Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Thay đổi cách tính lương hưu để cân đối Quỹ BHXH

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Thay đổi cách tính lương hưu để cân đối Quỹ BHXH

ThS. Trần Đình Duy (*)

Thay đổi cách tính lương hưu để cân đối Quỹ BHXH
Thay vì tăng tuổi nghỉ hưu, có thể xem xét mở khung thời gian đóng BHXH từ 30 năm hiện nay lên thành 35 năm, thậm chí cao hơn. Ảnh minh họa, TL SGT

(TBKTSG Online) – Theo dự báo của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) đến năm 2022 Quỹ bảo hiểm xã hội (BHXH) nước ta sẽ mất cân đối thu – chi, chi lớn hơn thu và đến năm 2034 thì quỹ mất khả năng thanh toán. Đâu là nguyên nhân và giải pháp khắc phục, đảm bảo quỹ BHXH phát triển bền vững?

Trước hết, đó là việc chi nhiều thu ít: mức chi cho người hưởng lương hưu nhiều hơn những gì họ đã đóng vào (nội dung này đã được phân tích ở bài “Cân đối quỹ BHXH từ góc nhìn lương hưu” đăng trên Thời báo Kinh tế Sài Gòn số 46, phát hành ngày 13-11-2014). Số liệu cuối năm 2013 của BHXH Việt Nam cho thấy, mức chi lương hưu bình quân hàng tháng là 3,591 triệu đồng/người, trong khi mức lương bình quân đóng BHXH là 3,315 triệu đồng/người.

Việc các đơn vị, doanh nghiệp nợ quỹ BHXH quá nhiều làm cho nguồn thực thu của quỹ giảm mạnh. Số liệu nợ BHXH đến cuối tháng 8-2014 là 11.652 tỉ đồng và con số này tiếp tục tăng lên từng tháng. Bên cạnh đó nguồn sinh lợi từ đầu tư tài chính của quỹ cũng không đáng kể. Đây là những việc đã được bàn nhiều, cần được điều chỉnh mạnh mẽ và cũng đã được thể hiện trong dự thảo Luật BHXH sửa đổi.

*
Chìa khóa để cân đối quỹ BHXH trong dài hạn, theo chúng tôi, là thay đổi cách tính lương hưu.

Có ba thành phần cơ bản trong công thức tính lương hưu là số năm tham gia đóng quỹ BHXH, mức lương tham gia đóng và tỷ lệ hưởng BHXH so với tiền lương.

Hiện nay, có ý kiến tăng tuổi nghỉ hưu để tăng số năm đóng BHXH, nhưng điều này khó thực thi, ít nhất trong 10 năm đến, bởi lẽ tuổi thọ người Việt có cải thiện nhưng không nhiều, đời sống và sức lực người dân cũng chưa tăng. Nội dung này còn vượt ra ngoài quy định của bộ Luật Lao động về tuổi nghỉ hưu.

Nhưng đơn giản hơn, thay vì tăng tuổi nghỉ hưu chúng ta chỉ cần mở khung của số năm đóng BHXH hiện nay từ 30 năm lên thành 35 năm, thậm chí cao hơn, bởi người lao động thường có từ 38 đến 42 năm làm việc đối với nam và tối đa đến 37 năm làm việc đối với nữ. Trong tương lai khi đủ điều kiện nâng tuổi nghỉ hưu, chúng ta có thể tiếp tục mở khung này lên đến 40 năm.

Với lao động nữ, khung số năm đóng BHXH vẫn là 30 năm, trong 20 năm đầu tính như nam giới 2%/năm, từ năm thứ 21 đến năm thứ 30 mỗi năm tăng thêm 1%, tức 3% năm để khi nghỉ hưu đảm bảo lương hưu của nữ là 70% mức lương.

Theo phân tích ở bài trước đã dẫn, chỉ số tính lương hưu là 2% cho mỗi năm đóng BHXH tương ứng. Như vậy, khung chuẩn 35 năm đóng BHXH thì khi nghỉ hưu sẽ nhận lương hưu ở mức 70%. Đây là con số rất cao so với lương hưu thế giới (tối đa là 60%).

Về xu hướng thì số năm hưởng lương hưu đang tăng lên do tỉ lệ người cao tuổi trên 60 ở nước ta đang tăng nhanh, đã chiếm 10% dân số, cho nên chỉ số này sẽ được xem xét điều chỉnh trong tương lai, có thể điều chỉnh xuống mức 1,75% khi khung đóng BHXH là 40 năm nhằm đảm bảo lương hưu vẫn ở mức 70%.

Tỉ lệ đóng vào các quỹ BHXH, BHYT, BHTN cũng cần tăng dần theo lộ trình phát triển kinh tế đất nước, từ mức 26% hiện nay cho đến khi đạt mức 35% tiền lương, tiền công hàng tháng nhằm đảm bảo nguồn thu tăng lên, đáp ứng yêu cầu chi trả dài hơn trong tương lai khi tuổi thọ tăng.

Đối với mức tiền lương làm cơ sở để tính lương hưu, nên sử dụng mức tiền lương cao nhất hoặc tiền lương của bậc lương năm cuối cùng của người lao động trước khi nghỉ hưu. Điều này căn cứ trên dòng tiền sinh lợi được tạo ra từ nguồn tiền người lao động đóng vào quỹ BHXH trong suốt thời gian làm việc (20-40 năm). Tuy nhiên quá trình tăng lương phải phù hợp, tăng từ 5 – 10%/năm theo quy định của chính phủ với từng ngành nghề, cũng như diễn biến giá cả của từng thời kỳ. Khi xảy ra tăng giảm lương đột biến thì cơ quan BHXH sử dụng các công cụ cho phép để xác định mức lương cuối cùng phù hợp làm căn cứ tính lương hưu.

*

Như vậy, nếp áp dụng cách tính lương hưu mà chúng tôi đề xuất ở phần trên, cho dù chưa tăng tuổi nghỉ hưu vẫn đảm bảo tăng nguồn thu, giảm chi. Người nghỉ hưu trong thời gian tới tuy có giảm một ít quyền lợi, nhưng việc nhận lương hưu có thể tương đương với mức hiện nay, khi mức giảm ít, từ 75% xuống còn 70%, nhưng mức lương để tính lương hưu lại nhích lên.

Cách tính này đơn giản, tăng tính chất định lượng, đảm bảo được nguyên tắc đóng – hưởng, cũng như sự công bằng của các thành phần kinh tế trong quá trình tham gia BHXH. Cách tính này cũng loại bỏ được những bất hợp lý khi trả lương hưu tính theo cách bình quân của những năm cuối lương cao chót vót, có trường hợp lương hưu là 65 triệu đồng/tháng như báo chí đã phản ánh trong thời gian qua.

Chúng ta cũng cần quy định mức trần lương hưu để điều tiết cách trả lương hưu không hợp lý đã xảy ra.  Lương của người nghỉ hưu theo luật BHXH Việt Nam không thể cao hơn hai lần mức lương đương chức của chủ tịch nước.

Đây là giải pháp đề xuất về cách tính lương hưu và những nội dung liên quan nhằm đơn giản trong cách làm nhưng góp phần mang lại hiệu quả thiết thực trong việc cân đối, ổn định và phát triển quỹ BHXH Việt Nam.

(*) Viện Khoa học Công nghệ & Phát triển Á Châu

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới