Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Thành trì giáo dục lung lay

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Thành trì giáo dục lung lay

Minh Đức

Thành trì giáo dục lung lay
Cô Regula Lina Müller chọn học thạc sĩ ở Hồng Kông thay vì các trường châu Âu và Mỹ. Ảnh: NYT

(TBKTSG) – Các trường đại học ở Mỹ và Anh không còn là “thành trì” của giáo dục bậc cao nữa. Học ở đâu giờ không quan trọng bằng học thế nào.

Gia vị trong bát súp

Sau bảy năm làm việc trong một công ty đầu tư ở Thụy Sỹ, Regula Lina Müller muốn học lấy bằng thạc sĩ kinh doanh (MBA). Cô quyết định không chọn một trong số các trường kinh doanh hàng đầu ở châu Âu hay các trường danh tiếng ở Mỹ. Cô đi xa hơn, đến Hồng Kông.

Công ty mà Müller đang làm việc, Elea Foundation for Ethics in Globalization (Quỹ Elea về đạo đức trong toàn cầu hóa), có trụ sở tại Zurich, đã chấp thuận cho cô nghỉ để đi học, và hứa sẽ cho cô trở lại làm sau khi học xong.

“Nếu bạn là luật sư hay bác sĩ, thì chức danh đó được bảo đảm. Nhưng nếu là thạc sĩ thì học vị đó được đánh giá tùy theo trường mà bạn theo học có danh tiếng hay không được xếp hạng thế nào”, đó là băn khoăn của Müller khi chọn trường.

Müller đã nghiên cứu bảng xếp hạng các trường đại học toàn cầu và chọn ra một số trường như Đại học Northwestern, Đại học Stanford, Babson College và một trường học ở Singapore. Sau khi cân nhắc, cô kết luận rằng nhiều chương trình MBA khá giống nhau.

Cuối cùng, Müller cho rằng các trường đại học truyền thống của Mỹ đưa ra chương trình học không hấp dẫn bằng các trường ở châu Á. Vì vậy cô quyết định chọn Đại học Khoa học và Công nghệ Hồng Kông vì nó tập trung vào châu Á và gần gũi với Trung Quốc, yếu tố quyết định được Müller ví như “gia vị trong bát súp”.

Trong vài năm qua, các trường đại học ở châu Á đang dần tiến lên cao hơn trong các bảng xếp hạng toàn cầu. Và khi ngày càng có nhiều trường nước ngoài cung cấp các chương trình giảng dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh, ngôn ngữ chung của kinh doanh quốc tế, sẽ có nhiều sinh viên như Müller muốn lấy tấm bằng cấp cao ở những nơi xa hơn.

Các trường châu Á đang trỗi dậy

Theo một báo cáo mới nhất xếp hạng 150 trường đại học trên thế giới do Công ty Tư vấn Emerging (Pháp) và nhóm nghiên cứu Trendence (Đức) tiến hành, thì Mỹ và Anh không còn là thành trì của giáo dục bậc cao cho sinh viên nói tiếng Anh nữa.

Báo cáo thường niên lần thứ tư của Emerging-Trendence được thực hiện dựa trên khảo sát 2.500 nhà tuyển dụng quốc tế tại 20 quốc gia. Trong khi nhiều báo cáo xếp hạng các trường theo tiêu chí chất lượng nghiên cứu và giảng dạy thì ấn phẩm của Emerging-Trendence đánh giá các trường dựa trên quan điểm của nhà tuyển dụng về việc sinh viên tốt nghiệp trường nào hấp dẫn họ.

Năm nay, Đại học Tokyo (Nhật Bản), trường đại học châu Á có thứ hạng cao nhất trong khảo sát, xếp thứ 10, trên cả Đại học Columbia của Mỹ (rớt từ vị trí 7 năm ngoái xuống 11).

Tiếp tục xu hướng của năm trước, các trường ở châu Á đang giành uy tín trong mắt nhà tuyển dụng, chiếm 20% tổng số trường trong bảng xếp hạng. Sự hiện diện của các trường châu Á đã tăng gấp đôi trong danh sách, kể từ khi báo cáo đầu tiên được công bố năm 2011.

Trường mà cô Müller quyết định theo học, Đại học Khoa học – Công nghệ Hồng Kông, đứng thứ 16 trong bảng xếp hạng năm nay, tăng hai bậc so với năm 2013.

Trong khi đó, dù những trường danh tiếng như Cambridge, Harvard, Oxford và Yale, vẫn tiếp tục chiếm ưu thế trong bảng xếp hạng, nhưng số lượng các trường đại học của Anh và Mỹ bị tuột mất 3% khỏi danh sách.

Trường Đại học Nam California năm nay mất 17 điểm và Đại học Purdue University rơi từ vị trí 96 xuống 131
“Giáo dục bậc cao là một thị trường toàn cầu”, ông Laurent Dupasquier, đối tác của Emerging, nói. “Địa điểm học ngày càng trở nên ít quan trọng”.

Năm nay, các nghiên cứu của Emerging-Trendence đã bổ sung thêm một tiêu chí trong cuộc khảo sát, nói về tầm nhìn của nhà tuyển dụng về các trường đại học trong tương lai. Hơn 60% người được hỏi tin rằng, các trường đại học sẽ tạo ra một mô hình toàn cầu trong tương lai. Các công ty cần tham gia nhiều hơn vào các trường đại học, để có sự phối hợp giữa giáo dục và nhu cầu của thị trường.

40% số người được hỏi gợi ý rằng các trường nên tổ chức những buổi hội thảo thiết thực với sự tham gia của các chuyên gia. Các ý tưởng khác được đề xuất gồm những khóa học tập trung vào “kỹ năng mềm” và các chương trình do chính các doanh nghiệp phát triển.

Shirley Jackson, một nhà tuyển dụng hàng đầu thế giới tại các công ty tư vấn EY, cho biết “kỹ năng mềm” là chìa khóa để sinh viên tìm được chỗ thực tập và việc làm. Jackson cho biết, bà cũng coi trọng các khả năng khác của ứng viên bên ngoài kiến thức học thuật, chẳng hạn như chơi thể thao, tham gia công việc tình nguyện, kỹ năng tổ chức trong nhà trường… Từ đó, bà sẽ tổng hợp để đánh giá khả năng của một cá nhân trong làm việc nhóm, lãnh đạo hay thích ứng xã hội.

Bà Jackson cho biết EY vẫn dõi theo người được tuyển dụng và ai phát huy khả năng tốt, công ty sẽ ghi nhớ trường mà người đó theo học để tạo thuận lợi cho việc tuyển dụng trong tương lai. Chẳng hạn, bà dẫn chứng, ở Ý, 40% lao động mà EY tuyển dụng được, đến từ Đại học Bocconi.

Trở lại với Müller, cô cho biết trong quá trình học tại Hồng Kông, sự đa dạng của các sinh viên đã giúp cô mở rộng nhận thức về kinh doanh quốc tế và buộc cô phải suy nghĩ lại cách quản lý chính mình. Müller cho hay, với tấm bằng MBA từ Hồng Kông, cô cảm thấy tự tin hơn trong việc xử lý các nhiệm vụ quản lý mới.

Đi học ở Hồng Kông trong 15 tháng cũng cho phép Müller phát triển một mạng lưới mới với các bạn cùng lớp sau đại học và các chuyên gia trong khu vực, nơi mà mối quan hệ công việc của công ty đang lỏng lẻo nhất.

“Thế hệ của chúng tôi rất toàn cầu hóa”, cô nói. “Rốt cuộc, bạn phải bỏ qua văn hóa nên hay không nên, mà phải hoạt động như một nhóm để công việc được trôi chảy”, Müller tâm sự.

Theo The New York Times

Đại học chú trọng kỹ năng toàn cầu hóa

Một năm trước, GS. Tanaka, 62 tuổi, được bổ nhiệm làm nữ chủ tịch đầu tiên của trường Đại học Hosei lớn nhất và lâu đời nhất Nhật Bản. Trường đại học 130 năm tuổi, với 30.000 sinh viên và 1.500 cán bộ giáo viên này đang bị các trường đại học khác như Meiji, Rikkyo cạnh tranh.

Việc bổ nhiệm bà Tanaka làm chủ tịch thứ 19 cho thấy trường Hosei đang muốn có một sự thay đổi toàn diện.

“Bầu không khí đã thay đổi mạnh kể từ khi bà Tanaka nắm quyền điều hành”, Kennosuke, một giáo sư đang giảng dạy xã hội học quốc tế tại trường Hosei, nhận xét. “Bà Tanaka nói rõ rằng bà muốn thấy trường phát triển theo hướng toàn cầu hóa”, ông cho biết.

GS. Tanaka cho rằng, ngày nay có nhiều công dân nước ngoài làm việc trong các công ty Nhật Bản. Công ty sẽ không thể làm việc như kiểu một ngôi làng nhỏ, nơi mà các quản lý người Nhật muốn tất cả mọi người đều nói chung một ngôn ngữ, có chung một nền tảng văn hóa. “Xã hội Nhật và các doanh nghiệp đã thay đổi. Bạn sẽ không thể tồn tại được nếu không có kinh nghiệm ra nước ngoài sống và học tập”, bà nói.

GS. Tanaka khẳng định, trường đại học cần dạy những gì thực tế cho sinh viên. Nhiều bạn trẻ Nhật Bản vẫn chưa được truyền đạt ý tưởng đó bởi vì các thế hệ đi trước có ít tiếp xúc với nền văn hóa nước ngoài.

Ngay khi mới được bổ nhiệm, bà Tanaka đã ra văn bản yêu cầu tất cả các giáo trình học phải viết bằng tiếng Anh. Bà cũng khuyến khích các sinh viên của trường ra nước ngoài học và trường đã hỗ trợ tài chính cho những sinh viên này. Mục tiêu của trường là vào năm 2023, số sinh viên của Hosei đi du học tăng lên gấp ba, đạt 3.000 người và hy vọng 10% số sinh viên của trường là sinh viên quốc tế.

“Toàn cầu hóa đã trở thành một vấn đề cực kỳ quan trọng đối với các trường đại học hàng đầu lớn,” Hiroshi Kobayashi, biên tập viên của tạp chí Management College, nói. Ông cho rằng, các trường giờ quan tâm hơn đến việc cung cấp cho sinh viên một nền giáo dục định hướng toàn cầu và có xu hướng tiếp nhận nhiều sinh viên quốc tế nhiều hơn. Các ông chủ Nhật Bản đang cần những kỹ năng giao thoa văn hóa để đáp ứng những thách thức toàn cầu mà công ty họ đang gặp phải.

Theo The New York Times

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới