Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Tham vọng bất thành của Saudi Aramco trong vụ IPO lớn nhất thế giới

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Tham vọng bất thành của Saudi Aramco trong vụ IPO lớn nhất thế giới

Khánh Lan

(TBKTSG Online) – Với mức lợi nhuận ròng hơn 100 tỉ đô la mỗi năm và đang nắm trữ lượng dầu mỏ hơn 260 tỉ thùng với chi phí khai thác chỉ 2,8 đô la/thùng, Saudi Aramco, tập đoàn dầu khí nhà nước Saudi Arabia, lên kế hoạch IPO (chào bán cổ phần lần đầu công chúng) với mức định giá gây choáng 1.700 tỉ đô la.

Các thương vụ IPO lớn nhất thế giới

Dù vậy, vụ IPO này đã chứng kiến những thất bại đầu tiên do không đạt ít nhất 3 mục tiêu theo kế hoạch ban đầu: mức định giá dưới mức 2.000 tỉ đô la, thu hút các nhà đầu tư quốc tế và niêm yết cổ phiếu song song ở trong nước và nước ngoài.

Công ty có lợi nhuận cao nhất thế giới

Tham vọng bất thành của Saudi Aramco trong vụ IPO lớn nhất thế giới
Một pano quảng bá vụ IPO của Saudi Aramco ở TP. Jiddah, Saudi Arabia. Ảnh: AP

Saudi Arambo là công ty sản xuất dầu mỏ lớn nhất thế giới, cung cấp 10% nguồn cung dầu của thế giới. Saudi Aramco cũng là công ty có lợi nhuận cao nhất thế giới. Trong nửa đầu năm nay, lợi nhuận của Saudi Aramco tăng 12% lên mức 46,9 tỉ đô la. Năm ngoái, tập đoàn này đạt lợi nhuận ròng 111 tỉ đô la, tương đương hơn 30% tổng lợi nhuận ròng của năm “ông lớn” dầu khí toàn cầu Exxon Mobil, Shell, BP, Chevron và Total.

Hôm 18-11, các nguồn tin từ Saudi Arabia cho biết Saudi Aramco dự định bán 1,5% lượng cổ phần, tương đương 3 tỉ cổ phiếu dựa trên mức định giá tập đoàn từ 1.600 – 1.700 tỉ đô la trong vụ IPO đang diễn ra. Như vậy, giá cổ phiếu của Saudi Aramco trong vụ IPO sẽ rơi vào khoảng 30-32 riyal và tổng giá trị thu về sẽ đạt khoảng 96 tỉ riyal (25,6 tỉ đô la).

Giá IPO của Saudi Aramco sẽ chính thức được công bố vào ngày 5-12 và cổ phiếu của tập đoàn sẽ giao dịch trên sàn chứng khoán Tadawul ở thủ đô Riyadh của Saudi Arabia vào một tuần sau đó.

Tuy nhiên, trước thềm IPO, Saudi Aramco đã hủy các kế hoạch roadshow tại các thành phố ở Mỹ, châu Á và châu Âu. Thay vào đó, vụ IPO của Saudi Aramco chỉ dành cho các nhà đầu tư ở các nước thuộc vùng Vịnh Ba Tư bao gồm Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Kuwait, Bahrain và Oman.

Saudi Aramco nắm giữ trữ lượng dầu thô đã chứng minh lên đến 260,2 tỉ thùng, theo số liệu vào năm 2017. Con số này lớn hơn trữ lượng dầu thô tổng cộng của các tập đoàn dầu khí sừng sỏ trên thế giới gồm Exxon Mobil, Chevron, Shell, BP và Total. Năm ngoái, sản lượng dầu khai thác của Saudi Aramco đạt mức trung bình 10,3 triệu thùng/ngày. Saudi Aramco tiết lộ rằng chi phí khai thác của tập đoàn này rẻ nhất thế giới, chỉ ở mức 2,8 đô la Mỹ/thùng.

Gần ¾ sản lượng dầu dầu thô của Saudi Aramco, khoảng 5,2 triệu thùng/ngày, được xuất khẩu cho các khách hàng ở châu Á vào năm ngoái. Các khách hàng lớn của tập đoàn này là Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc, Nhật Bản và Đài Loan. Ngoài ra, Saudi Aramco còn bán dầu thô sang Bắc Mỹ hơn 1 triệu thùng/ngày và sang châu Âu 864.000 thùng/ngày vào năm ngoái.

Để đa dạng hóa kinh doanh, Saudi Aramco đã mở rộng mảng lọc dầu và sản xuất hóa chất với mục tiêu nâng sản lượng hóa chất lên 34 triệu tấn vào năm 2030, tức cao gần gấp 3 lần so với mức hiện nay. Saudi Aramco cũng đã nâng công suất của các cơ sở lọc dầu của tập đoàn này trên toàn cầu lên mức 8-10 triệu thùng/ngày, so với mức hơn 5 triệu thùng/ngày hiện nay.

Công ty hóa dầu Motiva Enterprises, đơn vị thành viên của Saudi Aramco, sở hữu nhà máy hóa dầu có công suất 607.000 thùng/ngày ở Port Arthur, bang Texas.

Thái tử Saudi Arabia, Mohammed bin Salman, người đang giữ chức Phó Thủ tướng thứ nhất kiêm Chủ tịch Hội đồng Kinh tế và Phát triển và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng của Saudi Arabia là người thúc đẩy vụ IPO của Saudi Aramco.

Ông muốn đa dạng hóa nền kinh tế Saudi Arabia để tránh phụ thuộc quá lớn vào dầu mỏ. Khi thông báo kế hoạch IPO của Saudi Aramco vào năm 2016, ông nói rằng Saudi Arabia phải chậm dứt “cơn nghiện dầu mỏ” để bảo đảm không bị tổn thương trước các biến động xấu của giá dầu.

Chú thích ảnh

Hụt ba mục tiêu lớn

Tuy nhiên, vụ IPO hiện nay có thể xem là một thất bại ngay cả trước khi cổ phiếu của Saudi Aramco được đưa lên sàn vì công ty có mức lợi nhuận cao nhất thế giới này “hụt” tất cả ba mục tiêu lớn trong kế hoạch IPO ban đầu.

Thứ nhất, quy mô và mức định giá trong vụ IPO của Saudi Aramco bị thu hẹp đáng kể. Cách đây hai năm, Thái tử Mohammed bin Salman đặt mục tiêu IPO cho Saudi Aramco với mức định giá tối thiểu 2.000 tỉ đô la. Nhưng hiện nay, mức định giá chính thức của Saudi Aramco rơi về mức 1.600 -1.700 tỉ đô la. Thay vì chào bán 5% lượng cổ phần như kế hoạch ban đầu để thu về 100 tỉ đô la, Saudi Aramco chỉ chào bán 1,5% lượng cổ phần và dự kiến thu về 25 tỉ đô la.

Mục tiêu thứ hai của Saudi Arabia là sẽ đưa cổ phiếu Saudi Aramco vào danh mục của các nhà đầu tư quốc tế, đặc biệt là ở các nước phát triển phương Tây. Nhưng với quyết định hủy bỏ roadshow ở Mỹ, châu Á, châu Âu, vụ IPO của Saudi Aramco giờ đây chỉ nhắm đến các nhà đầu tư địa phương và một số nhà đầu tư vùng Trung Đông.

Mục tiêu tham vọng thứ ba cũng bị gạt bỏ, đó là đưa cổ phiếu Saudi Aramco lên một sàn chứng khoán nước ngoài lẫn sàn chứng khoán trong nước sau khi IPO. Tuy nhiên, vào phút cuối, Saudi Aramco quyết định chỉ đưa cổ phiếu lên sàn chứng khoán Tadawul ở thủ đô Riyadh.

Saudi Arabia có thể nói rằng nước này đã hoàn thành một số mục tiêu vì ít nhất sau nhiều lần trì hoãn, vụ IPO của Saudi Aramco cuối cùng cũng được tiến hành. Con số 25 tỉ đô la mà tâp đoàn này dự kiến thu về được nhờ bán 1,5% lượng cổ phần sẽ giúp ích cho nỗ lực cải cách kinh tế của Saudi Arabia. Và Saudi Aramco sẽ vẫn là công ty giá trị nhất thế giới.

Song các mục tiêu đó có thể dễ dàng đạt được mà không cần Saudi Aramco phải thuê một “binh đoàn” ngân hàng đầu tư hùng hậu để tư vấn và bảo lãnh IPO bao gồm các tên tuổi như Citigroup, Credit Suisse, Goldman Sachs, HSBC, JP Morgan, Merrill Lynch và Morgan Stanley. Thực tế, Saudi Aramco thuê các ngân hàng này một phần là vì muốn thu hút các nhà đầu tư quốc tế nhưng mục tiêu đó đã bị hủy bỏ vì nhu cầu yếu ớt.

Có nhiều lý do để giải thích cho thái độ thờ ơ của các nhà đầu tư quốc tế trong vụ IPO của công ty giá trị nhất thế giới này. Đầu tiên, họ đang phẫn nộ về vụ sát hại nhà báo Jamal Khashoggi tại lãnh sự quán Saudi Arabia ở Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) hồi tháng 10 năm ngoái. Thái tử Mohammed bin Salman bị nghi ngờ liên quan đến vụ việc này. Họ cũng có thể lo lắng về cách quản trị chịu sự chi phối của nhà nước ở Saudi Aramco hay các vụ tấn công nhằm vào cơ sở dầu khí của tập đoàn này như từng xảy ra hồi tháng 9. Họ cũng nghi ngại về mức định giá quá cao của Saudi Aramco. Họ cho rằng mức định giá hợp lý của tập đoàn này rơi vào khoảng 1.200-1.500 tỉ đô la.

Theo Financial Times, Reuters, Guardian

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới