Tháng khuyến mãi gắn kết với hàng Việt Nam
Hồng Văn
![]() |
Thực phẩm Vissan, một doanh nghiệp trong nước đang chiếm lĩnh thị trường thực phẩm-Ảnh: Hồng Văn. |
(TBKTSG Online) – Sau hơn một tuần thực hiện chương trình “Tháng khuyến mãi” tại TPHCM, các doanh nghiệp tham gia cho biết lượng người mua sắm tại các trung tâm thương mại và doanh số bán hàng đều tăng.
Bên cạnh đó, những kết quả từ việc gắn kết với mục tiêu đẩy mạnh tiêu thụ hàng Việt Nam tại thị trường nội địa cũng đang rõ nét.
Tăng… hơn kỳ vọng
Bà Trần Thị Chí Linh, Trưởng phòng xuất nhập khẩu và xúc tiến công thương, Sở Công Thương TPHCM – nhà tổ chức “Tháng khuyến mãi”, cho biết theo quy định, các doanh nghiệp tham gia chương trình báo cáo kết quả trong vòng 45 ngày sau khi kết thúc chương trình, nên trong những ngày qua, thông tin mà sở này có được chủ yếu là điện thoại hoặc gặp trực tiếp các doanh nghiệp, nên chưa có những con số thống kê chính thức.
“Tuy nhiên, tham khảo sơ bộ ở các hệ thống phân phối lớn, các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh lớn thì doanh số tăng mạnh, có nơi tăng 50-60% so với bình thường, cá biệt có ngày như ngày lễ Quốc khánh 2-9, có điểm mua sắm doanh số tăng 70% so với ngày thường”, bà Linh cho hay.
Bà Nguyễn Thị Quyền, Phó giám đốc tiếp thị hệ thống các trung tâm điện máy và nội thất Thiên Hòa, cho biết từ ngày 31-8, ngày phát động chương trình tới hôm nay, 8-9, lượng khách đến hệ thống Thiên Hòa tăng 40% còn doanh số tăng 30% so với bình thường. Cá biệt như ngày 2-9, do nghỉ lễ chỉ có một ngày nên người tiêu dùng thành phố ít đi chơi xa, thay vào đó là đi mua sắm nên lượng khách tăng đột biến 100%, còn doanh số tăng tới 70% so với ngày bình thường.
Khác với các doanh nghiệp khác là chỉ khuyến mãi trong phạm vi thị trường TPHCM, Công ty Vissan, một nhà cung cấp thực phẩm lớn, tổ chức khuyến mãi trên phạm vi cả nước với mức khuyến mãi giảm giá cao nhất là 10%.
Ông Văn Đức Mười, Phó tổng giám đốc Vissan, cho biết mấy ngày qua hệ thống phân phối của công ty “bán hàng rất tốt, tốc độ tăng tới 30% trong tình hình người tiêu dùng cân nhắc chi tiêu trước khó khăn kinh tế”.
Bà Lê Quang Thục Quỳnh, Giám đốc tiếp thị Saigon Co.op – chủ hệ thống siêu thị Co.opMart, cho biết sau 1 tuần triển khai chương trình khuyến mãi, doanh số hệ thống siêu thị tăng khoảng 43% so với cùng kỳ. Riêng ngày 2-9, doanh số của hệ thống tăng 75%, lượt khách tăng 60% so với cùng kỳ.
Ngoài khuyến mãi giảm giá, hệ thống Co.opMart còn tổ chức 32 chuyến bán hàng lưu động đến các xã ngoại thành, các khu công nghiệp với sự phối hợp với Sở Công Thương và Ban quản lý các khu công nghiệp và khu chế xuất TPHCM. Bà Quỳnh dự tính tổng chi phí cho bán hàng lưu động khoảng 500 triệu đồng và các mặt hàng được bà con nông dân, công nhân có thu nhập thấp mua nhiều nhất là bột giặt, dầu ăn, nước nắm, nước rửa chén.
Gắn kết với việc đẩy mạnh tiêu thụ hàng Việt Nam
![]() |
Các doanh nghiệp thành phố đưa hàng về nông thôn trong tháng khuyến mãi-Ảnh: Hồng Văn. |
Theo bà Quỳnh, hiện tại có hơn 90% hàng hóa đang kinh doanh tại hệ thống siêu thị Co.opMart trên cả nước là hàng sản xuất tại Việt Nam với giá cả hợp lý, chất lượng ổn định.
Không chỉ trong chương trình này, chủ trương của Saigon Co.op trong thời gian tới là hướng đến giảm lượng hàng nhập khẩu trong kinh doanh, thay vào đó là đẩy mạnh bán hàng sản xuất trong nước, đưa hàng Việt Nam về thị trường nông thôn thông qua thế mạnh của mình là hệ thống các siêu thị ở các tỉnh.
Ông Văn Đức Mười, Phó tổng giám đốc Vissan, cho rằng “Tháng khuyến mãi” đã gắn kết chặt chẽ với cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Còn về lâu dài, ông nói cuộc vận động nói trên cần có 3 yếu tố cấu thành là doanh nghiệp, nhà nước và người tiêu dùng chứ không thể vận động suông.
“Doanh nghiệp phải tự khẳng định mình bằng hàng hóa có chất lượng, có thương hiệu, giá cả phù hợp, thỏa mãn nhu cầu của thị trường trong nước thì mới đánh bại được tâm lý sính hàng ngoại của một bộ phận người tiêu dùng hoặc thiếu niềm tin của người tiêu dùng đối với hàng trong nước”, ông giải thích.
Ngoài ra, vai trò của nhà nước trong cuộc vận động này, theo ông Mười là quan trọng nhưng thời gian gần đây ít thấy ai nhắc tới. Đó là vai trò xúc tiến thương mại, hỗ trợ doanh nghiệp và đặc biệt là kiểm tra giám sát thị trường để tạo bình đẳng trong kinh doanh.
“Nếu nhà nước không kiểm soát thì hàng gian, hàng giả, hàng nhái tràn ngập thì càng làm giảm sút ý chí vươn lên của doanh nghiệp Việt Nam và mất niềm tin ở người tiêu dùng”, ông nói.