Chủ Nhật, 28/05/2023, 09:26
27 C
Ho Chi Minh City

Đặt báo in

Thông tin quảng cáo

Thông tin quảng cáo


Thắt chặt tín dụng nhà đất đã bắt đầu tạo hiệu ứng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Thắt chặt tín dụng nhà đất đã bắt đầu tạo hiệu ứng

Giải pháp thắt chặt tài chính đang có những tác động ban đầu đến thị trường bất động sản – Ảnh: Tư liệu

(TBKTSG Online) – Gói biện pháp về thắt chặt tín dụng được Ngân hàng Nhà nước đưa ra với mục đích bình ổn thị trường bất động sản đã bắt đầu tạo hiệu ứng. 

Dù đã có nhiều cảnh báo về việc thị trường bất động sản đang tiềm ẩn nhiều rủi ro như: đầu cơ, tăng giá ảo, mất cân đối cung-cầu… nhưng trong thời gian qua nhà đất là một trong những kênh mà các ngân hàng và doanh nghiệp địa ốc đổ vốn vào nhiều và liên tục vì lợi nhuận cao.

Giới địa ốc: phản ứng

Tại buổi đối thoại giữa lãnh đạo UBND TPHCM với hơn 300 doanh nghiệp thuộc Hiệp hội Bất động sản thành phố (HoREA) hôm 22-2, nhiều doanh nghiệp đã bày tỏ nỗi lo ngại cho tương lai các dự án của mình, khi mà các ngân hàng đang siết chặt việc cấp vốn.

Ông Lê Hoàng Châu,  Phó chủ tịch HoREA nói rằng thị trường bất động sản hiện đang rơi vào tình thế rất căng thẳng. “Khi các ngân hàng siết lại các khoản vay tín dụng bất động sản, các doanh nghiệp đứng trước tình thế rất khó khăn và điều này chắc chắn sẽ khiến cho thị trường có nhiều biến động lớn,” ông Châu nói.

Theo các doanh nghiệp, hiện tại không chỉ nhà đầu tư, kinh doanh nhà đất mà cả người mua nhà ở thật sự cũng khó vay tiền ngân hàng. Đề cập đến tình hình này, ông Nguyễn Phụng Thiều, Giám đốc Công ty cổ phần Địa ốc Sài Gòn – Gia Định, lo lắng 60 căn hộ đầu tiên trong dự án chung cư của công ty ở phường Thới An (quận 12) dành bán cho người thu nhập thấp sẽ thất bại. Theo giải thích của ông Thiều, 50% giá trị căn hộ sẽ được khách hàng trả góp thông qua việc ngân hàng bảo lãnh cho vay vốn. Nhưng gần đây ngân hàng rút lại bảo lãnh, không cho vay nữa.

Cho vay bất động sản 20% tổng dư nợ

Theo ông Hồ Hữu Hạnh, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh TPHCM, thị trường bất động sản ở thành phố đang thu hút khoảng 10% tổng số tiền cho vay (khoảng 35.000 tỉ đồng) của hệ thống ngân hàng trên địa bàn.

Tính đến cuối năm 2007, dư nợ tín dụng của Ngân hàng thương mại cổ phần An Bình cho vay trong lĩnh vực bất động sản lên đến 1.200 tỉ đồng, chiếm trên 20% tổng dư nợ. Tương tự các ngân hàng thương mại như Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), Kỹ Thương (Techcombank), Á Châu (ACB)… cũng có tỷ lệ dư nợ tín dụng trong bất động sản từ 20% trở lên.

Nhiều ngân hàng còn liên kết với các công ty tài chính ký hợp đồng tín dụng cho các công ty kinh doanh địa ốc vay để đầu tư xây dựng các cao ốc, căn hộ cao cấp… Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam chi nhánh TPHCM (BIDV-HCM) còn nâng mức cho vay ngắn hạn và bảo lãnh từ 185 tỉ đồng lên 380 tỉ đồng cho doanh nghiệp trên để mở mở rộng các hoạt động kinh doanh bất động sản.

Theo TTXVN

Nhiều nhà đầu tư bất động sản khác cũng băn khoăn chính sách thắt chặt tín dụng sẽ khiến doanh nghiệp địa ốc điêu đứng, trong khi phần lớn doanh nghiệp địa ốc trong nước đều có qui mô vừa và nhỏ. Họ e ngại rằng trước sự “quay lưng” của các ngân hàng – kênh cung cấp vốn quan trọng, sẽ đẩy các dự án nhà đất vào tình trạng không thể tiếp tục triển khai, kéo theo sự “đóng băng” của thị trường, tác động đến nền kinh tế.

Bi quan hơn, ông Nguyễn Văn Khởi, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư kinh doanh nhà, đề nghị các cơ quan chức năng cứu thị trường bất động sản, không siết chặt nguồn lưu thông tài chính đối với lĩnh vực này, nếu không, nhiều khả năng trong năm nay thị trường sẽ trải qua đợt sóng gió mang tính “lành ít, dữ nhiều”.

Ngân hàng: thận trọng 

Các ngân hàng trong nước hiện nay đã lắc đầu với việc cho vay đầu cơ bất động sản cũng như hết sức thận trọng với các khoản vay, khoản tài trợ vốn liên quan đến lĩnh vực này.

Ông Trần Xuân Huy, Tổng giám đốc ngân hàng Sacombank, cho biết hiện ngân hàng đang phải cơ cấu lại tất cả các khoản nợ của mình trước áp lực nguồn cung tiền trong hệ thống đang bị siết chặt. Theo ông, Sacombank sẽ chọn lọc và thẩm định kỹ càng hơn nữa trước khi cho vay các dự án nhà đất. Những dự án không đầy đủ về mặt pháp lý hoặc không hiệu quả trong tương lai sẽ không được ngân hàng tài trợ vốn, ông Huy nói.

Hiện nay, việc tài trợ dự án bất động sản của Sacombank chiếm khoảng 2% trên tổng dư nợ. Tổng dư nợ của Sacombank cuối tháng 1 là 40.250 tỉ đồng, tăng 157% so với cùng kỳ năm ngoái. Căn cứ theo tỷ lệ trên, dư nợ cho vay các dự án bất động sản của Sacombank trong tháng 1 ở mức 805 tỉ đồng.

Ông Trần Đắc Sơn, Tổng giám đốc ngân hàng VP Bank, cho biết gần như 100% tiền bơm vào các dự án bất động sản hiện nay, đặc biệt là dự án căn hộ và văn phòng, là tiền từ ngân hàng. Ông cũng nhận xét rằng khá nhiều ngân hàng từ trước đến nay khá dễ dãi trong việc cho vay các dự án này. Việc thắt chặt tín dụng của nhà nước sẽ buộc các ngân hàng phải tự điều chỉnh và cân bằng với việc cho vay các dự án bất động sản, cũng như sàng lọc các dự án.

Các ngân hàng quốc doanh cũng có chủ trương thẩm tra kỹ càng các dự án bất động sản trước khi cho vay. Ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch HĐQT ngân hàng BIDV, cho biết ngân hàng của ông vẫn tiếp tục tài trợ cho các dự án bất động sản nhưng chỉ là những dự án thật sự có hiệu quả, nằm tại TPHCM và Hà Nội. Đặc biệt, một trong những yêu cầu khắt khe mà BIDV đưa ra để đánh giá năng lực khách hàng vay vốn là nhà đầu tư phải có ít nhất 50% vốn tự có của các dự án. Như vậy, những nhà đầu tư có năng lực tài chính yếu kém sẽ không thể tiếp cận nguồn vốn từ BIDV.

Các ngân hàng đều cho biết thực sự chưa có một văn bản chính thức nào về việc hạn chế cho vay bất động sản của các ngân hàng mà đó chỉ là chủ trương, khuyến cáo từ phía cơ quan quản lý, điều hành chính sách tiền tệ. Tuy nhiên, với tình hình nguồn cung vốn bị thắt chặt như hiện nay, hầu hết các ngân hàng đều không dám đổ tiền vào các dự án bất động sản – vốn là lĩnh vực “nuốt” nguồn vốn lớn và dài hạn.

Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước hiện đang thanh tra các dự án bất động sản để nắm thật rõ tỷ lệ cho vay từng hạng mục trong lĩnh vực bất động sản của toàn hệ thống là bao nhiêu để có thể cảnh báo với các ngân hàng cũng như có những bước điều chỉnh phù hợp. Động thái trên cũng góp phần làm cho các ngân hàng thận trọng hơn với việc cho vay bất động sản.

Phóng viên Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online đã kịp ghi nhận ý kiến của các chuyên gia kinh tế và các cơ quan quản lý chuyên ngành về việc thắt chặt tín dụng vào thị trường bất động sản, nếu không triển khai kịp các giải pháp khác thì thị trường bất động sản sẽ có nguy cơ: cung giảm, giá tăng và người dân sẽ không mua được nhà.

Không dừng lại ở loạt bài này, Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online tiếp tục mời bạn đọc quan tâm đặt câu hỏi cho các đại diện doanh nghiệp bất động sản, ngân hàng và công ty chứng khoán – những doanh nghiệp đang nằm trong sự ảnh hưởng của giải pháp thắt chặt tín dụng, sẽ tham dự buổi tọa đàm ngày 25-2 tới đây.

YẾN DUNG – THỦY TRIỀU

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới