Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Thay đổi nương theo mùa dịch, Airbnb hồi sinh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Thay đổi nương theo mùa dịch, Airbnb hồi sinh

Lê Linh

(TBKTSG Online) – Đại dịch Covid -19 ập đến, khiến nhu cầu du lịch tê liệt, đẩy nền tảng đặt thuê phòng, nhà, căn hộ Airbnb (Mỹ) đến bên bờ vực sụp đổ. Trước tình thế sống còn, người đồng sáng lập kiêm Giám đốc điều hành Airbnb, Brian Chesky, 39 tuổi, đã triển khai hàng loạt bước đi quyết liệt, như cắt giảm chi phí tiếp thị, thu hẹp các dự án kinh doanh bên ngoài mảng kinh doanh cốt lõi, huy động thêm nguồn tài chính… và sa thải 25% nhân sự. Giờ đây, các biện pháp đó cùng với nhu cầu du lịch ‘gần nhà” đã giúp Airbnb hồi sinh và có thể tự tin đứng vững trong thời kỳ dịch bệnh.

Thay đổi nương theo mùa dịch, Airbnb hồi sinh
Nhân viên làm việc tại văn phòng trụ sở của Airbnb ở San Francisco, bang California, Mỹ. Ảnh: Reuters

Hành động thần tốc vì sự sống còn

Trong tháng 5, sau khi tìm mọi cách để duy trì Airbnb sống sót trong cuộc khủng hoảng Covid-19, Brian Chesky bắt đầu nhận thấy một số dấu hiệu phục hồi trong hoạt động kinh doanh. Người dân từ thành phố lớn đổ xô tìm kiếm những nơi lưu trú nghỉ dưỡng ở các thành phố nhỏ và thị trấn gần nhà họ vì lo lây nhiễm Covid-19 nếu phải di chuyển xa bằng máy bay. Nhiều người muốn đặt thuê toàn căn nhà. Điều này có nghĩa là Airbnb có thể hưởng lợi từ những du khách né sử dụng khách sạn và các không gian thuê trọ chung.

Chesky đã nhanh chóng thay đổi chiến lược của Airbnb. Các thành phố lớn, nơi thường thu hút nhiều du khách, từng là thế mạnh của Airbnb nhưng giờ đây, công ty khởi nghiệp này tập trung vào các địa điểm lưu trú ở địa phương.
Đến tháng 6, Airbnb thiết kế lại trang web và ứng dụng, cho phép thuật toán hiển thị những nơi lưu trú gần nhà của khách từ các căn nhà gỗ nhỏ ở các khu vực ngoại ô cho đến các biệt thự ven biển.

Đến ngày 8-7, khách đặt thuê lưu trú trên các nền tảng của Airbnb đã quay trở về mức trước đại dịch. Trong tháng 8, hơn một nửa lượng đơn đặt thuê lưu trú mà Airbnb nhận được là những nơi nằm trong phạm vi 480km kể từ nhà của khách.

Trong những tháng qua, Chesky đã có những động thái thay đổi mạnh mẽ, bao gồm giảm chi phí tiếp thị, đóng băng các dự án bên ngoài mảng kinh doanh cốt lõi và sa thải 25% nhân sự. “Tôi không ngờ rằng tôi đã ra các quyết định, thường cần 10 năm để thực hiện, chỉ trong 10 tuần”, Chesky nói.

Sự thay đổi đó giúp Airbnb hướng đến kế hoạch chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) và ghi nhận lợi nhuận trong quí 3 năm nay, điều tưởng chừng như bất khả thi trong vài tháng trước đây.
Airbnb dự định tiến hành IPO vào tháng 11 hoặc tháng 12 với mức định giá từ 30 tỉ đô la Mỹ trở lên, gấp đôi mức định giá của công ty này cách đây sáu tháng.

Dù tương lai du lịch vẫn còn bất ổn, một số người chỉ trích Chesky và các nhà quan sát cho biết anh đã thuyết phục được họ bằng những bước đi quyết định và tư duy nhanh nhạy.
“Điều gây ấn tượng cho tôi là anh ấy đã hành động thật nhanh chóng”, Michael Seibel , Giám đốc điều hành Y Combinator, công ty đã cố vấn và nuôi dưỡng các công ty khởi nghiệp như Dropbox, DoorDash và Airbnb khi họ mới thành lập.
Đại dịch Covid-19 đã làm thay đổi nhu cầu đi lại với nhiều doanh nghiệp chuyển sang sự kết hợp với mô hình làm việc từ xa và tại văn phòng. Trong khi một số người chuyển đến làm việc ở các vùng ngoại ô, một số người khác sẽ di chuyển khắp toàn cầu. Hành động nhanh chóng để theo kịp những thay đổi về nhu cầu đi lại là bài học số một rút ra từ đại dịch Covid-19

Quay trở lại gốc rễ

Trước đại dịch, nhiều nhà đầu tư lo ngại Chesky chi tiêu quá nhiều để mở rộng kinh doanh sang các lĩnh vực khác như show truyền hình và dịch vụ vận chuyển. Năm ngoái, mức lỗ ròng của Airbnb lớn hơn mức lỗ của hai năm trước đó gộp lại.

Đại dịch Covid-19 khiến Airbnb phải quay trở về ‘gốc rễ’ của công ty này khi mới thành lập cách đây hơn 10 năm trong một căn hộ ở TP. San Francisco. Chesky cho biết đại dịch buộc anh phải tái tập trung vào thị trường cho thuê nhà ở và thu hẹp các nỗ lực để trở thành ‘người khổng lồ’ về du lịch.

Các nghi ngờ xung quanh việc liệu tăng trưởng doanh thu và lưoợng đơn đặt lưu trú của Airbnb có bền vững không hay liệu có phải Airbnb đang được hưởng lợi khi ngành du lịch toàn cầu bị Covid-19 vùi dập?

Nhưng tình hình kinh doanh của Airbnb giờ đây là một câu chuyện khác hẳn với hồi tháng 3. Lúc đó, lượng đơn đặt lưu trú trên nền tảng Airbnb lao dốc ở châu Âu, giảm 80% trong tuần đầu tiên của tháng 3 so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, các lệnh phong tỏa được triển khai trên khắp nước Mỹ.

Chesky nói: “Các số liệu ảm đạm đổ về hộp thư của tôi giống như quả bom. Tôi chưa bao giờ chứng kiến những con số như thế này trước đây”.

Khi lượng đơn thuê lưu trú sụt giảm nhanh, Airbnb buộc phải tiêu nguồn tiền dự trữ và cần nguồn vốn mới khẩn cấp.
“Cuộc khủng hoảng này lớn hơn tác động của sự kiện 11-9 và khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008 gộp lại. Đây là thời khắc lịch sử để chứng minh vai trò nhà lãnh đạo doanh nghiệp”, cựu Giám đốc điều hành hãng thẻ tín dụng American Express, Kenneth Chenault, thành viên hội đồng quản trị Airbnb, nói khi ám chỉ đến Chesky.

Vào tối 26-3, trong cuộc họp video với hàng nhân viên, Chesky cảnh báo rằng sẽ có đợt sa thải. Đến đầu tháng 4, hai công ty đầu tư vốn cổ phần tư nhân Silver Lake và Sixth Street Partners đồng ý đầu tư 1 tỉ đô la Mỹ vào Airbnb dưới hình thức cho vay kỳ hạn 5 năm với mức lãi suất lên đến 11% đồng thời được quyền mua tối đa 1,25 % cổ phần của Airbnb với mức định giá 18 tỉ đô la Mỹ. Sau đó, một nhóm nhà đầu tư khác cũng cho Airbnb vay thêm 1 tỉ đô la nữa.

Phần lớn ngành khách sạn đặt cược rằng nhu cầu đi công tác sẽ phục hồi nhanh hơn nhu cầu đi du lịch nghỉ ngơi như đã từng diễn ra sau sự kiện tấn công khủng bố 11-9. Nếu như vậy, các đối thủ đặt phòng của Airbnb như Booking Holdings và Expedia Group, có thể được hưởng lợi. Tuy nhiên, Chesky đặt cược vào chiều hướng ngược lại với một lý do đơn giản: “Sự kiện 11-9 xảy ra trước khi nền tảng Zoom xuất hiện”.

Không giống như các khách sạn, Airbnb không sở hữu bất kỳ bất động sản lưu trú nào, nhờ đó, chi phí vận hành của công ty này khá thấp. Airbnb không cần tỷ lệ lấp đầy phòng tối thiểu để duy trì hoạt động kinh doanh.

Chesky và hai người đồng sáng lập tuyên bố không nhận lương cho đến khi Airbnb vượt qua khủng hoảng.  Airbnb cũng cắt giảm 50% mức lương của ban lãnh đạo đồng thời giảm chi phí tiếp thị gần 1 tỉ đô la. Chesky cho biết anh đã phải rà soát hàng trăm khoản chi phí để xem có cắt giảm thêm được khoản nào nữa không. Trong nhiều tháng qua, anh phải làm việc 16 tiếng mỗi ngày và dành phần lớn thời gian dán mắt vào chiếc máy tính iMac của anh.

Một người bạn của Chesky nói: “Có những lúc anh ấy chán nản tột độ và nghĩ rằng giấc mơ của mình đã trôi tuột”.
Ngày 5-5, Chesky cố kìm những giọt nước mắt khi thông báo qua cuộc họp video về kế hoạch sa thải 1.900 nhân viên. Chesky cũng thu hẹp các tham vọng niêm yết cho thuê phòng ở các khách sạn truyền thống và các bất động sản cao cấp đồng thời dừng mở rộng vào các lĩnh vực kinh doanh mới như truyền thông giải trí và vận chuyển.

Đại dịch Covid-19 đã làm đảo lộn các nỗ lực này. Năm ngoái, để thúc đẩy tăng trưởng doanh thu, Airbnb đã mua lại nền tảng đặt phòng khách sạn Hotel Tonight và tích hợp vào mảng kinh doanh cho thuê lưu trú.

Vận may đến

Thế rồi, trong mùa hè này, vận may đã đến với Chesky. Các gia đình, sinh viên, các nhóm bạn bè chuyển sang thuê nhà ở trên nền tảng của Airbnb để sống cách ly với những cộng đồng đông đúc. Và khi các thành phố trên khắp thế giới nới lỏng hạn chế đi lại, người dân ở các thành phố lớn đổ xô đi nghỉ dưỡng ở các thị trấn và thành phố nhỏ lân cận, nơi các chuỗi khách sạn lớn không có sự hiện diện.

Dù đã phục hồi so với thời điểm tháng 4, lượng đơn thuê lưu trú trên toàn cầu và ở Mỹ vẫn đang giảm so với cùng kỳ năm ngoài. Dữ liệu từ Edison Trends, dựa trên kết quả phân tích hơn 400.000 hóa đơn điện tử, cho thấy trong giai đoạn từ tháng 6 đến cuối tháng 8, người Mỹ đang chi tiêu nhiều hơn ở nền tảng Airbnb so với chi tiêu đặt phòng của họ ở các tập đoàn chuỗi khách sạn như Marriott International, InterContinental Hotels Group hay Hilton Worldwide Holdings.

Airbnb lỗ 397 triệu đô la trong quí 2 nhưng nhờ doanh thu phục hồi và cắt giảm chi phí, công ty này dự kiến có lãi trong quí 3. Doanh thu trong quí 2 của Airbnb chỉ tương đương 28% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng doanh thu trong quí 3 của công ty này ước tính phục hồi về mức tương đương 74% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong những tháng gần đây, Airbnb bắt đầu tuyển dụng lại một số nhân viên bị sa thải. Trong cuộc họp trực tuyến toàn thể công ty hôm 8-10, Chesky thông báo Airbnb phục hồi chương trình thưởng cho nhân viên.

Theo Wall Street Journal

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới