Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Thật ra TQ hướng tới thả nổi tỷ giá

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Thật ra TQ hướng tới thả nổi tỷ giá

Phúc Minh

Thật ra TQ hướng tới thả nổi tỷ giá
Trung Quốc đang hướng tới tỷ giá thả nổi tự do. Ảnh: Reuters

(TBKTSG Online) – Sau khi Trung Quốc bắt đầu thay đổi tỷ giá tham chiếu nhân dân tệ so với đô la Mỹ hàng ngày từ ngày 11-8, người phát ngôn Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) nói: "Chúng tôi tin rằng Trung Quốc có thể và nên hướng tới việc đạt được hệ thống thả nổi tỷ giá hối đoái hiệu quả trong vòng 2-3 năm".

IMF hoan ngênh động thái trên của Trung Quốc và cho biết sự linh hoạt hơn của tỷ giá hối đoái đóng vai trò quan trọng trong bối cảnh Trung Quốc đang nỗ lực để các tác nhân thị trường đóng vai trò quyết định trong nền kinh tế khi nước này đang nhanh chóng hội nhập vào các thị trường tài chính toàn cầu. IMF dự kiến sẽ đưa ra quyết định việc có đưa đồng nhân dân tệ vào rổ tiền tệ trong Quyền rút vốn đặc biệt (SDR) hay không vào tháng 11-2015.

Để kiểm soát tỷ giá, Ngân hàng trung ương Trung Quốc sử dụng cơ chế kết hợp giữa tỷ giá tham chiếu và biên độ. Ngân hàng trung ương Trung Quốc ấn định tỷ giá tham chiếu và cho phép tỷ giá thương mại có thể tăng hoặc giảm vào bất kỳ ngày nào trong biên độ dao động cho phép. Mấy năm trước, dù ba lần nới rộng biên độ dao động tỷ giá nhưng Ngân hàng trung ương Trung Quốc vẫn giữ chặt quyền ấn định giá tham chiếu, qua đó nâng giá hoặc giảm giá không theo nguyên tắc thị trường mà theo chính sách tiền tệ và mục tiêu chính trị của chính phủ Trung Quốc, chủ yếu là kìm giữ giá trị nhân dân tệ ở mức thấp để hỗ trợ xuất khẩu, giành thị trường ở nước ngoài.

Từ ngày 11-8, Trung Quốc áp dụng tỷ giá tham chiếu nhân dân tệ so với đô la Mỹ thay đổi hàng ngày, dựa theo tỷ giá thương mại cuối ngày hôm trước cùng với tình trạng cung-cầu ngoại hối và những thay đổi trong tỷ giá hối đoái của các đồng tiền lớn quốc tế, chứ không hoàn toàn do Ngân hàng trung ương quyết định. Theo đó, tỷ giá tham chiếu nhân dân tệ so với đô la Mỹ từ ngày 11-8 đến ngày 14-8 lần lượt giảm 1,86%, 1,62%, 1,11% và tăng 0,05%.

Những lần thay đổi biên độ dao động tỷ giá thương mại so với tỷ giá tham chiếu và biên độ dao động cho phép:

Thời gian

Biên độ dao động tỷ giá thương mại so với tỷ giá tham chiếu (%)

Trước ngày 21-5-2007

0,3

Từ ngày 21-5-2007

0,5

Từ ngày 14-4-2012

1

Từ ngày 15-3-2015

2


Bảng thay đổi tỷ giá từ ngày 10-8 đến ngày 14-8:

Thời gian

Tỷ giá tham chiếu nhân dân tệ/đô la Mỹ

Mức tăng/giảm so với tỷ giá tham chiếu hôm trước (%)

Tỷ giá thương mại nhân dân tệ/đô la Mỹ lúc đóng cửa

Mức tăng/giảm so với tỷ giá tham chiếu trong ngày (%)

Ngày 10-8

6,1162

 

 

 

Ngày 11-8

6,2298

– 1,86%

6,3231

– 1,50%

Ngày 12-8

6,3306

– 1,62%

6,3870

– 0,89%

Ngày 13-8

6,4010

– 1,11%

6,3990

+ 0,03%

Ngày 14-8

6,3975

+ 0,05%

 

 

 

Trung Quốc chủ động, can thiệp khi cần

Điều đáng chú ý là 15 phút trước khi đóng cửa giao dịch ngày 12-8, Ngân hàng trung ương Trung Quốc bán ngoại tệ, can thiệp để nhân dân tệ so với đô la Mỹ trên thị trường tăng 1% so với mức thấp nhất trước đó, sau khi nhân dân tệ so với đô la Mỹ trên thị trường trong ngày giảm mạnh.

Đến ngày 13-8, mặc dù tỷ giá thương mại đóng cửa hôm trước chỉ giảm 0,89% so với tỷ giá tham chiếu nhưng Ngân hàng trung ương Trung Quốc đi trước một bước, giảm tỷ giá tham chiếu đến 1,11% để đến hôm sau thì tỷ giá tham chiếu tăng lại 0,05%.

Những điều ntrên cho thấy Ngân hàng trung ương Trung Quốc hoàn toàn chủ động trong việc điều chỉnh tỷ giá.

Liên quan đến biên độ giảm giá nhân dân tệ, báo Wall Street Journal dẫn lời nhà phân tích Khương Siêu tại Công ty chứng khoán Hải Thông cho biết trong buổi họp báo ngày 13-8, Ngân hàng trung ương Trung Quốc cho biết ngân hàng này có thể chấp nhận nhân dân tệ mất giá ở mức 3%.

Tỷ giá onshore (nội địa) và offshore (hải ngoại) bám sát nhau

Hiện nay, nhân dân tệ tồn tại hai tỷ giá. Giá nhân dân tệ tại thị trường hải ngoại (ký hiệu là CNH) có sự khác biệt với giá nhân dân tệ thị trường nội địa (CNY).

Vì sao thị trường nhân dân tệ ở hải ngoại lại tồn tại? Trước đó, giới chức Trung Quốc kiểm soát chặt chẽ dòng tiền nên nhân dân tệ chủ yếu giao dịch trong thị trường nội địa, nơi nhà chức trách dễ dàng tạo ảnh hưởng lên tỷ giá. Khi Trung Quốc bắt đầu mở cửa nền kinh tế, nước này cũng muốn nhân dân tệ được sử dụng làm đồng tiền thanh toán trong các giao dịch thương mại và tài chính quốc tế nhưng lại không muốn hoàn toàn mở cửa cán cân vốn. Do đó, Hồng Kông – trung tâm của các hoạt động trao đổi giữa Trung Quốc và quốc tế – nhanh chóng trở thành địa điểm lý tưởng cho thị trường nhân dân tệ hải ngoại.

Năm 2010, chính phủ Trung Quốc bắt đầu giao dịch offshore tại Hồng Kông, nơi tỷ giá được quyết định bởi cung cầu trên thị trường, nhằm thúc đẩy quá trình đưa nhân dân tệ trở thành đồng tiền quốc tế. Mục tiêu cuối cùng là thống nhất hai thị trường để nhân dân tệ có thể trở thành đồng tiền hoàn toàn thả nổi. Ngoài Hồng Kông, Singapore, Đài Loan và London cũng tự phát triển các thị trường nhân dân tệ hải ngoại.

Điều quan trọng về thị trường hải ngoại là nhân dân tệ được biến động hoàn toàn tự do và không bị tác động bởi chính sách của chính phủ Trung Quốc như thị trường nội địa. Nhân dân tệ ở hải ngoại không chỉ giúp tạo nên vị thế của Trung Quốc trên thị trường toàn cầu mà còn cho phép Trung Quốc thử nghiệm thả nổi nhân dân tệ mà không cần “mở toang” cán cân thanh toán.

Đóng cửa giao dịch ngày 12-8, tỷ giá nhân dân tệ tại thị trường hải ngoại (CNH) so với tỷ giá nhân dân tệ tại thị trường nội địa (CNY) chênh lệch đến 2,6% – đây là khoảng cách lớn nhất kể từ khi thị trường offshore bắt đầu hoạt động cách đây 5 năm khi Ngân hàng trung ương Trung Quốc giảm giá nhân dân tệ gần 3,5% trong vòng hai ngày.

Nhưng khoảng cách giữa tỷ giá CNH và CNY đang được thu hẹp một cách nhanh chóng, theo chuyên gia Robert Savage từ Track Research, đến cuối ngày 13-8 còn 0,97% và đến 11 giờ 34 phút ngày 14-8 còn 0,67%.

Thời gian

Tỷ giá nhân dân tệ/đô la Mỹ tại thị trường nội địa (CNY)

Tỷ giá nhân dân tệ/đô la Mỹ tại thị trường hải ngoại (CNH)

Đóng cửa ngày 13-8

6,3990

6,4608

11 giờ 34 phút ngày 14-8

6,3998

6,4426

Nhà quản lý những danh mục đầu tư có thu nhập cố định tại thị trường châu Á của BlackRock, ông Suanjin Tan, cho biết: "Sự biến động của nhân dân tệ trong ngắn hạn vẫn còn cao, đặc biệt là tại các thị trường hải ngoại. Nhưng chúng tôi tin rằng thị trường sẽ sớm có một số ổn định vì Ngân hàng trung ương Trung Quốc đã tiến hành các bước xoa dịu tâm lý thị trường và cho thấy không có cơ sở để nhân dân tệ giám giá liên tục".

BlackRock cũng lưu ý khoảng cách giữa CNH và CNY dự kiến sẽ tiếp tục thu hẹp sau khi thị trường bình thường trở lại. Trước đó, quan chức Ngân hàng trung ương Trung Quốc cho biết sẽ có nhiều biện pháp hơn nữa để thu hẹp khoảng cách giữa CNH và CNY.

Đọc thêm:

>> Điều gì xảy ra với cơ chế tỷ giá của TQ?

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới