Thành phố thông minh cần những giải pháp đơn giản
Vân Oanh
(TBVTSG) – Các giải pháp thành phố thông minh đang được triển khai ở một số thành phố trên cả nước nhằm đáp ứng những nhu cầu bức thiết của cuộc sống cũng như nâng cao tính hiệu quả của công tác quản lý. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng các giải pháp này cần phải đơn giản để giúp người dân bình thường có thể sử dụng và tiếp cận với các dịch vụ công một cách dễ dàng, tiện lợi nhất.
![]() |
Cảnh một hội nghị về thành phố thông minh diễn ra gần đây ở Hà Nội. Ảnh: Vân Ly |
Thành phố thông minh được hiểu là thành phố mà ở đó, công nghệ được ứng dụng vào mọi lĩnh vực của cuộc sống (giao thông, y tế, giáo dục…) nhằm phục vụ người dân, doanh nghiệp và công tác điều hành thành phố.
Những nỗ lực xây dựng thành phố thông minh
Trong thời gian qua, một số thành phố ở Việt Nam đã theo đuổi, thực hiện đề án, kế hoạch xây dựng thành phố thông minh để nâng cao tính hiệu quả của công tác điều hành cũng như mạng lại thêm nhiều tiện ích cho người dân và doanh nhiệp. Trong đó, Hà Nội và TPHCM là hai thành phố được mong đợi đi đầu về việc triển khai các giải pháp cho mục đích này bởi vì hai thành phố lớn nhất cả nước này đang gặp phải những vấn đề mà cần có những giải pháp đồng bộ để giải quyết, nhất là những vấn đề về giao thông, y tế, giáo dục, môi trường.
Từ giữa tháng 9-2018, người tham gia giao thông tại TPHCM có thể sử dụng Zalo (phần mềm nhắn tin, gọi điện và mạng xã hội) đã cài sẵn trên điện thoại để tra cứu thông tin về tình hình giao thông tại trung tâm kinh tế lớn nhất của Việt Nam này. Chỉ với một vài thao tác tra cứu, người sử dụng Zalo có thể nắm được tình hình xe di chuyển trên các tuyến đường theo thời gian thực để chọn ra những tuyến đường không bị kẹt xe. Giải pháp này hỗ trợ người dân TPHCM có thể xem hình ảnh trực tiếp từ 685 camera giao thông trên địa bàn thành phố, trong đó có cả camera trên tuyến đường cao tốc TPHCM-Long Thành-Dầu Giây. Người dân cũng có thể kiểm tra bản đồ trực quan về lưu lượng xe cộ đang lưu thông để chọn lộ trình di chuyển phù hợp. Ngoài ra, những thông tin cảnh báo khu vực đang xảy ra ùn tắc, sửa chữa; các tuyến đường đang phân luồng cần hạn chế lưu thông… cũng liên tục được cập nhật. Khi muốn biết nhanh về thông tin giao thông ở khu vực lân cận, hay cần xem hình ảnh camera ở tuyến đường nhất định, người dân chỉ cần gửi tin nhắn “Tôi muốn xem camera + tên đường” thì hệ thống sẽ trả về kết quả nhanh chóng, chuẩn xác.
Việc triển khai giải pháp trên của Sở Giao thông Vận Tải TPHCM là một phần của đề án xây dựng đô thị thông minh của TPHCM. Theo ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở Giao thông Vận Tải TPHCM, tham gia giao thông là việc hằng ngày của người dân nên thành phố đang cố gắng giúp người dân có được tương tác nhiều chiều về vấn đề này và Zalo là giải pháp phù hợp để triển khai giao thông thông minh vì phần mềm này đang có nhiều người dùng. Trong thời gian tới, cơ quan này sẽ tiếp tục kết hợp với Zalo để triển khai thêm nhiều dịch vụ như thông tin về bãi đậu xe, giấy phép lưu thông, đăng kiểm, xử lý vi phạm giao thông, hành trình xe buýt…
Không chỉ TPHCM, trong thời gian gần đây Hà Nội cũng đẩy mạnh việc triển khai các giải pháp thành phố thông minh. Theo đó, người dân Hà Nội có thể truy cập vào website của Sở Tài Nguyên và Môi trường để biết các điểm ngập nước, thông tin về đo kiểm chất lượng không khí ở một số khu vực tại Hà Nội. Ngoài ra, thành phố cũng đã tiến hành lắp đặt hệ thống camera giao thông để điều phối giao thông của thành phố, cung cấp dịch vụ tìm điểm đỗ và trông xe qua phần mềm được cài đặt trên điện thoại… Ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, cho biết Hà Nội là một trong số những siêu đô thị trên thế giới về diện tích và quy mô dân số.
Tốc độ đô thị hóa và gia tăng dân số cơ học nhanh chóng dẫn đến rất nhiều thách thức trong vấn đề về quy hoạch, ùn tắc giao thông, an ninh, y tế, giáo dục, năng lượng, phát triển nhà ở, xử lý ô nhiễm môi trường… Do đó, thành phố mong muốn hướng tới một mô hình thành phố thông minh nhằm mang lại nhiều tiện ích, an toàn, thân thiện cho mọi người dân dựa trên nền tảng ứng dụng công nghệ.
Được biết, Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2020 sẽ hình thành những thành phần cơ bản của mô hình thành phố thông minh và đến năm 2030 trở thành thành phố thông minh.
Nhận xét về việc triển khai thành phố thông minh trên cả nước, các chuyên gia cho rằng hiện nhiều phải pháp thành phố thông minh đã được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực tại các thành phố trên cả nước, song chúng còn rời rạc, manh mún. Tại Việt Nam chưa có thành phố nào thực sự thông minh, mà chỉ có các thành phố với một vài chỗ thông minh (lĩnh vực nào, dịch vụ nào ứng dụng công nghệ thì chỗ đó thông minh).
Ông Vũ Minh Trí, Phó tổng giám đốc tập đoàn VNG, cho rằng một thành phố thực sự thông minh thì các hạ tầng nền tảng, cơ sở dữ liệu, những ứng dụng chạy trên hạ tầng đó cần phải được kết nối, liên thông với nhau để các thành phố có thể tối ưu hóa nguồn lực. “Một sản phẩm đơn lẻ có thể thông minh, nhưng đó chỉ là một mảnh ghép. Nếu nó không thể ghép với các ứng dụng và hạ tầng khác thì sẽ không thể tạo ra được bức tranh toàn cảnh của thành phố thông minh”, ông Trí nói.
Cần lấy người dân làm trung tâm
AIC đoạt giải thưởng quốc tế về thành phố thông minh Vượt qua nhiều đối thủ, Công ty cổ phần Tiến bộ Quốc tế (AIC) đã đoạt được giải thưởng “Ý tưởng, mô hình quốc gia thông minh” xuất sắc nhất tại cuộc thi toàn cầu về thành phố thông minh (Global Smart Cities Contest 2018) do Tổ chức thành phố thông minh thế giới tổ chức ở London, Vương quốc Anh. Theo hội đồng giám khảo, giải pháp quốc gia thông minh của AIC được chọn do không chỉ đưa ra ý tưởng, mô hình, mà còn đưa ra những giải pháp tổng thể để xây dựng quốc gia thông minh. Giải pháp này thể hiện được quy mô kết nối đồng bộ từ các cơ quan Trung ương cho tới các bộ, ngành, tỉnh, thành phố và thậm chí tới cả các cấp cơ sở, như trường học, bệnh viện, doanh nghiệp… Đây là giải thưởng do Tổ chức Thành phố Thông minh Thế giới, phối hợp với Viện Khoa học Điều khiển thuộc Viện Hàn lâm Khoa học LB Nga và Hiệp hội Công nghệ Normandie French Tech (Pháp) tổ chức. Đức Duy |
Trong Hội nghị Thượng đỉnh về Thành phố thông minh ASOCIO 2018 diễn ra vào tháng 9 qua tại Hà Nội, các chuyên gia chia sẻ ý kiến rằng các thành phố cần lấy người dân làm trung tâm nếu muốn triển khai đề án xây dựng thành phố thông minh một cách hiệu quả. Với kinh nghiệm của một quốc gia nơi có nhiều thành phố thông minh được triển khai, ông Pereric Hogber, Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam, cho biết các dự án triển khai thành phố thông minh tại Thụy Điển thành công là nhờ lấy người dân làm trung tâm. “Xem người dân cần gì để đầu tư thành phố thông minh đáp ứng nhu cầu đó”, ông nói tại hội nghị nêu trên do UBND thành phố Hà Nội, Tổ chức Công nghiệp Điện toán châu Á – châu Đại dương ASOCIO và Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam tổ chức.
Còn ông Ekramul Hoque, Thị trưởng thành phố Mymensingh, Bangladesh, cho rằng cần tham vấn người dân để xếp những vấn đề theo thứ tự ưu tiên đầu tư cho thành phố thông minh.
Các chuyên gia thì cho rằng các dịch vụ công trực tuyến được cung cấp tại các thành phố thông minh cần được chú ý đến chất lượng, chứ không nên chạy theo thành tích, số lượng. Các thành phố cần cung cấp trực tuyến các dịch vụ công được người dân, doanh nghiệp sử dụng nhiều; cần chú ý độ hài hòng của người dân khi sử dụng dịch vụ. Được biết mới đây Hà Nội là thành phố đi đầu trong việc đưa ra tiêu chí đo mức độ hài lòng của người dân với các dịch vụ công trực tuyến được cung cấp của các cơ quan nhà nước.
Ông Trí từ VNG cho rằng một giải pháp thành phố thông minh cần được xây dựng đơn giản làm sao để dân bình thường vẫn có thể sử dụng được. Thành phố thông minh cần mang đến cho người dân khả năng tiếp cận với chính phủ, dịch vụ công dễ dàng, tiện lợi nhất. Nếu triển khai thành phố thông minh trên một ứng dụng (phần mềm) đang được người dân sử dụng nhiều thì vừa không tốn chi phí cho các thành phố vừa gần gũi với người dân. Bởi vì ứng dụng đó đã được sử dụng, không phải đầu tư nhiều tiền để phát triển một ứng dụng riêng cho thành phố thông minh mà chưa chắc người dân đã cài đặt để sử dụng.
Tại hội nghị trên, ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, cho biết khi đưa ra chương trình phát triển thành phố thông minh, Hà Nội chỉ dành một nguồn nhỏ từ ngân sách thành phố để thực hiện, còn lại sẽ huy động nguồn lực từ các doanh nghiệp công nghệ trên địa bàn.
Ông Trí cho biết hiện tập đoàn VNG đang cung cấp các giải pháp đám mây giúp giải quyết những bài toán của sự phát triển đô thị như tắc nghẽn giao thông, an toàn cho thành phố (thông qua những công nghệ như camera thông minh), rác thải ô nhiễm, giáo dục… VNG sẵn sàng hợp tác với các thành phố để triển khai thành phố thông minh.
Không chỉ VNG, hiện có nhiều tập đoàn như Viettel, VNPT, FPT, CMC… cũng đang tham gia cung cấp các giải pháp cho thành phố thông minh. Đại diện của các doanh nghiệp này cho biết họ sẵn sàng hợp tác với các thành phố để triển khai thành phố thông minh theo hình thức doanh nghiệp sẵn sàng đầu tư giải pháp để cung cấp dịch vụ và cùng thành phố chia sẻ doanh thu.
Mô hình hợp tác này trong thực tế đã chứng minh tính khả thi và đem lại nhiều tiện ích cho người dân. Chẳng hạn, tập đoàn FPT đã hợp tác với ngành đường sắt để triển khai mua vé tàu qua mạng và sử dụng vé tàu điện tử, giúp tiết kiệm chi phí và người dân không phải chen lấn mỗi dịp lễ, tết để mua vé tàu. Theo đó, tập đoàn FPT đã đầu tư toàn bộ hệ thống công nghệ để phục vụ cho hoạt động này (ngành đường sắt không phải chi tiền) và cùng chia sẻ doanh thu bán vé tàu qua mạng với ngành đường sắt.
Do đó, giới chuyên gia cho rằng vấn đề triển khai thành phố thông minh hiệu quả cần có tầm nhìn và tư duy của lãnh đạo các thành phố chứ không chỉ là vốn đầu tư. Bởi, nếu thiếu ngân sách triển khai thì có thể hợp tác với các doanh nghiệp. Điều quan trọng là lãnh đạo các thành phố có nhận thấy cần phải triển khai thành phố thông minh để phục vụ người dân tốt hơn không. Khi lãnh đạo có tầm nhìn thì việc triển khai thành phố thông minh sẽ không còn manh mún và thiếu kết nối dữ liệu giữa các ngành, lĩnh vực. Lúc đó thành phố mới thực sự thông minh. Để có thành phố thông minh thực sự, lãnh đạo cần coi bức xúc của người dân về thành phố như vấn đề bức thiết phải sớm được giải quyết của mình.