Thành phố dâng lên
Nguyễn Nguyên Thảo
Đằng sau những thửa ruộng là những bản quy hoạch khu đô thị mới... Ảnh: NVN. |
(TBKTSG) - Mùa hè Sài Gòn ngày càng oi bức, đi dạo ở vùng ngoại ô, tìm chút không gian kênh rạch ruộng đồng còn lại, căng lồng ngực hít những hơi thật tròn đầy mà không sợ phổi mình nhiễm ứ khói xăng kể ra cũng là một cái thú.
Tôi thích cái rìa đất ven đô Cát Lái - Thủ Thiêm, nơi sẽ là khu đô thị mới, hoành tráng trong tương lai gần. Từ quận 1 phóng xe gắn máy qua đây - vùng đầm lầy bên kia cầu Phú Mỹ - cũng chỉ mất chừng 20 phút, một bán kính ngắn tính từ trung tâm Sài Gòn nhưng có thể cho cảm giác choáng ngợp bởi quang cảnh thoáng đãng tuyệt vời. Chạy trên đường còn nghe thoang thoảng mùi tanh của bùn sình từ các thửa đất ruộng và mấy dòng kênh rạch, những ao cá nằm sâu trong các con mương, những chòi rẫy lặng lẽ còn sót lại.
Thử dạo bước vào trong những trảng cỏ rậm rì, đi qua mấy cánh rừng bần, dừa nước, có khi còn gặp cả cảnh mấy anh chăn vịt sót lại từ những “cánh đồng bất tận” nào đó trong dĩ vãng chưa xa... Cứ như thể cái dàn cung dây văng của cây cầu vĩ đại kia vừa bắn tôi đi xa, vào một vùng không gian khác, chỉ trong phút chốc. Mới đây là trùng trùng phố phường, chớp mắt đã rơi vào ruộng đồng hoang vắng.
Nhưng rồi thấy vậy mà không phải vậy. Đằng sau bức tranh tưởng chừng bất tận của những cánh đồng là những bản quy hoạch chi tiết cho các khu đô thị, dự án cao ốc mới trong tương lai. Một người nông dân sống trong căn lều heo hút nói với tôi lý do anh ở lại với khu đầm lầy đó là vì chưa thỏa thuận xong giá đền bù. “Phải bám đất” - anh nói. Và anh kể chuyện một người ở cánh đồng heo hút bên kia con rạch vừa mới được đổi đời. Cái chòi rẫy giữa rừng dừa nước của anh ta vừa được trả mấy tỉ đồng. “Ngon cơm!” - anh lại nói - “Nhìn phố phường tiến sát mà sốt ruột”.
Vậy mà bấy lâu tôi cứ ngây thơ nghĩ rằng đồng quê vẫn thuộc về đồng quê, đâu biết mỗi cái cây, cọng lá, mỗi giọt bùn nơi đây đang nóng lên từng giờ trên các trang giao dịch. Chúng đang chuẩn bị đón cái làn sóng ào ạt của đô thị từ bên kia cây cầu tràn qua, chiếm lĩnh, xóa dấu.
Hơn mười năm trước, Phú Mỹ Hưng cũng thế. Erik, một chuyên gia nghiên cứu nhân học đô thị người Mỹ có quá trình lặn lội dài ngày nơi đây đã tóm tắt lạnh lùng mà hữu lý như vầy: Phú Mỹ Hưng là tương lai, mơ ước của Thủ Thiêm, còn Thủ Thiêm hôm nay chính là quá khứ của Phú Mỹ Hưng.
Tôi trở về trung tâm Sài Gòn trong tâm trạng bồi hồi. Từ trên cầu Phú Mỹ, tôi thấy thành phố dâng lên trước mắt như một bức tường sóng cuồn cuộn, sẵn sàng cuốn phăng đi tất cả những mảng xanh ngoại ô còn sót lại. Tôi nhớ gương mặt, nụ cười toan tính mà chân thành của người đàn ông khi lùa bầy vịt về chòi. Ánh mắt anh sáng lên một niềm hy vọng rất đỗi thực tế - thoát khỏi “cánh đồng bất tận” của sự lam lũ bùn sình đeo đẳng bao đời. Nhưng tôi cũng nhận ra nét âu lo hiu hắt khi anh nhìn về căn chòi rẫy in lên nền trời chiều. Một vùng ký ức, một nếp sống, nếp văn hóa và môi sinh sắp bị xóa dấu trong những tâm hồn người ngoại ô khi cơn sóng đô thị tràn đến.
Tôi thấy tòa nhà Bitexco Financial Tower 68 tầng ở phía xa và chẳng thể hình dung ra hình hài búp sen như ý tưởng của nhà thiết kế, chỉ thấy giống ngón tay trỏ chỉ lên trời kiêu hãnh, như xác tín một ước mơ thiên đường trên cao, đôi khi là một huyễn tưởng đặc trưng của mọi đô thị. Một rừng những ngôi nhà khác cũng đang vươn lên cao như đám đông người ngước mắt ngơ ngác kiếm tìm phép mầu phồn vinh trên cõi chật chội chen lấn thường nhật.
Biết làm sao được. Tôi chỉ là người đi tìm kiếm chỗ hít thở và cảm giác về sự đổi thay...