Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Thanh toán số sẽ ‘lên ngôi’ tại thị trường thương mại điện tử nội địa

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Thanh toán số sẽ ‘lên ngôi’ tại thị trường thương mại điện tử nội địa

Chánh Trung

(TBKTSG Online) – Thị trường thương mại điện tử (TMĐT) Việt Nam trong năm 2021 sẽ có nhiều biến đổi về hoạt động áp dụng thanh toán kỹ thuật số, các hoạt động cung ứng hậu cần sẽ “lên ngôi”, cùng với sự đổi mới trong chiến lược bán lẻ của các thương hiệu cũng như nhà bán hàng.

Thanh toán số sẽ 'lên ngôi' tại thị trường thương mại điện tử nội địa

Thanh toán kỹ thuật số trên các sàn TMĐT sẽ ngày càng phổ biến trong năm 2021. Ảnh: Chánh Trung

Tình hình đại dịch Covid-19 diễn tiến liên tục đã thúc đẩy mạnh mẽ các doanh nghiệp và người dùng chuyển đổi sang nền tảng trực tuyến, đây là xu hướng sẽ tiếp tục diễn ra trong thời kỳ bình thường mới. Theo nhận định của các hiệp hội, chuyên gia và doanh nghiệp, các lĩnh vực thanh toán, cung ứng hậu cần và chiến lược bán lẻ trên thị trường TMĐT Việt Nam 2021 cũng sẽ có nhiều thay đổi để phù hợp với tình hình, nhu cầu mới.

Tăng cường áp dụng thanh toán kỹ thuật số

Trong bối cảnh Chính phủ đang hướng tới một xã hội không dùng tiền mặt, tình hình dịch bệnh trở thành nhân tố thúc đẩy nhanh quá trình này ở một số khu vực, nơi phần lớn các giao dịch tiêu dùng được thực hiện bằng tiền mặt. Dưới tác động của việc giãn cách xã hội và hạn chế di chuyển, người tiêu dùng và doanh nghiệp đã nhanh chóng chấp nhận thanh toán kỹ thuật số với mục đích mang lại sự tiện lợi và tính bảo mật cao hơn. Thanh toán kỹ thuật số sẽ là phương thức giao dịch được ưa chuộng trên các sàn TMĐT trong năm 2021. Và việc ngày càng nhiều khách hàng tiếp cận với TMĐT sẽ thúc đẩy xu hướng thanh toán không tiền mặt khi mua sắm tại các cửa hàng.

Theo khảo sát của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM), trong năm 2020 có 50% ví điện tử tại Việt Nam cho biết số lượng khách hàng tăng trưởng từ 100-300% so với cùng kỳ năm 2019. Đối với số lượng giao dịch, so với cùng kỳ năm 2019, có tới 60% doanh nghiệp chứng kiến sự tăng cao của số giao dịch thanh toán. Có ví điện tử cho biết giá trị trung bình của mỗi giao dịch tăng đến 50% so với cùng kỳ năm 2019. Điều này cho thấy giá trị trung bình của các đơn hàng mua bán trực tuyến đã tăng lên, thể hiện người tiêu dùng đã tin tưởng hơn đối với hình thức mua bán trực tuyến cũng như thanh toán kỹ thuật số.

Theo Bộ Công Thương, thị trường TMĐT vào năm 2020 đã có khoảng 53% dân số tham gia mua sắm trực tuyến.

Mặc dù bị tác động bởi dịch bệnh Covid-19, doanh thu TMĐT Việt Nam tăng trưởng 18% (năm 2019 là 25%), đạt 11,8 tỉ đô la, ước tính chiếm 5,5% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước.

Tại Việt Nam, TMĐT là hình thức kinh doanh phổ cập của doanh nghiệp và có sức lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng người tiêu dùng hiện nay.

So với các nước trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam là quốc gia có tốc độ tăng trưởng về thị phần bán lẻ thuộc ba nước đứng đầu khu vực.

Đại diện sàn TMĐT Shopee cho biết tổng số đơn đặt hàng được thanh toán qua ví điện tử Airpay trên toàn khu vực đã tăng trưởng gấp 4 lần. Trong đó, nhóm tăng trưởng mạnh nhất ở hầu hết các thị trường là nhóm người dùng trên 50 tuổi, minh chứng cho tính dễ tiếp cận của ví điện tử đối với độ tuổi thường được xem là khó thích ứng với thanh toán kỹ thuật số. Bên cạnh sự gia tăng trong việc sử dụng ví điện tử ở khác hàng thì số lượng cửa hàng là đối tác tại Việt Nam sử dụng hình thức thanh toán qua ví cũng đã tăng gấp 2 lần trong năm 2020.

Dịch vụ hậu cần sẽ dẫn đầu

Theo khảo sát của VECOM trong năm 2020 tình hình kinh doanh của nhóm doanh nghiệp chuyển phát và logistics khá lạc quan. Số lượng đơn hàng chuyển phát cho TMĐT tăng đáng kể. Đông đảo thương nhân đẩy mạnh bán hàng trực tuyến trên các kênh như website TMĐT, ứng dụng di động, các mạng xã hội… là nguyên nhân của sự tăng trưởng này. Cụ thể, 55% doanh nghiệp hậu cần cho biết số lượng đơn hàng tăng so với cùng kỳ năm 2019, 73% doanh nghiệp có số lượng đơn hàng tăng so với tháng 1-2020.

Ngoài ra, tỷ lệ thanh toán khi nhận hàng (COD – Cash-On-Delivery) trong giai đoạn diễn ra dịch tăng, theo đó 60% doanh nghiệp tham gia khảo sát cho biết tỷ lệ đơn hàng sử dụng dịch vụ COD trên tổng số đơn hàng vận chuyển trong giai đoạn tháng 2 đến tháng 4-2020 tăng so với tháng 1-2020.

Dịch vụ hậu cần ngày một trở nên quan trọng hơn khi người tiêu dùng càng lúc càng tin tưởng vào các nền tảng TMĐT và có mong đợi nhiều hơn về việc giao hàng hiệu quả. Nhu cầu về các sản phẩm thiết yếu hàng ngày và các thiết bị gia dụng có sự gia tăng đáng kể là một minh chứng. Tại Việt Nam, Shopee ghi nhận các mặt hàng liên quan đến thực phẩm, sức khỏe và gia đình được vận chuyển từ kho hàng của Shopee tăng gấp 2 lần.

Trong năm 2021 trước nhu cầu mua hàng trực tuyến tăng vọt các doanh nghiệp và nhà bán hàng cần sử dụng hiệu quả công nghệ để đảm bảo hàng hóa được giao nhanh chóng với chi phí tiết kiệm. Phương thức hiệu quả nhất chính là khai thác mạng lưới rộng lớn và tích hợp của các nền tảng TMĐT. Một số sàn TMĐT cho biết ghi nhận nhiều doanh nghiệp khai thác hiệu quả cơ sở hạ tầng hậu cần với số lượng mặt hàng được vận chuyển từ kho tăng gấp 3 lần trong năm 2020.

Thương hiệu, nhà bán hàng đổi mới chiến lược

Đại dịch đã thúc đẩy các doanh nghiệp, từ những thương hiệu cao cấp cho đến các doanh nghiệp nhỏ, nhanh chóng thực hiện các chiến lược kỹ thuật số để tiếp tục tiếp cận người dùng trong bối cảnh giãn cách xã hội. Khi bán hàng trực tuyến trở thành một kênh doanh thu lớn hơn cho các thương hiệu và nhà bán hàng, các nền tảng TMĐT cần phải thích ứng và phối hợp với họ để hiện thực hóa các chiến lược bán lẻ sáng tạo nhằm thu hút khách hàng theo những cách riêng và tăng cường sự hiện diện trực tuyến của những thương hiệu và nhà bán hàng này.

Ông Trần Tuấn Anh, Giám đốc điều hành tại Shopee Việt Nam cho biết: “năm 2020 mang ý nghĩa chuyển đổi đặc biệt đối với ngành TMĐT.

Trong thời gian thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội tại nhà, người tiêu dùng bắt đầu chuyển sang các nền tảng trực tuyến để vừa đáp ứng nhu cầu thiết yếu hàng ngày vừa phục vụ mục đích tương tác và giải trí.

Điều này dẫn đến việc mua sắm trực tuyến phát triển từ trải nghiệm giao dịch thuần túy sang trải nghiệm mang tính xã hội hơn, các nền tảng TMĐT tích hợp nhiều yếu tố tương tác như trò chơi và livestream để gia tăng kết nối với người dùng.

Theo khảo sát của VECOM với các doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh liên quan tới TMĐT cho thấy trong năm 2020 các doanh nghiệp đã thích nghi nhanh và thay đổi thói quen vận hành, tổ chức và quản lý hoạt động của mình. Nhiều doanh nghiệp đã đẩy mạnh hoạt động chuyển đổi số, triển khai nhiều chương trình đào tạo nâng cao kỹ năng vận hành của doanh nghiệp và nhân viên, khai thác tốt các nền tảng trực tuyến trong điều hành nội bộ và kết nối với khách hàng.

Bên cạnh đó nhiều sàn TMĐT đã kết hợp với các thương hiệu để tích hợp các giải pháp công nghệ như trí tuệ nhân tạo, chatbot… vào trải nghiệm mua sắm trực tuyến. Điều này cho phép người mua hàng được trải nghiệm sản phẩm trực tuyến miễn phí và đưa ra quyết định mua hàng sáng suốt hơn. Nhiều thương hiệu cũng tận dụng những công cụ tương tác sẵn có của các sàn TMĐT như hình thức livestream để tương tác với khách hàng mục tiêu của thương hiệu này. Trong năm 2021 xu hướng này sẽ tăng vọt hơn nữa khi tình hình dịch bệnh còn phức tạp.

Lực đẩy hỗ trợ từ chính sách

Trước sự phát triển mạnh mẽ của TMĐT trong năm 2020, cũng như những biến đổi lớn về xu hướng TMĐT, Bộ Công Thương cho biết sẽ tăng tốc hỗ trợ thị trường TMĐT ngay từ trong năm 2021. Năm 2021, cơ quan này sẽ chú trọng phát triển hạ tầng TMĐT, xây dựng, hoàn thiện thể chế, khung khổ pháp luật cho TMĐT, tạo môi trường pháp lý minh bạch, rõ ràng, thuận lợi cho doanh nghiệp và người tiêu dùng Việt Nam.

Chính vì vậy, trong năm 2021 này Bộ Công Thương đẩy mạnh triển khai Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2021-2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 645/QĐ-CP ngày 15-5-2020.

Bên cạnh đó, Bộ sẽ trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 52/2013/NĐ-CP ngày 16-5-2013 của Chính phủ về TMĐT. Tăng cường tích hợp, kết nối, chia sẻ dữ liệu điện tử về tình hình giải quyết, xử lý thủ tục hành chính có liên quan giữa Bộ Công Thương và Ủy ban nhân dân tỉnh và thành phố thông qua Cổng dịch vụ công quốc gia và Hệ thống kết nối, liên thông các hệ thống thông tin ở Trung ương và địa phương (NGSP).

Trước xu hướng nhu cầu hậu cần, kho vận của TMĐT tăng vọt, Bộ Công thương sẽ xây dựng giải pháp tổng thể cho hệ thống sàn giao dịch dịch vụ logistics giữa các doanh nghiệp dịch vụ logistics và doanh nghiệp chủ hàng nhằm tạo thuận lợi cho dịch vụ giao hàng gắn với TMĐT. Hỗ trợ doanh nghiệp ngành công thương ứng dụng công nghệ số trong chuyển đổi số tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư hướng tới tăng năng suất chất lượng của doanh nghiệp.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới