Thứ Ba, 23/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Thay đổi góc nhìn quản lý

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Thay đổi góc nhìn quản lý

(TBKTSG) – Chuyện Cục Công nghệ thông tin thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo gửi công văn, đưa ra những khuyến nghị cặn kẽ cho các trường về việc kết nối Internet là minh chứng mới nhất về tư duy quản lý cũ, nặng về hình thức, có thể gây lãng phí và không đưa lại hiệu quả mong muốn.

Xuất phát từ góc nhìn và từ nhu cầu của nhà quản lý chứ không phải nhu cầu của người sử dụng, Cục Công nghệ thông tin lo đủ hết mọi chuyện cho các trường, từ chuyện đề nghị kết nối thông qua Viettel, “chuyển tên miền của trường về Viettel để nhận được hỗ trợ miễn phí đăng ký tên miền hàng năm”, đến chuyện “đề nghị lãnh đạo các trường đôn đốc triển khai việc lập e-mail, hoàn toàn miễn phí trên nền Google, theo tên miền của trường”.

Đương nhiên cách quản lý với góc nhìn từ lợi ích của nhà quản lý như vậy đã gặp phải sự phản đối của các trường như báo chí đã đưa tin trong tuần qua. Nhiều nhà giáo dục cho biết với kinh phí rất lớn, bộ đã từng hợp tác với VNPT để đưa Internet đến 100% trường học ở tất cả các tỉnh, thành từ năm 2003, vậy hóa ra bây giờ chuyển sang nhà cung cấp Internet khác thì các trường phải làm lại từ đầu?

Cách đặt vấn đề của Cục Công nghệ thông tin là sai ở chỗ, mục đích của cục là phục vụ việc kết nối giữa bộ và các trường hay sở chứ không phải phục vụ cho mục đích ứng dụng công nghệ thông tin vào việc dạy và học. Cho đến tận bây giờ Cục Công nghệ thông tin vẫn chỉ loay hoay với việc kết nối chứ không tập trung vào nỗ lực xây dựng một mạng thông tin giáo dục với phần xương sống là nội dung chứ không chỉ cái vỏ hay phương tiện kết nối bên ngoài.

Thay đổi góc nhìn quản lý là nhìn nhận sự việc từ nhu cầu của các trường, hay đúng hơn là để các trường tự vạch ra nhu cầu công nghệ thông tin của mình, để từ đó chính họ phải lên phương án tìm giải pháp đáp ứng các nhu cầu ấy.

Trong vai trò của mình, cục chỉ cần tạo điều kiện cho các trường tìm hiểu các giải pháp hiệu quả nhất, với chi phí thấp nhất hay nếu cục có kinh phí thì đặt ra những tiêu chí để trường nào đáp ứng thì mới rót kinh phí về cho các trường thực hiện. Chỉ với cách làm như thế, chúng ta mới tạo ra một sự cạnh tranh lành mạnh ở các nhà cung cấp, phải chủ động tìm đến khách hàng là các trường học để cung cấp dịch vụ theo đúng nhu cầu cụ thể của từng trường chứ không phải chỉ cần ký một hợp đồng trọn gói cho mọi trường trên cả nước thông qua đầu mối là cục.

Không chỉ riêng Cục Công nghệ thông tin, nhiều cơ quan nhà nước vẫn mang lối tư duy quản lý theo kiểu lo “trọn gói” cho đối tượng quản lý, làm triệt tiêu động lực tìm giải pháp tốt nhất, sát với nhu cầu của họ. Khi người chịu quản lý mất tính sáng tạo trong công việc, không thể trông chờ họ hoạt động với hiệu quả như nhà quản lý mong muốn. Và quan trọng hơn cả, cách làm như thế là mảnh đất béo bở cho các loại “vận động hành lang” không lành mạnh.

Thời báo Kinh tế Sài Gòn

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới