Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Thanh tra của EC sẽ kiểm tra khắc phục ‘thẻ vàng’ hải sản Việt Nam

Trung Chánh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Đoàn thanh tra của Tổng vụ các vấn đề về Biển và Thuỷ sản của Uỷ ban châu Âu (DG MARE) dự kiến sẽ sang Việt Nam kiểm tra kết quả thực hiện chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU). Đây là lần thứ ba Uỷ ban châu Âu (EC) sang kiểm tra nhằm tháo gỡ ‘thẻ vàng’ cho hải sản Việt Nam.

Từ ngày 20 đến 28-10, đoàn thanh tra của Uỷ ban châu Âu sang Việt Nam kiểm tra khắc phục thẻ vàng. Ảnh: Trung Chánh

Thông tin từ Tổng cục Thuỷ sản cho biết đoàn thanh tra của DG MARE dự kiến sẽ sang Việt Nam kiểm tra kết quả khắc phục khai thác IUU từ ngày 20 đến 28-10 tới.

Liên quan nội dung nêu trên, ông Lê Bá Anh, Phó cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thuỷ sản (NAFIQAD) thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đề nghị doanh nghiệp lưu ý các quy định mới của Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) nhằm sửa đổi để đảm bảo phù hợp với quy định hiện nay và thực tế hoạt động sản xuất, chế biến của doanh nghiệp.

Cụ thể, cần lưu ý việc truy xuất nguồn gốc thủy sản đáp ứng quy định IUU đảm bảo được thực hiện trong toàn chuỗi. Trong đó, đối với nguyên liệu khai thác trong nước phải có biên bản bốc dỡ tại cảng, xác nhận nguyên liệu, chứng nhận nguyên liệu, sản phẩm xuất khẩu.

Còn đối với nguyên liệu từ tàu khai thác/tàu trung chuyển/tàu đóng container nhập khẩu phải có hồ sơ nhập khẩu, biên bản kiểm tra của cơ quan nhà nước, các chứng nhận/xác nhận của cơ quan thẩm quyền nước xuất khẩu, các thông tin về tàu khai thác, tàu chế biến, cơ sở xuất khẩu nhằm phục vụ cho việc kiểm soát nguyên liệu đáp ứng IUU trước khi nhập khẩu.

NAFIQAD lưu ý, quy định cụ thể thủ tục theo dõi trừ lùi/cấn trừ và có hoạt động kiểm tra, đối khớp dữ liệu theo dõi với thực tế sản xuất, bao gồm nguyên liệu đưa vào sản xuất, nguyên liệu còn lại, thành phẩm đã xuất khẩu, chưa xuất khẩu, lượng bán thành phẩm lỗi, phụ phẩm ăn được, phụ phẩm chuyển mục đích sử dụng khác…, nhằm minh bạch khả năng truy xuất nguồn gốc trong toàn chuỗi thực hiện quy định IUU.

Ngoài ra, NAFIQAD yêu cầu doanh nghiệp tính toán và công bố đầy đủ các định mức sản xuất tương ứng với các sản phẩm thủy sản khai thác được sản xuất tại doanh nghiệp để dễ dàng theo dõi, thực hiện quản lý.

Có biện pháp quản lý chặt chẽ, tách biệt từ bảo quản đến đưa vào sản xuất giữa nguyên liệu khai thác trong nước và nguyên liệu nhập khẩu để đảm bảo chống lẫn lộn trong tổ chức sản xuất.

Về kết quả thực hiện kiểm soát IUU, NFIQAD yêu cầu, thực hiện rà soát, sắp xếp hồ sơ đầy đủ với các lô hàng xuất khẩu thủy sản khai thác vào EU từ năm 2020 đến nay, đảm bảo lưu trữ có hệ thống, dễ truy cập, đáp ứng được yêu cầu về truy xuất nguồn gốc nguyên liệu thủy sản nhập khẩu và nguồn gốc nguyên liệu khai thác trong nước theo chuỗi và khớp nối với hồ sơ theo dõi nguyên liệu khai thác từ các cơ quan quản lý.

Trước đó, vào ngày 23-10-2017, EC đã quyết định rút “thẻ vàng” đối với hải sản Việt Nam vì vi phạm các nguyên tắc trong chương trình chống các hoạt động đánh bắt hải sản bất hợp pháp, không có báo cáo và không được quản lý.

Đến tháng 5-2018 và tháng 11-2019, hai đoàn công tác của EC đã sang Việt Nam để làm việc, kiểm tra về tình hình triển khai các biện pháp khắc phục vấn đề nêu trên, dù đánh giá cao nỗ lực của Việt Nam trong ngăn chặn khai thác IUU, nhưng đến nay EC vẫn chưa gỡ “thẻ vàng” cho hải sản Việt Nam.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới