Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Thanh long gặp khó với thị trường Trung Quốc, nhà nông và nhà kho thua lỗ

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Thanh long gặp khó với thị trường Trung Quốc, nhà nông và nhà kho thua lỗ

Trung Chánh

(TBKTSG Online) – Thanh long, loại trái cây mang về kim ngạch xuất khẩu khoảng 1 tỉ đô la Mỹ mỗi năm cho Việt Nam, đang gặp khó khăn tại thị trường Trung Quốc. Tình trạng này đang khiến cho người nông dân thua lỗ, nhà kho thu mua thì đóng cửa hàng loạt.

Thanh long gặp khó với thị trường Trung Quốc, nhà nông và nhà kho thua lỗ
Nông dân huyện Châu Thành, tỉnh Long An phân loại trái thanh long. Ảnh: Trung Chánh

Ông Nguyễn Ngọc Sơn, ngụ tại xã Dương Xuân Hội, huyện Châu Thành, tỉnh Long An – một hộ dân trồng thanh long – cho biết, giá bán loại trái cây này hiện chỉ còn 11.000-12.000 đồng/kg, trong khi giá thành sản xuất cũng trên dưới 12.000 đồng/kg, tức người nông dân trồng thanh long đang phải chịu lỗ vốn.

Ông Nguyễn Quốc Trịnh, Chủ tịch Hiệp hội thanh long tỉnh Long An thừa nhận, so với cùng kỳ năm ngoái, giá thanh long hiện đã giảm khoảng 50%, tức chỉ còn khoảng 12.000 đồng/kg.

Theo ông Trịnh, diện tích thanh long của Việt Nam hiện đạt khoảng 36.000 héc-ta, với sản lượng thu hoạch hàng năm khoảng 1 triệu tấn. Trong khi đó, bên Trung Quốc cũng trồng khoảng 40.000 héc-ta với sản lượng cao hơn của Việt Nam. “Còn về tiêu thụ, có khoảng 70% thanh long của Việt Nam được xuất bán sang Trung Quốc, thu về khoảng 1 tỉ đô la Mỹ mỗi năm (bao gồm cả thị trường ngoài Trung Quốc – PV)”, ông Trịnh cho biết.

Tuy nhiên, do tình hình dịch Covid-19 bùng phát mạnh khiến việc tiêu thụ thanh long gặp rất nhiều khó khăn. “Trước khi có dịch, các nước kiểm tra khoảng 30% đơn hàng, nhưng hiện nay áp dụng kiểm tra 100%, làm chi phí tăng đáng kể”, ông Trịnh nói thêm rằng, chi phí từ thu hoạch đến bán sang các nước hiện dao động khoảng 12.000-15.000 đồng/kg.

Theo ông Trịnh, hiện có hai phương thức thu mua và xuất bán thanh long, đó là nhà kho trong nước thu mua và trực tiếp xuất khẩu (chủ yếu sang Trung Quốc) hoặc nhà kho trong nước gia công cho thương lái Trung Quốc (thương lái Trung Quốc trực tiếp sang vùng nguyên liệu để chỉ đạo, điều hành).

Thế nhưng, hiện nay cả nhà kho, người bán đều rơi vào cảnh lỗ, bởi các kho đóng gia công cho Trung Quốc, thì bị họ nợ tiền, trong khi người bán trực tiếp cũng bị lỗ vì dịch Covid-19 khiến điều kiện kinh tế đi xuống, người mua cũng ít đi và không thể mua được giá cao. Điều này, tác động ngược lại vào thị trường trong nước khiến người nông dân cũng bị lỗ như nêu ở trên. “Tóm lại, cả người nông dân, người mua và người bán đều bị lỗ hết”, ông nói.

Theo ông Trịnh, riêng trên địa bàn tỉnh Long An, hiện có khoảng 160 nhà kho chuyên thu mua thanh long xuất khẩu, nhưng có đến khoảng 50% buộc phải đóng cửa vì lỗ, số còn lại hoạt động cũng suy yếu.

Mặt khác, việc thương lái Trung Quốc giữ quyền điều phối chuyện mua – bán ngay tại vùng nguyên liệu cũng khiến việc tiêu thụ gặp khó khăn, người nông dân luôn bị yếu thế. “Thương lái Trung Quốc biết rất rõ thời điểm thu hoạch và cả nguồn cung, cho nên, khi thanh long đến thu hoạch họ mua với giá rất rẻ và khi hết thanh long họ tăng giá lên để bán hết số lượng đã mua và khi bán xong họ lại hạ giá xuống để mua tiếp”, ông Trịnh cho biết và nói rằng, câu chuyện này các đơn vị liên quan cũng biết, nhưng do nguồn lực của phía Trung Quốc mạnh nên họ nắm quyền chi phối.

Nhà kho thu mua thanh long đóng cửa. Ảnh: Trung Chánh

Liên quan việc này, ông Nguyễn Hoàng Ca, ngụ tại xã Thanh Vĩnh Đông, huyện Châu Thành, tỉnh Long An cho biết, gần đây thương lái Trung Quốc đã vào đặt kho thu mua hàng trực tiếp tại vườn. “Ngày xưa, nông dân ai có tiền thì tự mở kho, đi thu mua rồi xuất bán sang Trung Quốc, còn bây giờ thương lái Trung Quốc sang tận nơi, họ nắm hết thông tin, mùa vụ, sản lượng rồi họ tự đề ra giá cả luôn”, ông cho biết.

Theo ông Ca, trước đây, thương lái mua theo từng giai đoạn, trái mới nhú bằng nắm tay với giá 50.000 đồng/kg, vừa ra nghoe là 60.000-70.000 đồng/kg và trái chín thì thương lái vào tận vườn bao tiêu với giá tầm 80.000 đồng/kg. “Còn bây giờ, thương lái Trung Quốc họ quyết hết, mua ép giá mình để họ lời nhiều hơn”, ông cho biết.

Theo ông Trịnh, để giải quyết câu chuyện này, rất cần Bộ Công Thương vào cuộc để tìm đối tác trực tiếp ở Trung Quốc, chứ ở tầm Hiệp hội thanh long Long An hay Sở Công Thương tỉnh cũng không thể can thiệp được.

Tuy nhiên, trước mắt trong bối cảnh hiện nay, ông Trịnh khuyến cáo nông dân cần hạn chế xông đèn vụ nghịch (xông đèn để thanh long ra trái vụ nghịch – PV) để giảm áp lực về nguồn cung để điều tiết thị trường, “kéo” giá thanh long tăng trở lại.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới