Thứ Năm, 28/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Thận trọng với nguy cơ trở thành thị trường xuất khẩu hàng thừa của Trung Quốc

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Thận trọng với nguy cơ trở thành thị trường xuất khẩu hàng thừa của Trung Quốc

Trương Đình Tuyển (*)

(TBKTSG Online) – LTS: Chiến tranh thương mại Mỹ – Trung ngày càng leo thang căng thẳng với các đòn thuế liên tục gia tăng giữa hai nước. Là nền kinh tế có mối quan hệ thương mại lớn với cả Mỹ và Trung Quốc, Việt Nam đối mặt với nhiều cơ hội lẫn thách thức. Tòa soạn xin giới thiệu bài phân tích của chuyên gia kinh tế Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Thương mại, người am hiểu về quan hệ thương mại của Việt Nam và các nước, từng là trưởng đoàn đàm phán Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vào năm 2006, chia sẻ những kinh nghiệm về cách ứng phó của doanh nghiệp Việt trong tình hình hiện tại, nhằm phòng tránh nguy cơ và rủi ro, cụ thể là trở thành thị trường xuất khẩu hàng thừa của Trung Quốc.

Do chiến tranh thương mại Mỹ -Trung và Brexit, kinh tế thế giới suy giảm, tính bất định và độ rủi ro tăng lên.
Ngày 23-7, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đưa ra dự báo kinh tế thế giới  chỉ tăng trưởng 3,2% trong năm 2019 và 3,5% cho năm 2020 (đều giảm 0,1% so với dự báo hồi tháng 4-2019) và là mức tăng trưởng thấp nhất kể từ năm 2009. Thương mại toàn cầu được dự báo chỉ tăng trưởng 2,5% trong năm 2019, giảm 0,9% so với dự báo trước đó 3 tháng. Nếu thương chiến tiếp tục leo thang, quan hệ thương mại Nhật – Hàn tiếp tục xấu đi, và Brexit không đạt được thỏa thuận, tình hình có thể tồi tệ hơn..

Thận trọng với nguy cơ trở thành thị trường xuất khẩu hàng thừa của Trung Quốc
Hàng hóa được xếp tại cảng ở Thâm Quyến, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc. Ảnh: THX/TTXVN

Hiện tại, cả Mỹ và Trung Quốc đều kiện nhau ra WTO. WTO sẽ ra phán quyết nhưng nhiều khả năng không  nước nào chấp nhận. Có ý kiến cho rằng, cả hai nền kinh tế hàng đầu thế giới sẽ lợi dụng tình trạng này để yêu cầu đàm phán lại WTO, theo hướng có lợi cho mình (?). Tuy nhiên đây không phải là mục tiêu dễ dàng.

Trên thực tế, cuộc thương chiến giữa hai nền kinh tế lớn đều đang tác động đến Việt Nam theo hướng thuận lợi lẫn tiêu cực. Sự thuận lợi là nhiều hàng hóa của Việt Nam sẽ thay thế hàng Trung Quốc tại thị trường Mỹ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp Việt Nam tăng xuất khẩu vào Mỹ. Các dòng vốn đầu tư rút khỏi Trung Quốc sẽ tìm đến nhiều nơi chốn mới, trong đó có Việt Nam như một điểm đến tiềm năng, nếu chúng ta đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.

Về tác động tiêu cực, Trung Quốc tìm các thị trường tiêu thụ thay cho thị trường Mỹ, và Việt Nam được đánh giá là thị trường thuận lợi nhất. Điều đáng quan ngại hơn là đồng nhân dân tệ giảm giá làm hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc có giá rẻ hơn và Việt Nam sẽ là thị trường xuất khẩu các mặt hàng và công nghệ không cao đang dư thừa ở Trung Quốc. Điều này sẽ gây khó khăn cho hoạt động sản xuất trong nước, làm tăng nhập siêu từ Trung Quốc, đồng thời, gây sức ép lên tỷ giá đồng Việt Nam/đô la Mỹ (VND/USD). Nếu xử lý không tốt sẽ làm lạm phát tăng, làm giảm giá trị đồng nội tệ, đe dọa ổn định kinh tế vĩ mô.

Một tình huống có khả năng xảy ra là doanh nghiệp Trung Quốc có thể thông đồng với một số doanh nghiệp Việt Nam đưa hàng từ Trung Quốc vào Việt Nam rồi tìm cách xuất sang Mỹ (kể cả lợi dụng cơ chế tạm nhập tái xuất hoặc có thể gia công thêm một vài công đoạn đơn giản, không bảo đảm tiêu chuẩn quy tắc xuất xứ). Đây là điều rất nguy hiểm, tạo cớ cho Mỹ đánh thuế bổ sung đối với hàng hóa của Việt Nam (như vụ thép và nhôm)

Nhìn từ phía Mỹ, tại thời điểm này Việt Nam chưa phải là đối tượng mà Mỹ hướng đến nhưng Mỹ đã cảnh báo Việt Nam trên các nội dung:

(1) Việt Nam xuất siêu lớn (năm 2018 xuất siêu gần 35 tỉ đô la) vào Mỹ. Mặc dù tốc đô tăng nhập khẩu hàng hóa Mỹ của Việt Nam trong năm 2018 và 6 tháng đầu năm 2019 cao hơn tốc độ tăng xuất khẩu vào Mỹ và Việt Nam vẫn đang nhập siêu dịch vụ từ nền kinh tế hàng đầu này nhưng xuất siêu vẫn lớn và đang có xu hướng tăng cả về giá trị và thứ bậc.

Năm 2018, Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ 47,5 tỉ đô la, tăng 11,43% so với mức 41,6 tỉ của năm 2017, trong 6 tháng đầu năm 2019, xuất khẩu vào Mỹ tiếp tục tăng mạnh với tổng kim ngạch 27,5 tỉ đô la, tăng 27,4% so với cùng kỳ năm trước. Từ vị trí thứ 6 vào đầu năm 2018, hiện nay, Việt Nam đã lên thứ 4 trong 16 nước xuất siêu vào Mỹ.

(2) Mỹ cho rằng, Việt Nam cũng đang tác động đến thị trường ngoại tệ theo cách phi thị trường, đã mua  vào lượng ngoại tệ lớn (hơn 2% GDP). Ngoài ra, họ cũng cảnh báo Việt Nam về các biện pháp hạn chế doanh nghiệp Mỹ tiếp cận thị trường Việt Nam thể hiện trong một số điều khoản của Luật An toàn thông tin mà Quốc hội đã thông qua,…(mặc dầu theo Việt Nam, quy định như vậy là cần thiết và nhiều nước cũng quy định tương tự.

Từ thái độ của Mỹ, các doanh nghiệp Việt Nam cần tích cực điều chỉnh cơ cấu thị trường theo hướng cân bằng hơn. Theo đó, thứ nhất, giảm nhập khẩu từ thị trường Trung Quốc, nhất là các sản phẩm công nghệ cao để tăng nhập khẩu các sản phẩm này từ Mỹ. Thứ hai, khi Hiệp định Thương mại tự do EU-Việt Nam (EVFTA) có hiệu lực, các doanh nghiệp cần đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường EU, thay vì chỉ tập trung vào thị trường Mỹ. Đây là một tiềm năng to lớn cần khai thác. Song song đó, phải kiên quyết chống gian lận thương mại, bao gồm gian lận xuất xứ để tránh bị Mỹ và các đối tác thương mại trừng phạt.

Có thể nhận thấy, cuộc chiến Thương mại Mỹ-Trung không chỉ thuần túy xuất phát từ sự mất cân băng xuất nhập khẩu giữa hai nền kinh tế mà nó nằm trong bối cảnh cuộc cạnh tranh chiến lược đang diễn ra trên nhiều mặt trận, ở nhiều địa bàn. Trong đó, Chương trình "Made in China” là điểm khởi đầu mấu chốt của cuộc cạnh tranh đó, nhằm nắm giữ vị trí siêu cường về công nghệ, đe dọa an ninh kinh tế của Mỹ.

Nếu chỉ là vấn đề cán cân thương mại, hai nước sẽ phải thương lượng để nhanh chóng tìm giải pháp, tránh trường hợp “hai bên cùng thua” nhưng là cuộc cạnh tranh chiến lược, hai bên không dễ dàng dừng lại sau một số đợt thương lượng khi Trung Quốc đang thực hiện mục tiêu ‘Phục hưng Trung Hoa” còn Tổng thống Donald Trump thực hiện lời hứa “Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại”. Vì vậy, khó mà đoán trước khi nào cuộc chiến kết thúc. Điều này tùy thuộc vào khả năng chịu đựng của mỗi nước.

(*) Chuyên gia kinh tế, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại (nay là Bộ Công Thương)

 

Mời bạn đọc xem toàn bộ bài viết tại đây:

Sự xuất hiện của chủ nghĩa bảo hộ và cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung tác động đến kinh tế và doanh nghiệp Việt Nam

Mong muốn được đồng hành cùng các doanh nghiệp Việt, Thời báo Kinh tế Sài Gòn phối hợp với Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam tổ chức hội thảo chuyên đề "Chiến tranh thương mại leo thang: Mừng lo của doanh nghiệp Việt?", diễn ra vào lúc 8h ngày 6-9 tại Grand Hotel, số 8, Đồng Khởi, quận 1, TPHCM.

Đặc biệt, chuyên gia kinh tế Trương Đình Tuyển, tác giả bài viết, là một trong ba diễn giả chính của hội thảo, bên cạnh tiến sĩ Phạm Sỹ Thành, Giám đốc Chương trình Nghiên cứu Kinh tế Trung Quốc (VCES) và ông Mathew Smith, Giám đốc Nghiên cứu và Phân tích của Công ty chứng khoán Yuanta Việt Nam.

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới