Thứ Ba, 19/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Thành lập Hội đồng Hợp tác doanh nghiệp ứng phó Covid-19

Y.M

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã chính thức thành lập Hội đồng hợp tác doanh nghiệp ứng phó Covid-19, một cơ chế đặc biệt nhằm kết nối các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp với các cơ quan, tổ chức ở trung ương, địa phương và quốc tế để cùng hợp sức ứng phó với đại dịch Covid-19.

Ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch VCCI, Phó Chủ tịch Hội đồng Tư vấn Cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng giữ cương vị Chủ tịch Hội đồng Hợp tác doanh nghiệp ứng phó Covid-19.

Hội đồng hợp tác doanh nghiệp ứng phó Covid-19 được thành lập nhằm nắm bắt tình hình và kịp thời phản ánh các vấn đề phát sinh, các khó khăn vướng mắc của cộng đồng doanh nghiệp. Ảnh minh họa: TTXVN

Hội đồng hướng tới mục tiêu hạn chế thấp nhất những tổn thất có thể xảy ra; đồng thời, duy trì hoạt động vận hành của doanh nghiệp, bảo vệ doanh nghiệp, người lao động và các hoạt động kinh tế; đồng thời góp sức vào cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 của cả nước.

Đây được xem là địa chỉ để doanh nghiệp kịp thời phản ánh, kiến nghị những khó khăn, vướng mắc, các vấn đề liên quan đến dịch bệnh Covid-19 và hoạt động của doanh nghiệp, đồng thời nhận được sự hướng dẫn, hỗ trợ trong ứng phó với dịch bệnh Covid-19.

Hội đồng được thành lập nhằm nắm bắt tình hình và kịp thời phản ánh các vấn đề phát sinh, các khó khăn vướng mắc của cộng đồng doanh nghiệp; nghiên cứu, tổng hợp các kiến nghị của doanh nghiệp, đồng thời đề xuất các chính sách, giải pháp ứng phó Covid-19 với Chính phủ và các cơ quan hữu quan.

Hội đồng cũng tạo cầu nối cho các doanh nghiệp hợp tác cùng nhau chia sẻ thông tin, kinh nghiệm, biện pháp ứng phó với các tác động từ dịch bệnh Covid-19, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, duy trì thị trường.

Ngoài nhiệm vụ thông tin, phổ biến, hỗ trợ các doanh nghiệp nắm bắt những quy định mới của Nhà nước, các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động liên quan đến đến dịch Covid-19, hội đồng còn tổ chức khảo sát, nắm bắt tình hình triển khai các chính sách trong thực tế tại các địa phương, các ngành.

Đồng thời, tích cực tuyên truyền, cổ vũ doanh nghiệp và xã hội trong cuộc chiến phòng, chống Covid-19; đề xuất tuyên dương các doanh nghiệp tiêu biểu trong phòng chống dịch bệnh và duy trì sản xuất kinh doanh; vận động các nguồn lực trong nước và quốc tế ủng hộ cho hoạt động phòng chống dịch bệnh Covid-19 của cả nước nói chung và của cộng đồng doanh nghiệp.

TTXVN dẫn lời ông Phạm Tấn Công, cho biết Việt Nam đã chuyển sang giai đoạn sống chung với dịch bệnh, nên bên cạnh việc phòng, chống dịch bệnh, việc duy trì hoạt động, phát triển sản xuất kinh doanh trong điều kiện bình thường mới là thách thức rất lớn mà các doanh nghiệp cần phải thích nghi, cần được hỗ trợ. Vì vậy, hội đồng sẽ triển khai ngay các hoạt động trợ giúp doanh nghiệp.

Ngay trong tuần tới, hội đồng sẽ cho ra mắt nền tảng tương tác trực tuyến (Workplace) hoạt động 24/7 để các doanh nghiệp có thể kịp thời phản ánh các vấn đề, khó khăn gặp phải và đề xuất, kiến nghị với Chính phủ, các bộ, ngành, các cơ quan liên quan ở Trung ương và địa phương.

Trước đó, cũng trong tháng 9 này, VCCI cho biết đã tham gia đóng góp ý kiến xây dựng dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc ban hành giải pháp thu ngân sách nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động tiêu cực bởi dịch Covid-19.

Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI cho biết, sự bùng phát của dịch Covid-19 lần thứ tư cùng với các đợt giãn cách liên tiếp đã khiến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề, đặc biệt là các địa phương phía Nam.

Số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trong 8 tháng năm 2021 là 85,5 ngàn doanh nghiệp, tăng 24,2% so với cùng kỳ năm 2020; trong đó TPHCM có 24 ngàn doanh nghiệp, chiếm 28,1%. Số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 43,2 ngàn doanh nghiệp, chiếm 50,5% tổng số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Trung bình mỗi tháng có gần 11.400 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

Trước thực trạng đó, việc xây dựng dự thảo này với các giải pháp hỗ trợ kịp thời cho doanh nghiệp, người dân chịu ảnh hưởng và đang gặp nhiều khó khăn bởi dịch Covid-19 là hết sức cần thiết”.

Các nhóm giải pháp hỗ trợ về thu ngân sách là nhóm giải pháp có hiệu ứng và tác động tốt nhất với các doanh nghiệp. Về cơ bản, một số giải pháp như: giảm thuế thu nhập doanh nghiệp; giảm thuế giá trị gia tăng đối với một số ngành nghề chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh là hợp lý. Tuy nhiên, để các giải pháp hỗ trợ thể hiện được mục tiêu đảm bảo các chính sách hỗ trợ kịp thời, đúng, trúng đối tượng, phù hợp với tình hình, điều kiện thực tế của ngân sách nhà nước thì VCCI đã đề xuất một số việc cần thực hiện.

Cụ thể, đối với việc tăng thời hạn hỗ trợ cho doanh nghiệp, theo đề xuất trong dự thảo, các giải pháp như: hỗ trợ giảm thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của năm 2021 đối với trường hợp người nộp thuế thu nhập doanh nghiệp có tổng doanh thu năm 2021 không quá 200 tỉ đồng; giảm thuế giá trị gia tăng kể từ thời điểm có hiệu lực của Nghị quyết đến hết ngày 31-12-2021 đối với doanh nghiệp trong một số ngành, lĩnh vực. Đồng thời, giảm số thuế phải nộp phát sinh từ hoạt động sản xuất kinh doanh của các tháng trong quí 3 và quí 4 của năm 2021 đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh trong mọi lĩnh vực, ngành nghề, địa bàn, hình thức khai thuế, nộp thuế.

Như vậy, thời hạn áp dụng cho các giải pháp hỗ trợ này chỉ giới hạn trong năm 2021. Trong khi đó, từ năm 2020 đến nay, Việt Nam trải qua 4 đợt dịch bùng phát và đợt dịch bùng phát từ tháng 4-2021 trở lại đây đang ảnh hưởng rất nặng nề đến tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Do đó, sớm nhất thì phải đến quí 1-2022, các hoạt động kinh tế mới trở lại trạng thái bình thường mới và doanh nghiệp sẽ dần khôi phục được tình hình sản xuất kinh doanh của mình. Chính vì vậy, VCCI đề nghị điều chỉnh thời hạn áp dụng các biện pháp hỗ trợ sang đến hết tháng 6-2022.

Bên cạnh đó, theo dự thảo, mức giảm thuế giá trị gia tăng cho các loại hình dịch vụ như: du lịch, nhà hàng, khách sạn, vận tải, chiếu phim… là 30%. Theo VCCI, mức hỗ trợ này cần mở rộng ra đến 50% để tạo ra hiệu ứng tác động lớn hơn và cú hích hồi phục mạnh hơn với các ngành đang chịu ảnh hưởng cực kỳ nặng nề bởi dịch bệnh.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới