Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Tháo nhiều “nút thắt” cho đầu tư xây dựng cơ bản

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Tháo nhiều “nút thắt” cho đầu tư xây dựng cơ bản

Ngọc Lan

Sáng ngày 8-6, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật liên quan đến đầu tư và xây dựng cơ bản. Trong ảnh : Đại biểu Quốc hội TPHCM Trần Du Lịch phát biểu ý kiến. Ảnh: TTXVN

(TBKTSG Online) – Đa số ý kiến các đại biểu Quốc hội đều đồng ý với việc Quốc hội sửa Luật đầu tư xây dựng cơ bản cùng với 6 luật có liên quan khác để cởi những nút thắt cho quá trình thực hiện, giải ngân các dự án. Nhưng có những vấn đề được đặt ra từ thực tiễn điều hành doanh nghiệp và giám sát ở các địa phương đang được các đại biểu đề nghị phải xem lại để gỡ khó cho doanh nghiệp.

Vấn đề được đặt ra trong việc sửa Luật đầu tư xây dựng cơ bản (ĐTXDCB) lần này là tập trung đẩy mạnh giải ngân, rút ngắn thời gian chuẩn bị, tăng cường phân cấp dự án, đối tượng ban hành các tiêu chuẩn thiết kế kỹ thuật, chỉ định thầu, thời gian lập và phê duyệt báo cáo tác động môi trường các dự án. Nói khác đi, đây chính là những vấn đề phát sinh từ thực tiễn trong thời gian qua, đòi hỏi phải có sửa đổi kịp thời để quá trình đầu tư và thực hiện dự án thực sự có hiệu quả.

Đại biểu Phạm Thị Loan (Hà Nội) cho rằng khi điều chỉnh dự án đầu tư xây dựng công trình có sử dụng 30% vốn nhà nước, đề nghị bổ sung thêm phần biến động giá cả, nguyên vật liệu thị trường, tỷ giá hối đoái liên quan trên 5%. Lý do, theo bà Loan, là khi Nhà nước thay đổi chính sách làm ảnh hưởng đến chi phí vật tư dự án, chẳng hạn chính sách thuế, thì điều này được xem là hợp lý. Bà gợi ý nên tham khảo phương pháp đánh giá hồ sơ dự thầu của các tổ chức quốc tế như Ngân hàng phát triển châu Á (ADB), Ngân hàng thế giới (WB), bởi vì trong đó quy định rất rõ các phương pháp xét thầu rất công bằng và minh bạch.

Nói riêng về giá trúng thầu, dự thảo Luật sửa đổi quy định giá hợp đồng không được vượt quá giá trúng thầu. Nhưng bà Loan đề nghị: “Cần quy định rõ giá trúng thầu là giá như thế nào, bởi nếu quy định như thế này rất khó khăn, giá trúng thầu là giá đã điều chỉnh cả số lượng số học và những sai sót về thiết kế và dự toán”. Bà cũng dẫn ra, giá hợp đồng sau điều chỉnh không dẫn đến tổng mức đầu tư được duyệt sẽ khó khăn. Về chuyện này, theo bà Loan, “cần quy định rõ trường hợp nào được phép vượt dự toán, vượt tổng mức đầu tư”, vì nếu đã đấu thầu thì dự toán để tham khảo và chuẩn bị nguồn, còn thực tế sẽ phụ thuộc vào giá cả thị trường và thời gian duyệt định mức đầu tư có xa so với thời gian tổ chức đấu thầu hay không vì giá cả thay đổi theo thời gian, dẫn đến trượt giá là không tránh khỏi.

Đại biểu Nguyễn Xuân Thuyết (Vĩnh Phúc) cũng đề nghị xem xét trường hợp vượt tổng mức đầu tư do nguyên nhân trượt giá vì theo ông, dù đây là nguyên nhân bất khả kháng, ngoài ý muốn nhưng không nên điều chỉnh vì mức đầu tư do trượt giá nếu điều chỉnh thì sẽ dễ kéo theo điều chỉnh dây chuyền, khó quản lý được

Đại biểu Phùng Văn Toàn (Phú Thọ) đồng tình với bà Loan về việc không nên sửa luật theo hướng trao quyền công bố định mức tiêu chuẩn kinh tế kỹ thuật cho các tổ chức xã hội nghề nghiệp làm riêng với các chủ đầu tư, vì lực lượng của các tổ chức này chưa đầy đủ, ổn định. Việc này vẫn phải do các cơ quan, bộ, ngành nhà nước thực hiện và xây dựng thành quy chuẩn, có điều chỉnh để sát hợp với tình hình, tránh những rủi ro không đáng có .

Ông Hoàng Thương Lượng (Yên Bái) thì nhắc rằng việc sửa luật này đồng thời với 6 luật khác chưa phải đã cởi được những nút thắt trong việc ĐTXDCB ở Việt Nam. Bởi vì hiện nay còn 9 luật có liên quan trực tiếp đến đầu tư xây dựng cơ bản như Luật đất đai, Luật nhà ở, Luật quản lý và sử dụng tài sản Nhà nước, Luật khiếu nại, tố cáo, Luật phòng, chống tham nhũng, Luật kinh doanh bất động sản. Chính phủ hiện còn có 25 nghị định và gần 40 văn bản liên quan khác, với 4 bộ có liên quan trực tiếp như Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, có khoảng trên 130 thông tư quy định, hướng dẫn còn hiệu lực liên quan đến xây dựng cơ bản. Ông đề nghị Chính phủ cần vào cuộc mạnh hơn, rà soát tổng thể điều chỉnh cải cách nhanh, cắt giảm các thủ tục hành chính không còn phù hợp, tháo gỡ khó khăn trong đầu tư xây dựng cơ bản, thiết kế chung một hệ thống pháp luật thống nhất thành bộ cẩm nang đầu tư xây dựng cơ bản. Đây cũng được xem như một giải pháp quan trọng trong kích cầu đầu tư trong lĩnh vực xây dựng cơ bản để chống suy giảm kinh tế hiện nay. ·       

Sửa luật có thể tăng thêm rủi ro cho doanh nghiệp?

Đại biểu Nghiêm Vũ Khải, Phó chủ nhiệm Ủy ban khoa học- công nghệ và môi trường của Quốc hội có đưa ra những phân tích và tác động khá chi tiết nếu Quốc hội sửa Luật ĐTXDCB, có thay đổi về thời gian lập và phê duyệt báo cáo tác động môi trường đối với quy trình đầu tư và xây dựng cũng như vận hành dự án công trình. Dự thảo luật hiện hành quy định báo cáo đánh giá tác động mội trường phải lập đồng thời với báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án. Luật sửa đổi thì cho phép có thể lập đồng thời, nhưng có thể lập trước khi khởi công xây dựng theo quy định của Chính phủ.

Theo phân tích của ông Khải, việc quy định như vậy xem ra bề ngoài có vẻ tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, nhưng thực chất việc tạo điều kiện thuận lợi không nhiều so với việc tạo ra những nguy cơ và rủi ro cho doanh nghiệp. Ví dụ quá trình đầu tư thì bao giờ nhà đầu tư cũng nghiên cứu sản xuất cái gì, sản xuất khối lượng bao nhiêu, công nghệ như thế nào, thị trường ra sao. Đồng thời với quá trình nghiên cứu đầu tư thì việc lập báo cáo đánh giá tác động môi trường là cần thiết để tính tất cả những trách nhiệm môi trường và những rủi ro trong quá trình vận hành có thể xảy ra. Như vậy, quy định của luật hiện hành là rất hợp lý.

“Nếu quy định như dự thảo luật sửa đổi thì doanh nghiệp có thể đã nhận được quyết định giấy phép đầu tư nhưng chưa được phê duyệt”, ông nói và đặt vấn đề nếu đánh giá tác động môi trường chưa được phê duyệt, trong khi đó báo cáo đầu tư được phê duyệt trước khi khởi công. Trường hợp đánh giá tác động môi trường không cho phép dự án được diễn ra tại địa điểm đó, dùng công nghệ đó thì chi phí, thiệt hại của doanh nghiệp không thể bù đắp được. Hoặc là doanh nghiệp sẽ dùng mọi cách để phê duyệt cho bằng được báo cáo đánh giá tác động môi trường, nhưng có phê duyệt được báo cáo đánh giá tác động môi trường thì giai đoạn vận hành tiếp theo doanh nghiệp tiếp tục phải đối mặt với những khó khăn còn lớn hơn nhiều. Nếu trong trường hợp có sai sót, doanh nghiệp cứ vận hành cơ sở của mình, nhưng sau này sẽ đối mặt với dư luận và có thể bị xử lý đình chỉ hoặc di dời đi nơi khác.

Như vậy, theo ông Khải, việc sửa đổi lần này không tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp bao nhiêu mà tạo ra những rủi ro, tạo thói quen làm trước báo cáo sau, do vậy phải hết sức cân nhắc.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới