Thanh khoản tiếp tục nóng trên thị trường tiền tệ
Trọng Nghĩa
(TBKTSG Online) – Lãi suất trên thị trường liên ngân hàng (LNH) nóng trở lại khi có những dấu hiệu Kho bạc Nhà nước (KBNN) rút tiền khỏi hệ thống ngân hàng. Lãi suất tiền đồng kỳ hạn qua đêm đến một tuần ngày 10-4 dao động trong khoảng 4,5 – 4,8% tăng từ 20 – 30 điểm so với ngày trước đó, thanh khoản eo hẹp đáng kể.
Thị trường liên ngân hàng: Thanh khoản căng thẳng, dấu hiệu kho bạc rút tiền
![]() |
Lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm. Nguồn: Reuters |
Lãi suất đã có dấu hiệu tăng đáng kể từ nửa cuối tháng 3 sau khi về được quanh ngưỡng 3,1 – 3,2% kỳ hạn qua đêm. Nguyên nhân chính của đà tăng được cho là kho bạc liên tục rút tiền khỏi hệ thống. Mặc dù Ngân hàng Nhà nước (NHNN) liên tục mua được đô la Mỹ, cung tiền đồng ra hệ thống do tỷ giá ổn định suốt từ đầu năm, nhưng thanh khoản hệ thống vẫn trong tình trạng eo hẹp.
Mới đây nhất NHNN đã mua được khoảng 400 triệu đô la, tương ứng với hơn 9 nghìn tỉ đồng, trong khi từ đầu năm có thời điểm số lũy kế NHNN mua ròng đô la trên thị trường lên tới 4 tỉ đô la.
Nguồn cung tiền đồng ra thị trường qua kênh mua bán ngoại tệ đang là kênh chính cấp thanh khoản nội tệ cho hệ thống khi các kênh thị trường mở (OMO) đang có số dư khá thấp. Cụ thể số dư trên kênh mua bán kỳ hạn Giấy tờ có giá (GTCG) đã hết, trong khi số dư NHNN hút ròng qua kênh tín phiếu đến hết ngày 10-4-2019 là khoảng 13 nghìn tỉ đồng.
Bức tranh thanh khoản trên thị trường LNH còn được ủng hộ khá nhiều từ huy động và sử dụng vốn trên thị trường 1 (dân cư và doanh nghiệp). Năm nay đánh dấu những động thái kiên quyết của NHNN trong siết chặt tín dụng. Mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm nay chỉ là 14%, thấp hơn đáng kể so với mức 17% năm 2018. Chỉ tiêu thực tế mà NHNN phân bổ cho từng ngân hàng thậm chí còn thấp hơn, tối đa 12% – thấp hơn chỉ tiêu toàn ngành đã đề ra. Rất có thể NHNN đang đề phòng với việc xin nới room trong thời điểm cuối năm của nhiều ngân hàng.
Bên cạnh đó là lộ trình giảm dần và tiến tới dừng hẳn tín dụng ngoại tệ trong năm 2019. Có thể thấy cả tín dụng nội tệ và ngoại tệ đang được siết chặt trong năm nay. Điều này sẽ giảm áp lực đáng kể cho việc huy động vốn và mặt bằng lãi suất trên thị trường 1, cũng như thanh khoản trên thị trường LNH. Tín dụng dần đi vào chất lượng hơn, cũng giảm thiểu rủi ro nợ xấu cho hệ thống vốn đã tiêu tốn rất nhiều nguồn vốn, nguồn lực cho nền kinh tế suốt những năm qua.
Như vậy, có thể thấy chủ trương mở rộng cung tiền để tăng trưởng thêm tín dụng là điều NHNN đang hạn chế tối đa mặc cho Chính phủ luôn thúc đẩy hạ lãi suất, đẩy mạnh tín dụng, hỗ trợ kinh tế trong suốt thời gian đã qua.
Và do đó, có thể thấy áp lực tăng lãi suất cả nội tệ cũng như ngoại tệ trong năm 2019 là không cao. Quí 1-2019, huy động vốn và tín dụng có tốc độ tăng khá sát nhau, lần lượt là 1,7% và 1,9% so với cuối 2018 và thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái.
Như vậy, tổng thể lại, thanh khoản hệ thống đang có nhiều yếu tố ủng hộ, xong cần nhận ra một điều: Thanh khoản đang bị phụ thuộc quá nhiều vào lượng tiền gửi kho bạc và nguồn tiền từ nhóm ngân hàng quốc doanh. Mỗi lần KBNN rút tiền khỏi các ngân hàng quốc doanh lại khiến thanh khoản hệ thống chao đảo, ngân hàng quốc doanh khan nguồn, cả hệ thống thiếu nguồn, đẩy mặt bằng lãi suất lên một mức mới.
Và tệ hơn là điều này đang vượt cả dự tính của NHNN. Hai kênh bơm hút thanh khoản linh hoạt nhất của nhà điều hành là tín phiếu và mua bán kỳ hạn GTCG (repo) đang mất đi vai trò điều tiết. Mục tiêu đưa lãi suất LNH về ngưỡng 3% – lãi suất tín phiếu đang bị bỏ lại khá xa, trong khi kênh repo số dư đang bằng 0. Có thể thấy, với một nền tảng vĩ mô ổn định và các áp lực cho lãi suất đang ở mức thấp như hiện tại mà lãi suất LNH lại liên tục tăng, thanh khoản luôn trong trạng thái “nóng”?
Và điều đó khiến khả năng kiểm soát, định hướng lãi suất ngắn hạn của NHNN theo mục tiêu trở nên khó khăn hơn, ảnh hưởng đến cả các mục tiêu vĩ mô khác, điển hình là gây áp lực lên chi phí vốn cho thị trường 1. Lãi suất LNH tăng là chỉ báo đẩy lợi suất trái phiếu chính phủ (TPCP) trên thị trường thứ cấp tăng theo, khiến mục tiêu phát hành TPCP của KBNN trở nên khó khăn hơn rất nhiều.
Lợi suất TPCP đã có đà tăng mạnh suốt từ tháng 3 đến nay, với mức lợi suất cao như hiện tại, kho bạc đã liên tục rớt thầu những phiên gần đây, ảnh hưởng tới kế hoạch phát hành, sử dụng vốn của Chính phủ và các bộ ban ngành. Việc phối hợp tài khóa – tiền tệ đang là vấn đề mà nhà điều hành vĩ mô cần xem xét để tránh gây tác động tới sự ổn định vĩ mô và hoạt động kinh doanh của ngân hàng, doanh nghiệp.
![]() |