Thứ Tư, 4/10/2023, 22:49
26 C
Ho Chi Minh City

Đặt báo in

Thông tin quảng cáo

Thông tin quảng cáo


Thành tích xuất sắc của học sinh Á Đông

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Thành tích xuất sắc của học sinh Á Đông

Nguyễn Tùng, Paris

(TBKTSG) – Được công bố ngày 7-12-2010, kết quả điều tra năm 2009 của Chương trình đánh giá trình độ học sinh quốc tế (Programme for International Student Assessment hay PISA) cho thấy thành tích xuất sắc của học sinh Á Đông: Thượng Hải, Hàn Quốc, Hồng Kông, Singapore, Nhật nằm trong tám nước, lãnh thổ, thành phố đứng đầu bảng sắp hạng bên cạnh Phần Lan, Canada và New Zealand!

Được Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) thực hiện ba năm một lần kể từ năm 2000, PISA tập trung điều tra vào ba lĩnh vực (đọc và hiểu một văn kiện viết, toán và khoa học) nhằm đánh giá khả năng của học sinh (15 tuổi) trong việc sử dụng tri thức để đáp ứng các thách thức của thế giới hiện thực, chứ không phải để kiểm tra sự thấu triệt các môn học.

Chỉ trong vòng mười năm, chương trình này đã nghiễm nhiên trở thành phong vũ biểu chính xác nhất về thành tích giáo dục của nhiều nước trên thế giới: dựa trên các số liệu và thông tin đáng tin cậy thu thập được thông qua điều tra, phân tích mà nó thực hiện về các hệ thống giáo dục, cho phép so sánh các hệ thống giáo dục này với nhau, và nhờ vậy, cung cấp cho các nhà nước một công cụ cần thiết để định hướng kịp thời chính sách giáo dục.

Sau khi đã dành ưu tiên cho toán vào năm 2003 và cho khoa học vào năm 2006, lần này PISA lại dành ưu tiên cho khả năng đọc hiểu như trong cuộc điều tra vào năm 2000. 470.000 học sinh đã được chọn để đại diện cho 26 triệu học sinh của 65 nước tham gia gồm 34 nước thuộc OECD và 31 nước (hay thành phố) đối tác với OECD. Sau hai giờ trắc nghiệm (trả lời 80 câu hỏi về đọc hiểu, toán và khoa học), các học sinh này còn được hỏi về môi trường xã hội – văn hóa và môi trường học tập của mình. Điểm bình quân (trên 900) được sắp thành sáu trình độ: 1 là kém, 5 và 6 là giỏi. Khi đạt đến trình độ 2, học sinh được xem là có thể bắt đầu tham gia hiệu quả vào đời sống xã hội và sản xuất.

Thượng Hải

Là nước châu Á duy nhất tham gia PISA 2000 (gồm 22 nước), Nhật đã đứng đầu về toán và khoa học, đứng thứ 6 về đọc hiểu. Nhưng ngay trong PISA 2003, Nhật đã hơi tụt hạng: thứ 2 về khoa học, thứ 6 về toán và thứ 14 về đọc hiểu. Trong PISA 2009, Nhật lại thua xa Hàn Quốc, Hồng Kông, Singapore và nhất là Thượng Hải (xem bảng).

Dù đây là lần đầu tham gia PISA và dù có GDP (tính theo sự ngang bằng sức mua, tức PPP) chưa bằng một nửa so với Mỹ, Thượng Hải không những đã chiếm hàng đầu trong cả ba lĩnh vực mà còn vượt xa các điểm bình quân của OECD và ngay cả của Mỹ. Về đọc hiểu chẳng hạn, Thượng Hải hơn nước đứng chót là Kyrgyzstan đến hơn 242 điểm (tức tương đương sáu năm học); 19,4% học sinh Thượng Hải thuộc loại giỏi (trên 625 điểm), gấp đôi so với bình quân OECD. Tỷ lệ học sinh đạt trình độ giỏi trong cả ba lĩnh vực của Thượng Hải cao gấp 3,5 lần OECD (14,6% so với 4,1%). Chẳng những thế, Thượng Hải có rất ít học sinh kém.

Theo các nhà phân tích thuộc PISA, chìa khóa thành công của Thượng Hải là tìm ra các trường gặp khó khăn, rồi bổ nhiệm ở đó các hiệu trưởng và giáo viên giỏi nhất để tạo những đội ngũ sư phạm vững chắc. Chủ yếu nhờ biện pháp này, 76% học sinh thuộc thành phần nghèo lại ở vào nhóm cao về thành tích, thế mà, theo phân tích của PISA, ở nhiều nước môi trường xã hội – kinh tế của học sinh tác động rất mạnh trên sự thành công của chúng trong học tập.

Tuy nhiên các thành tích nói trên chắc một phần là do tác động của hai yếu tố sau đây, theo điều tra của PISA: là một đô thị lớn (20 triệu dân), Thượng Hải có rất ít học sinh nông thôn, lắm khi thua học sinh thành phố đến 80 điểm (như ở Hungary, Bulgary và Panama); Thượng Hải hầu như cũng có rất ít học sinh nhập cư thuộc thế hệ một thường thua học sinh bản địa, đôi khi đến 79 điểm như ở Pháp.

Hàn Quốc

Tham gia PISA lần đầu tiên năm 2003 (cùng với 41 nước khác), Hàn Quốc đã đạt ngay được các thành tích xuất sắc: thứ 2 về đọc hiểu, thứ 3 về toán và thứ 4 về khoa học. Thế nhưng, Hàn Quốc vẫn tiếp tục nỗ lực hoàn thiện hệ thống giáo dục bằng cách học tập cái hay của những nước khác và nhất là tăng đầu tư, vì ý thức được tầm quan trọng quyết định của giáo dục đối với tương lai.

Năm 2007, Bộ Giáo dục được hợp nhất với Bộ Khoa học và Công nghệ để phát triển một nền giáo dục dựa trên phương pháp thực nghiệm. Theo ông Soojin Park, chuyên gia Hàn Quốc và là đồng tác giả của báo cáo PISA 2009, các nhà giáo Hàn Quốc thường được tuyển trong số 5% các học sinh giỏi nhất của nước này và được lãnh lương cao gấp đôi so với Pháp (tính theo PPP). Nhưng ông cũng công nhận là, học sinh Hàn Quốc đạt được thành tích xuất sắc, một phần không nhỏ là do hầu hết các em đều theo các khóa học buổi tối (phải trả tiền khá đắt, học sinh nghèo thì được nhà nước tài trợ tổ chức các khóa học ngay tại trường).

Cũng như ở Nhật, mặt trái của tình trạng này là cuộc sống của học sinh Hàn Quốc rất căng thẳng! Một vấn đề từ lâu đã được bàn cãi nhiều về cách giáo dục, nhất là cho trẻ em: phải chăng nên tạo điều kiện để chúng học tập thoải mái và nên quan tâm đến sự phát triển nhân cách của chúng, chứ không nên bắt chúng phải “học ngày học đêm” ít nhiều có tính “nhồi sọ”?

Theo phân tích của PISA, chính sách trả lương cao cho giáo viên hiệu quả hơn biện pháp giảm số học sinh trong lớp: ở Hàn Quốc, bình quân mỗi lớp có 35,6 học sinh, so với 26,5 ở Pháp (chỉ đạt thành tích trung bình) và khoảng 20 ở các nước Bắc Âu.Báo cáo tổng hợp của PISA 2009 còn đưa ra các nhận định đáng chú ý sau đây: các nước đạt thành tích tốt về giáo dục đều:

– Có một loại trường trung học cơ sở duy nhất (collège unique) với chương trình học giảm nhẹ;

– Tránh tối đa hiện tượng lưu lớp bằng cách tăng cường sự giúp đỡ cho từng học sinh kém và tạo sự hứng thú trong học tập;

– Quan tâm đến sự công bằng (equity) trong giáo dục.

Nhìn chung, các nước này cũng đều không dùng sự cho điểm như là một hình thức thưởng phạt hay thi đua, mà như là một lối nhắc nhở, khuyến khích học sinh hăng hái học tập. Ngoài ra kỷ luật cũng là một yếu tố quan trọng.Nếu ta so sánh thành tích của các nước thuộc thế giới mà nhà Trung Quốc học người Pháp Léon Vandermeersch gọi là “Hán hóa” (sinisé) (Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc…) với thành tích của hai nước không thuộc thế giới này là Thái Lan và Indonesia, thì thấy khác nhau một trời một vực (xem bảng). Đành rằng hai nước sau nghèo hơn, nhưng phải chăng truyền thống giáo dục lâu đời của các nước “Hán hóa” đã đóng một vai trò không nhỏ trong các thành tích mà học sinh của họ đã đạt được?

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới