 16/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Thăm ngư dân giữ “rừng” dưới biển  

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Thăm ngư dân giữ “rừng” dưới biển  

Hồng Văn  

Du khách lặn biển xem san hô ở Hòn Đỏ-Ảnh: Hồng Văn

(TBKTSG Online) – “Chỉ nghe tiếng mìn hay lựu đạn nổ cái ùm là tôi biết ngay họ đánh thuốc nổ xuống rạn san hô để bắt cá, liền ba chân bốn cẳng lấy mặt nạ lặn chạy thẳng ra biển mà lặn bắt cá, dân ở trong thôn chục đàn ông thì hết chục như tôi”, ông Diệp Nghĩa Hùng, 48 tuổi ở thôn Mỹ Hiệp kể lại quãng thời gian hơn 10 năm về trước.  

Giờ đây, ông Hùng là tổ trưởng tổ tình nguyện viên bảo vệ san hô có 6 người toàn là ngư dân của thôn Mỹ Hiệp, xã Thanh Hải, huyện Ninh Hải, Ninh Thuận. Đây là một phần trong dự án Mạng lưới hành động rạn san hô toàn cầu (ICRAN) thực hiện từ năm 2003 và trở thành địa phương duy nhất trong cả nước thực hiện bảo tồn san hô dựa vào cộng đồng, các tình nguyện viên là ngư dân như ông Hùng.  

“Rừng” dưới biển  

Có lẽ biển ở thôn Mỹ Hiệp, một làng chài nghèo ven biển như bao làng chài khác ở miền Trung, lại được thiên nhiên hào phóng ban tặng báu vật hiếm thấy của tự nhiên. Đó là san hô mà nổi tiếng nhất là khu vực Hòn Đỏ, một đồi cát trồng phi lao thành rừng có màu đỏ tươi pha lẫn san hô đã hóa thạch, mà ai mới nhìn nghĩ là đồi cát pha núi đá.  

Tương truyền xưa kia, một người vợ thứ của vua Chăm vì giận chồng không ưu ái mình so với hoàng hậu, nên bà ra biển nhai trầu ngắm biển, vì tức chồng nên khạc nhổ bã trầu đỏ tươi đang nhai và giờ đây người dân gọi nơi đó là Hòn Đỏ mà đứng ở xa trông rất lạ, hai bên Hòn Đỏ thì đồi cát trắng, còn nó thì đỏ tươi như đất đỏ bazan ở Đông Nam bộ. Bây giờ trên Hòn Đỏ có đền thờ bà vợ thứ của vua và hàng năm, người Chăm tới đây viếng khá đông.  

Trạm bảo vệ san hô nằm giữa rừng phi lao mà bên dưới là san hô cổ, là các rạn san hô dưới biển-Ảnh: Hồng Văn

Nhưng Mỹ Hiệp thu hút khách du lịch thập phương không chỉ Hòn Đỏ, mà bãi biển trước mặt nó mới là nét độc đáo mà ít vùng biển nào ở Việt Nam có được. Đó là những bãi san hô cổ có hàng triệu năm tuổi đã hóa đá, thậm chí vách bờ biển cũng là những vách san hô cổ đã hóa đá mà nếu không ai giải thích, khách du lịch lầm tưởng đó là bờ đá ven biển.

Dọc bãi biển Hòn Đỏ hơn 500 mét, san hô hóa đá tạo thành rạn trên bờ, tạo thành đảo nhỏ nhô lên ven bờ, tạo thành bờ vực mà đứng trên bờ mắt thường cũng nhìn thấy rất hùng vĩ.  

Còn ở dưới nước, san hô sống có, đã chết cũng có vì sự phá hoại của con người nhưng theo lời ông Phạm Đua, 68 tuổi,  thành viên của tổ tình nguyện đã bám biển từ nhỏ thì hiếm có nơi nào ở biển Việt Nam mà san hô đẹp, phong phú và đa dạng như ở đây. Có lẽ vì vậy mà 7 năm trước, Sở Khoa học Công nghệ Ninh Thuận hợp tác với các tổ chức quốc tế tổ chức bảo tồn san hô. Còn bây giờ, vùng biển san hô trên bờ thì dày đặc như núi đá, dưới biển thì như rừng rậm thuộc trách nhiệm gìn giữ của Vườn quốc gia Núi Chúa.  

Ông Đua gắn bó với biển cả đời, đã ví san hô dưới biển như rừng trên đất liền. Nếu rừng trên đất liền giúp bảo vệ sinh thái môi trường, nơi muông thú sinh sống tụ hội thì san hô ở biển cũng có chức năng tương tự, cũng giúp tạo môi trường tốt cho biển cả và nơi nào có nhiều san hô, nơi ấy quần tụ tôm cá phong phú.  

“Cũng loài cá ấy nhưng nếu câu được ở vùng biển nhiều san hô thì cá chất lượng thịt cao, ăn ngon, bán giá đắt so với cá ở các vùng biển không có san hô”, ông Đua nói khi cùng chúng tôi ăn món cá nhái cuốn bánh tráng, con cá dài nửa thước, to hơn bắp tay có xương màu xanh dương rất lạ.  

Giữ “rừng”  

Ông Diệp Nghĩa Hùng, tổ trưởng tổ tình nguyện viên bảo tồn san hô đang giới thiệu khách du lích các hoạt động bảo tồn của trạm-Ảnh: Hồng Văn

Gần như du khách nào khi tới Hòn Đỏ ngắm san hô trên đất liền hay lặn biển xem cá tôm, san hô ở đây đều ghé thăm trạm bảo vệ san hô Mỹ Hiệp của tổ tình nguyện viên. Theo lời anh Hùng, cả tổ có 6 người đều là ngư dân, người thì có ghe đánh cá, người thì chuyên lặn bắt cá và để bảo vệ san hô, họ chia nhau trực cứ 1 ngày đêm 2 người. Như anh Hùng, hết phiên trực, anh cùng con trai đi biển trên chiếc ghe 12 mã lực.  

Trước đây, mỗi tình nguyện viên được dự án hỗ trợ 200.000 đồng/tháng, nay tăng lên được 300.000 đồng và dường như công việc bảo vệ bây giờ cũng nhẹ nhàng hơn nhiều, dù rằng phạm vi bảo vệ của họ là 500 mét chiều dài bờ biển (từ Cửa Lạch tới Mũi Đỏ) và 300 mét từ bờ trở ra, tức 15 héc ta, vẫn như trước đây.  

Trước năm 2000, đánh mìn ở biển để bắt cá tôm đã làm hư hại san hô sống dưới biển, ngày nào cũng có tiếng mìn nổ, tới mức 99% đàn ông trong thôn dù làm bất kỳ nghề gì thì cũng có thêm nghề phụ là lặn bắt cá ké sau khi những kẻ phá hoại nổ mìn. Rồi những người khai thác san hô dưới biển nhiều màu sắc, hình thù để cung cấp cho thị trường san hô làm cảnh, tới cả chuyện người dân khai thác san hô cổ trên bờ để làm nền nhà, để đưa ra biển làm bẫy nhử tôm hùm…  

“Lúc ấy mạnh ai nấy khai thác, tới mức cá tôm cạn kiệt dần vì rừng san hô bị tàn phá”, anh Hùng kể lại. Sau khi các anh xung phong làm nguyện viên giữ rừng san hô, cùng với xã, huyện, các tình nguyện viên tham gia giới thiệu lợi ích của san hô ở biển cho bà con trong thôn, cho bạn thuyền hàng ngày đi biển, cho học sinh, thanh niên trong xã, huyện.

Một rạn san hô cổ đã hóa thạch nhô trên biển ở gần bờ, trông giống như một đảo đá nhỏ-Ảnh: Hồng Văn

Khi khách du lịch tới đây tham quan ngày một nhiều thì các tình nguyện viên “làm thêm” bằng cách giới thiệu công tác bảo tồn san hô để nâng cao kiến thức môi trường biển cho du khách.  

Giờ đây, anh Hùng nói vui là tổ chỉ có 6 tình nguyên viên bảo vệ san hô nhưng thực ra là mọi người trong dòng họ của 6 gia đình đều tham gia bảo vệ, rồi cả thôn cùng bảo vệ. Tình trạng khai thác san hô cổ trên bờ trái phép, tàn phá rạn san hô dưới biển đã không còn.  

Đời sống của người dân cũng tốt hơn vì cá tôm thấy rừng san hô yên bình nên tụ hội về nhiều hơn, ngư dân câu được nhiều cá có giá trị. Còn tình nguyện viên thì được dự án hỗ trợ thêm bằng cách giúp nuôi rong sụn tăng thêm thu nhập, hay nuôi con dông.  

“Giữ rừng san hô dưới biển còn khó hơn rừng trên cạn rất nhiều, mỗi năm cây san hô sống chỉ lớn thêm bằng đốt ngón tay, mấy chỗ bị phá trước đây phải mất cả chục, hàng chục năm san hô mới sống và lớn trở lại”, anh Hùng nói và kể anh là một thợ lặn có cỡ, hàng ngày, lúc rảnh anh thường lặn xuống biển ngắm san hô lớn như thế nào.  

Hình như muốn những khách phương xa như chúng tôi biết vẻ đẹp của các rạn san hô sống dưới biển cùng tôm cá phong phú ở đây, anh Hùng hướng dẫn chúng tôi lặn biển theo cách đeo mặt nạ lặn với vòi hơi nổi lên trên (giống như úp mặt dưới nước) để xem san hô.

Khách du lịch cố xem vách đá ven bờ là đá hay san hô, té ra đó là san hô cổ hàng triệu năm tuổi-Ảnh: Hồng Văn

Nhóm du khách chúng tôi hôm ấy, dù sóng biển hơi lớn nhưng cũng cố bơi ra hơn 20 mét để úp mặt xuống xem san hô. Quả thật, san hô ở đây phong phú, cá đủ loại, nhiều màu sắc, dù rằng nó khá gần bờ.  

Lặn biển xong, chúng tôi được anh Hùng mời bữa ăn trưa dân dã của xứ biển là cá nhái vừa câu được ở đây nấu ngót, cá thì cuốn bánh tráng, nước thì chan cơm, một con cá nhái khác thì cắt khúc ra nướng với củi lượm trong rừng phi lao có khá nhiều, chấm mắm mặn miền biển.

Không biết trong nhóm du khách chúng tôi ăn ngon cỡ nào chứ riêng tôi thì được một bữa no cành hông mà chiều gần như khỏi ăn cơm tối.  

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới