Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Thanh tra Chính phủ đề xuất kết luận thanh tra phải được công khai toàn văn

Thái Huy

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Kết luận thanh tra phải được công khai toàn văn, trừ những nội dung trong kết luận thanh tra thuộc bí mật nhà nước, bí mật công tác, bí mật ngân hàng, bí mật kinh doanh theo quy định của pháp luật không được công khai. Bên cạnh đó, nhiều quy định mới nghiêm cấm thanh tra viên, người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành không được làm…

Đó là nội dung được Thanh tra Chính phủ đề xuất trong dự thảo nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thanh tra.

Kết luận thanh tra phải được công khai toàn văn, trừ những nội dung theo quy định của pháp luật không được công khai – Ảnh minh họa: Baochinhphu.vn

Theo Baochinhphu.vn, Luật Thanh tra năm 2022 được ban hành với nhiều quy định mới, điển hình là các quy định về giám sát hoạt động đoàn thanh tra; quy định về việc ban hành kết luận thanh tra… Do đó, Thanh tra Chính phủ vừa có đề xuất trong dự thảo nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành để triển khai thực hiện Luật Thanh tra.

Một số nội dung mới được đề xuất gồm: Người ký kết luận thanh tra quyết định những nội dung trong kết luận thanh tra không được công khai và thực hiện theo trình tự, thủ tục mà pháp luật quy định và phải chịu trách nhiệm về quyết định của mình. Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày ký kết luận thanh tra, người ra kết luận thanh tra có trách nhiệm thực hiện việc công khai kết luận thanh tra.

Kết luận thanh tra được công bố tại cuộc họp với thành phần gồm người ra quyết định thanh tra hoặc người được ủy quyền, đại diện đoàn thanh tra, đối tượng thanh tra, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Ngoài việc công khai kết luận thanh tra, người ra kết luận thanh tra lựa chọn ít nhất một trong các hình thức: đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của cơ quan thanh tra, cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành hoặc cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp; thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng; niêm yết kết luận thanh tra tại trụ sở làm việc của cơ quan, tổ chức, cá nhân là đối tượng thanh tra.

Việc đăng tải thông tin điện tử của cơ quan thanh tra, cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành ít nhất 15 ngày liên tục; Thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng bao gồm báo in, phát thanh, truyền hình, báo điện tử và cổng thông tin điện tử; thời gian thông báo trên báo in, phát thanh, truyền hình ít nhất là 2 lần liên tục; thông báo trên báo điện tử, cổng thông tin điện tử phải thực hiện ít nhất 15 ngày liên tục;

Việc niêm yết kết luận thanh tra tại trụ sở làm việc của cơ quan, tổ chức là đối tượng thanh tra do đối tượng thanh tra thực hiện. Thời gian niêm yết ít nhất là 15 ngày liên tục.

Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày ký kết luận thanh tra, người ra quyết định thanh tra có trách nhiệm cung cấp kết luận thanh tra cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc thực hiện kết luận thanh tra. Thanh tra Chính phủ đề xuất kết luận thanh tra phải được công bố toàn văn, trừ những nội dung trong kết luận thanh tra thuộc bí mật nhà nước, bí mật công tác, bí mật ngân hàng, bí mật kinh doanh theo quy định của pháp luật không được công khai.

Theo TTXVN, Thanh tra Chính phủ trong dự thảo nghị định cũng đề xuất quy định hành vi mà thanh tra viên, người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành không được làm: Nghiêm cấm thông đồng với đối tượng thanh tra và những người có liên quan trong vụ việc thanh tra để làm sai lệch kết quả thanh tra; hoặc lợi dụng chức vụ, quyền hạn thanh tra để bao che cho đối tượng thanh tra và tổ chức, cá nhân có liên quan.

Không được tham gia đoàn thanh tra nếu người có cổ phần tại doanh nghiệp là đối tượng thanh tra; người có vợ hoặc chồng, bố, mẹ đẻ, con, anh, chị, em ruột là người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu, người phụ trách công tác tổ chức nhân sự, kế toán, làm thủ quỹ, thủ kho trong cơ quan, tổ chức, đơn vị là đối tượng thanh tra.

Riêng với vị trí trưởng đoàn thanh tra, chỉ cần có vợ hoặc chồng, bố, mẹ đẻ, bố, mẹ vợ hoặc bố, mẹ chồng, con, anh, chị, em ruột, hoặc anh, chị, em ruột của vợ hoặc chồng làm việc tại cơ quan, tổ chức, đơn vị là đối tượng thanh tra, thanh tra viên sẽ không được giao nhiệm vụ này.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới