Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Thanh toán trái phiếu bằng tài sản có được không?

TS. Vũ Kim Hạnh Dung (*) - LS. Trần Quốc Đạt

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) – Những sai phạm của các doanh nghiệp liên quan đến phát hành trái phiếu đã và đang bị xử lý thời gian qua đã dẫn đến tâm lý lo lắng của các nhà đầu tư, muốn được hoàn trả lại các khoản tiền đã đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp. Việc rút một nguồn vốn lớn và đột ngột khỏi thị trường trái phiếu sẽ gây khó cho các doanh nghiệp. Nhưng nếu không giải quyết thỏa đáng sẽ gây ra tâm lý e ngại, loại trừ trái phiếu ra khỏi danh mục đầu tư.

Nhu cầu về thay đổi phương thức thanh toán gốc/lãi trái phiếu

Hiện có một số doanh nghiệp không thể huy động ngay lượng tiền lớn để thanh toán nợ trái phiếu, nên đề xuất thanh toán gốc/lãi trái phiếu bằng các tài sản của mình như quyền sử dụng đất, nhà ở, căn hộ chung cư… Đây là một nhu cầu chính đáng và thực tế, phát sinh từ chủ sở hữu trái phiếu.

Về cơ bản trái phiếu doanh nghiệp có thể chia làm hai loại xét theo đối tượng được mua, đó là trái phiếu đại chúng và trái phiếu riêng lẻ. Trong đó trái phiếu riêng lẻ là trái phiếu chỉ bán cho những nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, những người hiểu rõ về việc đầu tư của mình, còn trái phiếu đại chúng là phát hành và giao dịch thông qua hệ thống giao dịch có sự quản lý và kiểm soát của nhà nước, phải có giấy phép phát hành và niêm yết.

Việc thực hiện vừa qua của một số doanh nghiệp, và đề xuất thay đổi phương thức thanh toán gốc/lãi chưa phù hợp do không đáp ứng yêu cầu của quy định pháp luật.

Trước hết, mặc dù trái phiếu là tên gọi chung nhưng phương thức hoạt động giữa trái phiếu riêng lẻ và trái phiếu đại chung có sự khác biệt nhau.

Cụ thể hơn, về quy định điều chỉnh của pháp luật, khác với trái phiếu đại chúng có quy định khá chặt chẽ về điều kiện chào bán, niêm yết…, trái phiếu riêng lẻ chỉ được pháp luật bảo vệ rất giới hạn, theo đó “doanh nghiệp phát hành trái phiếu theo nguyên tắc tự vay, tự trả, tự chịu trách nhiệm về hiệu quả sử dụng vốn và đảm bảo khả năng trả nợ”(1), và nhà đầu tư phải “tự đánh giá, tự chịu trách nhiệm về quyết định đầu tư của mình và tự chịu các rủi ro phát sinh trong việc đầu tư và giao dịch trái phiếu. Nhà nước không đảm bảo việc doanh nghiệp phát hành trái phiếu thanh toán đầy đủ, đúng hạn lãi, gốc trái phiếu khi đến hạn và các quyền khác cho nhà đầu tư mua trái phiếu”(2).

Tương tự việc chuyển đổi thanh toán gốc/lãi trái phiếu bằng các tài sản của doanh nghiệp như quyền sử dụng đất, nhà ở, căn hộ chung cư… cũng phải được xem xét cụ thể trên cơ sở từng loại trái phiếu như vậy.

Một số quan điểm cho rằng quan hệ sở hữu trái phiếu là quan hệ dân sự, và chủ sở hữu trái phiếu được quyền quy đổi trái phiếu thành tài sản khác của doanh nghiệp để bù trừ nghĩa vụ. Tuy nhiên điều này có những vấn đề pháp lý phải đặt ra. Cụ thể, việc đơn phương thỏa thuận thanh toán giữa tổ chức phát hành và bất kỳ chủ sở hữu trái phiếu nào có phù hợp quy định pháp luật không?

Quy định pháp luật về thay đổi thỏa thuận thanh toán

Việc thay đổi phương án trả nợ, dù là quan hệ dân sự, nhưng cũng phải được thông qua bởi cơ quan có thẩm quyền của tổ chức phát hành (đại hội đồng cổ đông; hội đồng quản trị; hội đồng thành viên; chủ tịch công ty) và Hội nghị chủ sở hữu trái phiếu (trái chủ).

Điều này xuất phát từ thực tế mỗi hồ sơ phát hành trái phiếu yêu cầu phải có phương án phát hành, và điều khoản điều kiện của trái phiếu, trong đó nêu rõ “Phương thức thanh toán lãi, gốc trái phiếu do doanh nghiệp phát hành quyết định căn cứ vào nhu cầu sử dụng vốn và thông lệ thị trường phát hành để công bố cho nhà đầu tư trước khi chào bán trái phiếu”(3).

Đặc biệt hơn, đối với trái phiếu phát hành ra công chúng, việc thay đổi phương thức thanh toán lãi và gốc còn ảnh hưởng đến hồ sơ đã đăng ký, và giấy phép do Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam cấp liên quan đến hồ sơ đăng ký chào bán trái phiếu và đăng ký niêm yết trái phiếu. Hiện nay pháp luật chưa có cơ chế thay đổi về việc thanh toán lãi, gốc trái phiếu này theo cơ chế thỏa thuận.

Về nguyên tắc, đây là thỏa thuận dân sự, tuy nhiên trong các điều khoản và điều kiện trái phiếu luôn luôn có quy định về việc bất kỳ chủ sở hữu trái phiếu nào cũng được đối xử tương tự và công bằng với nhau.

Do đó, việc thỏa thuận đơn phương giữa tổ chức phát hành và bất kỳ chủ sở hữu trái phiếu nào mà không thông qua hội nghị trái chủ, làm ảnh hưởng quyền lợi của các trái chủ khác, sẽ dẫn đến vi phạm của chính tổ chức phát hành. Vi phạm này có thể dẫn đến các khiếu nại và khiếu kiện dân sự từ chính các trái chủ khác.

Ngoài ra, như trên đã nói, việc thay đổi phương thức thanh toán lãi, gốc trái phiếu sẽ làm thay đổi nghị quyết, quyết định của cơ quan có thẩm quyền của tổ chức phát hành, do đó cũng phải thông qua việc thay đổi chính phương thức tại các văn bản này mới có hiệu lực.

Điều này cũng cần lưu ý, việc mua lại trái phiếu trước hạn bằng các phương thức đổi ngang giá các tài sản của doanh nghiệp như quyền sử dụng đất, nhà ở, căn hộ chung cư… cũng phải được thực hiện theo các điều khoản và điều kiện đã giao kết khi phát hành trái phiếu.

Cụ thể hơn, tổ chức phát hành phải thực hiện thông qua thủ tục thông báo mua lại công khai, trong đó nêu rõ phương án mua lại, việc quy đổi trái phiếu, giá trị quy đổi… cho tất cả các trái chủ.

Việc này phải được thực hiện công khai, thông qua người đại diện trái chủ, và thông qua cả Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, và Trung tâm Lưu ký chứng khoán để đảm bảo tất cả các trái chủ được đối xử ngang bằng như nhau.

Việc thực hiện công khai này vốn là một chế định để đảm bảo quyền lợi của các trái chủ (chủ nợ), và cũng là cơ chế để kiểm soát hành vi của doanh nghiệp, chống gian lận thị trường.

Đối với trái phiếu đại chúng, hậu quả pháp lý của việc mua lại trước hạn từ chính tổ chức phát hành sẽ dẫn đến trái phiếu đó bị thay đổi niêm yết hoặc hủy niêm yết toàn bộ. Hiện nay thủ tục này không rõ ràng và khiến tổ chức phát hành, dù đã mua lại, nhưng số lượng trái phiếu (nghĩa vụ nợ) không thay đổi.

Như vậy, việc thay đổi phương thức thanh toán gốc/lãi trái phiếu mặc dù là quan hệ dân sự nhưng cũng phải được thực hiện theo quy định của pháp luật, trong đó phải phù hợp với bản chất của giao dịch và đúng trình tự thủ tục do luật định.

Trong khi đó, phân tích theo các quy định pháp luật hiện hành thì việc thực hiện vừa qua của một số doanh nghiệp, và đề xuất thay đổi phương thức thanh toán gốc/lãi chưa phù hợp do không đáp ứng yêu cầu của quy định pháp luật.

Thiết nghĩ quy định pháp luật nên sửa đổi, mở rộng và chi tiết hóa việc thanh toán gốc, lãi trái phiếu, cụ thể hóa cơ chế thực hiện và sự phối hợp giữa cơ quan quản lý nhà nước là Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, cơ quan quản lý lưu ký là Trung tâm Lưu ký chứng khoán, cơ quan niêm yết và giao dịch là Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội, các tổ chức phát hành, và các doanh nghiệp tư vấn phát hành chứng khoán để có cơ chế thống nhất, sau đó thực hiện thông qua các điều khoản và điều kiện cụ thể hóa với các trái chủ để đảm bảo quyền lợi không chỉ của các doanh nghiệp mà còn của các trái chủ, và chính sự lành mạnh của thị trường.

(*) Trường Đại học Kinh tế – Luật, ĐHQG TPHCM
(1) Điều 5.1 Nghị định 153/2020/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 65/2022/NĐ-CP)
(2) Điều 8.2 Nghị định 153/2020/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 65/2022/NĐ-CP)
(3) Điều 6 Nghị định 153/2020/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 65/2022/NĐ-CP), và Điều 20 Nghị định 155/2020/NĐ-CP

1 BÌNH LUẬN

  1. Trái phiếu có thể thay thế bởi tài sản không ? Trước hết phải làm rõ hai việc. Một là, mục đích phát hành và sử dụng trái phiếu. Hai là, tổ chức trung gian tài chính đứng ra thẩm định và bảo lãnh phát hành/ thanh toán trái phiếu. Cả hai vấn đề này cần phải được giải đáp đầy đủ, có căn cứ pháp lý, từ đó mới có căn cứ hoạch định phương án thanh toán tiếp theo.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới