Thứ Tư, 24/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Thắt chặt điều kiện ra đời tập đoàn, tổng công ty

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Thắt chặt điều kiện ra đời tập đoàn, tổng công ty

Đỗ Hào

(TBKTSG) – Ngày 15-11-2011, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã công bố dự thảo quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành tiêu chí đặt tên tập đoàn, tổng công ty để lấy ý kiến góp ý. Theo dự thảo, doanh nghiệp phải là công ty TNHH hoặc cổ phần mới được sử dụng cụm từ “tập đoàn” hoặc “tổng công ty”.

Ngoài ra, để sử dụng cụm từ “tập đoàn” cấu thành tên riêng, doanh nghiệp phải có vốn điều lệ từ 1.000 tỉ đồng trở lên và sở hữu trên 50% vốn điều lệ của ít nhất năm công ty khác, đồng thời phải được Thủ tướng Chính phủ cho phép. Để được lấy cụm từ “tổng công ty” cấu thành tên riêng, doanh nghiệp phải có vốn điều lệ từ 500 tỉ đồng trở lên và có vốn góp ít nhất tại ba công ty với số vốn góp trên 50% vốn điều lệ mỗi công ty.

Cần biết, từ giữa tháng 8-2011, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã có dự thảo lấy ý kiến cho Thông tư hướng dẫn đăng ký doanh nghiệp, trong đó có quy định về việc sử dụng cụm từ “tập đoàn” làm tên riêng doanh nghiệp. Tuy nhiên, đến nay, sau hơn 60 ngày lấy ý kiến theo quy định, bộ vẫn chưa ban hành văn bản này. Vì vậy, nếu ban hành quyết định của Thủ tướng Chính phủ, nội dung về tiêu chí “tập đoàn” trong dự thảo thông tư của bộ sẽ không trở thành hiện thực.

Trên thực tế, hiện nay bên cạnh các tập đoàn nhà nước đã được hình thành, lợi dụng kẽ hở của Luật Doanh nghiệp, hàng trăm doanh nghiệp đã sử dụng cụm từ “tập đoàn” làm tên riêng mặc dù số vốn chỉ vài trăm tỉ, thậm chí vài chục tỉ đồng! Việc sử dụng cụm từ “tập đoàn” tràn lan, không tương xứng với quy mô đã tạo ra sự ngộ nhận của xã hội về sự phát triển của doanh nghiệp.

Như vậy, có thể nói dự thảo quyết định của Thủ tướng Chính phủ là cần thiết. Tuy nhiên cũng có một số vấn đề cần phải làm rõ, chỉnh sửa cho hợp lý.

Thứ nhất, đã quy định số vốn điều lệ tối thiểu để được dùng danh xưng “tập đoàn” thì không nên đưa thêm điều kiện phải được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ. Đối với các doanh nghiệp nhà nước, Thủ tướng can thiệp vào việc thành lập doanh nghiệp có tên “tập đoàn” là hợp lý, nhưng với các loại hình doanh nghiệp khác thì điều này sẽ tạo thêm các thủ tục không cần thiết.

Thứ hai, tên của doanh nghiệp trong dự thảo lựa chọn theo một trong hai cách: 1. “Loại hình doanh nghiệp + Tổng công ty/Tập đoàn + Tên riêng của doanh nghiệp” hoặc “Tổng công ty/Tập đoàn + Tên riêng của doanh nghiệp + Loại hình doanh nghiệp”. Cấu trúc theo hướng dẫn này không hợp logic, quá dài và rối, không phù hợp với quy định tại Luật Doanh nghiệp, Nghị định 43/2010/NĐ-CP và dễ khiến nhầm tưởng mang tính chất bắt buộc.

Thiết nghĩ, cần phải tách biệt loại hình “tập đoàn” và “tổng công ty” thành hai nhóm khác nhau để đưa ra cấu trúc tên cho phù hợp. Với việc sử dụng cụm từ “tập đoàn” thì chỉ nên có duy nhất cấu trúc “Loại hình doanh nghiệp + Tập đoàn + Tên riêng”. Với việc sử dụng cụm từ “Tổng công ty”, chỉ nên có cấu trúc “Tổng công ty + Loại hình doanh nghiệp + Tên riêng”.

Thứ ba, dự thảo quyết định chưa đề cập việc xử lý ra sao đối với các doanh nghiệp đã sử dụng cụm từ “tập đoàn” hay “tổng công ty” từ trước nhưng không đáp ứng quy định mới. Do đó, nên bổ sung quy định này và cho doanh nghiệp một khoảng thời gian để bổ sung cho phù hợp với tiêu chí mới sau khi được quyết định chính thức.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới