Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Tháo gỡ cơ chế vay vốn cho EVN: Cẩn trọng không thừa

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Tháo gỡ cơ chế vay vốn cho EVN: Cẩn trọng không thừa

Ngọc Lan

Tháo gỡ cơ chế vay vốn cho EVN:  Cẩn trọng không thừa
Công nhân sửa chữa lưới điện của Công ty Điện lực TPHCM. Ảnh: Thanh Tao.

(TBKTSG) – Bộ Công Thương và Bộ Tài chính đã có những đồng thuận ban đầu với đề xuất của tập đoàn Điện lực (EVN) về cơ chế tháo gỡ những khó khăn khi vay vốn đầu tư các dự án nguồn điện. Theo đó, EVN có thể sẽ được cấp bảo lãnh vay vốn từ Chính phủ mà không cần thẩm định lại phương án tài chính của các dự án sử dụng vốn vay. Điều đó có nên không?

Giải pháp đặc biệt

Thiếu vốn không phải là chuyện mới của EVN. Tại diễn đàn gần nhất về việc thực hiện quy hoạch tổng sơ đồ điện VII diễn ra tại Hà Nội, phía EVN cho biết nhu cầu vốn đầu tư cho tập đoàn giai đoạn 2011-2015 khoảng 525.000 tỉ đồng (tròn số), đến nay mới thu xếp được gần một nửa (khoảng 247.978 tỉ đồng). Riêng năm 2011, theo kế hoạch EVN còn thiếu khoảng 18.000 tỉ đồng chưa tìm được nguồn, không kể các khoản nợ mua điện từ các đối tác. Sức ép về vốn khiến EVN nhiều lần đề nghị Bộ Công Thương và Bộ Tài chính có các giải pháp gỡ vốn đặc biệt cho EVN.

Trên cơ sở những đề nghị này, mới đây Bộ Tài chính đã có văn bản gửi Bộ Công Thương gợi ý một số cơ chế đặc biệt dành cho EVN. Đáng chú ý nhất là Bộ Tài chính đề nghị EVN cần kiến nghị “không thẩm định lại phương án tài chính của các  dự án sử dụng nguồn vốn vay này như quy định tại điều 10 của Nghị định số 15 về cấp và quản lý bảo lãnh Chính phủ”. Theo đó, các dự án, công trình trọng điểm, dự án lớn có tính cấp bách và tầm quan trọng đặc biệt đối với sự phát triển kinh tế – xã hội đã được Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư, Bộ Tài chính trình Chính phủ quyết định cấp bảo lãnh chỉ căn cứ vào phương án tài chính của chương trình, dự án đã được phê duyệt.

Với việc đầu tư nguồn điện, việc áp dụng điều khoản nói trên về lý không sai. Nhưng xét về  năng lực triển khai đầu tư của EVN từ trước đến nay, việc thẩm định lại phương án tài chính dẫn đến quyết định có bảo lãnh vay vốn hay không lại rất cần thiết.

Còn xa mới cạnh tranh công bằng được

Cho dù giá điện vẫn được bao cấp và cơ chế đầu tư vào ngành điện còn nhiều bất cập dẫn đến hiệu quả sản xuất, kinh doanh của EVN gặp nhiều khó khăn nhưng khi xét đến các nguồn vốn vay bảo lãnh của Chính phủ, điều tiên quyết phải bàn đến là doanh nghiệp được bảo lãnh như EVN có thể tháo gỡ khó khăn và làm ăn hiệu quả được hay không?

Thứ nhất là từ trước đến nay, trong số các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, do đặc điểm ngành nghề kinh doanh, EVN luôn dẫn đầu về các nguồn vốn ưu đãi nhưng tiến độ đầu tư dự án lại rất chậm làm cho hiệu quả sử dụng đồng vốn thấp. Riêng năm 2010, nhiều hiệp định vay vốn ODA với tống trị giá 2,15 tỉ đô la để bổ sung vốn đầu tư nguồn và lưới điện của Ngân hàng Thế giới được dành cho EVN, không kể các nguồn vay từ Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Ngân hàng tái thiết Đức (KfW)… Bên cạnh đó là các khoản giải ngân lãi suất thấp từ Ngân hàng Phát triển Việt Nam (2.500 tỉ đồng cho dự án Thủy điện Sơn La, 2.745 tỉ đồng cho các dự án thủy điện khác) vốn đối ứng từ Vietcombank (102 triệu đô la Mỹ), từ Ngân hàng Credit Agricole (122 triệu đô la), khoản phát hành trái phiếu trong nước 5.000 tỉ đồng… (nguồn: báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch năm 2010 của EVN).

Nếu ngược về các năm trước, nguồn vốn ưu đãi giá rẻ và bảo lãnh vay vốn còn nhiều hơn. Nhưng thực tế trong kế hoạch đầu tư 2006-2015, EVN chỉ thực hiện được 57% số dự án đã nhận và số dự án có thể thực hiện đúng tiến độ trong thời gian còn lại có thể dài hơn. Tình hình này nói lên “ngành điện đã bộc lộ một số tồn tại và bất cập về công tác tổ chức, lúng túng trong điều hành” (kết luận của Thủ tướng tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về tình hình thiếu điện và các giải pháp khắc phục, tháng 7-2010).

Mặc dù vừa là chủ đầu tư dự án, vừa là nơi độc quyền ký các hợp đồng mua bán điện, không phải chịu cảnh chờ có giá mới được đầu tư như các nhà đầu tư độc lập khác làm chậm tiến độ nhưng lợi thế đó không được EVN chuyển hóa thành năng lực đầu tư. Dự án của họ cũng  chậm tiến độ ít nhất từ 1-2 năm, thậm chí đến 4-5 năm làm suất đầu tư không còn như tính toán ban đầu nữa. Tình trạng này đến nay hầu như chưa có gì thay đổi và EVN luôn đưa ra lý do thiếu vốn, đề nghị tăng giá điện thay vì phải nâng cao năng lực quản lý hiện có.

Thứ hai, theo quy định của Luật Quản lý nợ công, điều kiện được vay lại các nguồn vay nước ngoài của Chính phủ qua Bộ Tài chính đối với doanh nghiệp là “có tình hình tài chính lành mạnh, không bị lỗ trong ba năm liền kề gần nhất, trừ các khoản lỗ do thực hiện chính sách, tại thời điểm đề nghị vay không có nợ quá hạn với tổ chức tài chính, tín dụng…”. Đối với EVN đến nay chưa thể tách bạch được khoản lỗ nào do thực hiện chính sách bán điện giá thấp, khoản lỗ nào do năng lực quản lý, đầu tư của EVN, việc tiếp tục cấp bảo lãnh Chính phủ hoặc cho họ vay lại các nguồn vay nước ngoài dễ hơn nơi khác là khó thuyết phục.

Tổng giá thành tiêu thụ điện năm 2007 của EVN là 45.425 tỉ đồng, bình quân khoảng 777 đồng/kWh (chưa gồm lãi vay); giá bán điện của EVN bình quân năm đó là 860,14 đồng/kWh.

Kiểm toán nhà nước năm 2007 đã chứng minh tổng giá thành tiêu thụ điện năm 2007 của EVN là 45.425 tỉ đồng, bình quân khoảng 777 đồng/kWh (chưa gồm lãi vay) nhưng giá bán điện của EVN bình quân năm đó là 860,14 đồng/kWh. Chênh lệch do giá bán điện năm 2007 là hơn 3.400 tỉ đồng. Thậm chí, việc quản lý vốn bằng tiền, quản lý nợ phải thu, vật tư hàng hóa lỏng lẻo dẫn tới việc vốn bị chiếm dụng, vật tư tồn đọng, nợ khó đòi phát sinh. Quy trình quản lý than nhiên liệu thiếu chặt chẽ, dẫn đến chi phí sản xuất điện tăng lên gần 400 tỉ đồng (tính riêng hai nhà máy nhiệt điên Ninh Bình và Uông Bí năm 2007).

Mặt khác, năm 2009, Thanh tra Chính phủ chỉ ra EVN sử dụng  hơn 756 tỉ đồng tiền thu được từ cổ phần hóa các doanh nghiệp thuộc EVN để chi cho các dự án đầu tư nhưng chưa báo cáo Chính phủ. Tình hình trên cho thấy nếu Chính phủ tiếp tục cho EVN vay vốn ưu đãi hoặc bảo lãnh vay vốn trong điều kiện quản lý đồng vốn như vậy là không hợp lý và không công bằng đối với nhiều thành phần doanh nghiệp khác.

Ông Nguyễn Đức Kiên, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, nói với TBKTSG rằng có thể đề xuất này của Bộ Tài chính chỉ căn cứ vào phương án tài chính của EVN nhưng phần không thẩm định là không tính đến thời gian hoàn vốn cho vay do giá điện chưa thực hiện theo cơ chế thị trường.

Tuy nhiên, lãnh đạo một doanh nghiệp đầu tư rất lớn vào ngành điện (không thuộc EVN) nói rằng nếu áp dụng cơ chế nói trên, còn lâu ngành điện mới cạnh tranh thực sự được, nhất là sự ưu đãi này chỉ dành cho EVN: “Làm như vậy chi phí đầu vào dự án sẽ không cùng một mặt bằng, đầu ra (giá bán) vẫn do EVN quyết định thì các nhà đầu tư ngành điện sẽ càng khó”. Và vị này nói thêm rằng bản chất của việc đi vay do Chính phủ bảo lãnh là do doanh nghiệp không đủ uy tín để tự mình đứng ra vay nợ. Do vậy, thay vì nới rộng các điều kiện bảo lãnh, cần phải thẩm định chặt hơn các phương án vay nợ của EVN dựa trên những phân tích kỹ về độ rủi ro, sự cạn kiệt tài nguyên hay tính ổn định của thị trường nhiên liệu trong nhiều năm tới. Nếu không, rủi ro về năng lực trả nợ của EVN còn kéo dài và thị trường phát điện cạnh tranh thực sự còn lâu mới làm được.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới