Thứ Hai, 7/10/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Thảo luận tại Quốc hội: Chưa nên tăng học phí

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Thảo luận tại Quốc hội: Chưa nên tăng học phí

Ngọc Lan

Ở thời điểm này, việc tăng học phí sẽ làm tăng thêm khó khăn cho rất nhiều gia đình. Trong ảnh là trao học bổng hỗ trợ học sinh nghèo ở huyện Xuyên Mộc, Bà Rịa- Vũng Tàu - ảnh: HK.

(TBKTSG Online) - Trong phiên thảo luận tại hội trường Quốc hội hôm 9-6, một số đại biểu chưa đồng tình với đề án đổi mới cơ chế tài chính giai đoạn 2009-2014 mà Bộ Giáo dục- Đào tạo trình ra, trong đó vấn đề đáng quan tâm là tăng học phí.

Các đại biểu cho rằng, đề án có tác động rất lớn đến hàng chục triệu hộ gia đình có con em đi học và việc đưa đề án ra lúc này được xem là không đúng thời điểm, chưa chín muồi. Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Văn hóa - Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng cũng cơ bản không nhất trí với các mức tăng học phí mà Bộ Giáo dục - Đào tạo đề nghị cho giai đoạn 2009 - 2014. Đặc biệt là đề xuất tăng học phí đại học, đã được ủy ban này hạ xuống thấp hơn mức đề nghị của bộ.

Tại phiên thảo luận, theo đại biểu Võ Đình Tuyến (Bình Phước), khung học phí đại học quá cao so với sức chịu đựng của từng hộ gia đình.Ông Tuyến phân tích rằng, không chỉ ngành giáo dục mới chịu tác động của trượt giá, vì các hộ gia đình, học sinh cũng đang chịu tác động nặng nề, đặc biệt là các học sinh ở tỉnh xa đến thành phố học đại học phải chịu rất nhiều chi phí.

Cụ thể, tối thiểu các khoản phí các học sinh từ tỉnh xa lên thành phố lớn học đại học khoảng 2,5 triệu đồng/tháng, trong lúc bình quân thu nhập của công nhân cũng mới được 1 triệu đồng/người/tháng hay thu nhập một cán bộ, công chức bình quân là 2 triệu đồng/tháng. Như vậy, thu nhập của một hộ gia đình đã mất một khoản lớn cho học sinh đi học, nếu nuôi hai học sinh đi  học trong một gia đình là hết sức khó khăn, quá sức chịu đựng của các gia đình chỉ trông vào đồng lương chân chính.

Đại biểu Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) đặt câu hỏi: “Khi đề án này được trình ra Quốc hội, nhiều đại biểu và cử tri băn khoăn, lo lắng, liệu rằng đề án này đã chín muồi hay chưa? Tại sao trong thời điểm hiện nay, lạm phát, suy thoái, giá cả tăng nhanh, đời sống của người dân gặp rất nhiều khó khăn thì Bộ Giáo dục- Đào tạo lại trình ra đề án thực chất là tăng học phí?”.

Đại biểu này còn chất vấn tại sao Bộ Giáo dục- Đào tạo không đưa ra một đề án cải cách nền giáo dục nhằm nâng cao chất lượng vì đây là đòi hỏi cấp bách hiện nay? Ông cho rằng đề án tăng học phí này chưa sát thực tế, nặng về cơ chế tài chính giáo dục, nhẹ về quan tâm cho các đối tượng thụ hưởng và chưa hướng đến mục tiêu  nâng cao chất lượng đào tạo.

Ngoài ý kiến không đồng tình đề án tăng học phí đưa ra trong thời điểm khó khăn về kinh tế, đại biểu Lê Văn Cuông (Thanh Hóa) nói rằng, vấn đề cốt lõi của đề án là phải đánh giá được thực trạng sử dụng quản lý tài chính giáo dục thời gian qua như thế nào, chất lượng và hiệu quả sử dụng đồng tiền cho giáo dục ra sao từ đó mới có cơ sở để đề ra các giải pháp tăng học phí đến đâu, mức độ nào và Quốc hội có thông qua hay không.

Ông Cuông cho rằng bộ né tránh trách nhiệm khi nêu lý do chỉ quản lý 5% ngân sách nên không đánh giá được hiệu quả cũng như không có đề án nào nâng cao hiệu quả và minh bạch trong sử dụng tiền nhà nước đầu tư cho giáo dục.

Bản đề án này, theo nhiều đại biểu Quốc hội, khả năng rất khó được thông qua vào cuối kỳ họp, dự kiến là ngày 19-6 tới.  

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới