Thứ Ba, 23/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Thay đổi tư duy về biển

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Thay đổi tư duy về biển

Thành Trung thực hiện

PGS.TS. Nguyễn Chu Hồi

(TBKTSG Online) – Đầu tháng 6 tới, lần đầu tiên Việt Nam tổ chức Tuần lễ Biển đảo quốc gia. Theo PGS.TS. NGUYỄN CHU HỒI, Phó tổng cục trưởng, Tổng cục Biển và Hải đảo (Bộ Tài nguyên – Môi trường), cần xác lập tư duy phát triển biển đảo theo không gian mở, vươn ra đại dương, song song với các chính sách quản lý theo không gian một cách bền vững.

TBKTSG: Thưa ông, cho đến nay có phải chúng ta nhận thức chưa đúng, chưa đủ về tầm quan trọng sống còn của biển đảo, mà những bất cập do quản lý theo ngành là một bằng chứng?

– PGS.TS. NGUYỄN CHU HỒI: Chúng ta đã có thời gian rất dài quản lý biển đảo theo ngành và theo nhiệm vụ khai thác, đặc biệt là quản lý biển đảo được giao theo trục kinh tế, tức là ngành nào khai thác thì tham gia quản lý. Nói nôm na là giao cả việc đá bóng lẫn thổi còi cho các đơn vị khác nhau. Cách quản lý theo ngành như vậy đã bộc lộ một số điểm yếu cơ bản.

TBKTSG: Cụ thể là gì, thưa ông?

– Thứ nhất, cách quản lý này chỉ coi trọng lợi ích cục bộ của từng ngành, ít quan tâm đến mục tiêu bảo vệ môi trường và sử dụng bền vững tài nguyên biển trong khu vực mình khai thác. Rất may, Nhà nước đã nhận ra vấn đề và trong chiến lược biển đã yêu cầu biển phải được quản lý tổng hợp và thống nhất. Nhiệm vụ ấy, giờ đây, được cụ thể hóa bằng chức năng quản lý tổng hợp và thống nhất về mặt nhà nước đối với biển và hải đảo của Tổng cục Biển và Hải đảo.

TBKTSG: Còn thế giới từ lâu đã quản lý biển như một không gian thống nhất?

– Việt Nam vẫn giao chỉ tiêu khai thác biển theo ngành. Trong khi quản lý biển theo không gian, như thế giới đang làm, giúp khai thác tối đa nguồn lực có lợi cho các bên, giảm thiểu mâu thuẫn quyền lợi giữa các bên.

TBKTSG: Và nó cũng giúp giải quyết những khó khăn liên quan đến quy hoạch phát triển tổng thể một vùng biển, ví dụ vịnh Vân Phong?

– Đúng. Chúng ta lúng túng do tiếp cận theo ngành. Lúc thì ta tuyên bố đây là khu vực có tiềm năng du lịch biển tầm cỡ thế giới, lúc nói rằng đây là cảng biển trung chuyển nước sâu tiêu chuẩn quốc tế, hay khu vực bảo tồn sinh thái biển vì có nghề cá phát triển.

Nhưng, nếu nhìn Vân Phong theo cách tiếp cận là xây dựng cho nó một khuôn khổ phát triển toàn diện, tiếp cận theo không gian và quy hoạch không gian phát triển biển đảo thì ta sẽ nhìn thấy rất rõ lợi thế so sánh cho các ngành kinh tế tại khu vực này. Từ đó sẽ đề ra một lộ trình ưu tiên dài hạn 10-20 năm cho những ngành kinh tế khác nhau, xuất phát từ lợi thế và tiềm năng của hệ thống không gian vịnh Vân Phong.

TBKTSG: Cách tiếp cận này cũng tránh được các sai lầm mang tính chiến lược?

– Đúng. Nó giúp tránh được các sai lầm mà chỉ thực hiện trong hai năm đã thấy rõ, như chuyện ô nhiễm môi trường biển, nhập khẩu chất gây ô nhiễm một cách “hợp pháp” hay phát triển công nghiệp ở vịnh Vân Phong. Chúng ta đang làm mà không nhận thấy điều đó và không đặt vấn đề của Vân Phong trong bối cảnh Việt Nam đang thực hiện cam kết quốc tế về phát triển bền vững biển đã ký với 11 nước Đông Á.

Việt Nam cũng không đặt Vân Phong trong bối cảnh ngành công nghiệp biển quốc tế đang đến giai đoạn nào, nên vô hình trung có những ngành công nghiệp ở nước phát triển đã chuyển sang giai đoạn phát triển mới là công nghiệp xanh, công nghiệp sạch rồi. Còn phần không xanh, không sạch họ “hợp pháp hóa” thông qua các hoạt động kinh tế để xuất khẩu ô nhiễm môi trường sang các nước đang phát triển.

TBKTSG: Trên thực tế, ở nhiều dự án, lợi ích nhà đầu tư đi ngược lại với việc bảo vệ môi trường và lợi ích của người dân địa phương. Công cụ nào đủ mạnh để bảo vệ quyền lợi biển quốc gia?

– Muốn thế, các công cụ đòi hỏi phải có tính tổng hợp và liên ngành. Trước mắt, chúng tôi sẽ xây dựng các cam kết và cơ chế mang tính điều phối liên ngành giữa trung ương – địa phương ở từng khu vực và giữa các địa phương với nhau. Đây là một công cụ tốt.

Tháng 3-2007, đã có thí điểm khi Quảng Ninh và Hải Phòng ký cam kết thỏa thuận phối hợp quản lý tổng hợp vùng duyên hải Quảng Ninh – Hải Phòng. Mỗi tỉnh đưa ra quy chế hoạt động, các thiết chế tổ chức dưới dạng một ban điều phối liên tỉnh để giải quyết các vấn đề chung và trong mỗi tỉnh xây dựng một cơ chế liên ngành và mỗi ngành thì có cam kết theo ngành dọc, cấp Trung ương thì có sự phối hợp với chúng tôi. Ngoài ra, chúng tôi xây dựng các quy chế hoạt động liên quan tới quy trình ra quyết định.

TBKTSG: Tức là mô hình mới sẽ thay đổi quy trình ra quyết định tích cực hơn?

– Quy chế này thực chất là quy trình ra quyết định theo hướng liên ngành và liên kết cho các vấn đề trên một vùng lãnh thổ, vì vấn đề thuộc ngành thì mỗi ngành đã làm rồi, còn vấn đề thuộc ngành nhưng đụng đến quyền lợi ngành khác thì phải có quy trình. Nó chỉ rõ ai được quyền quyết, khi nào, được quyền làm đến đâu, quy trình ra quyết định như thế nào, ai chịu trách nhiệm.

Ở tất cả các lĩnh vực khác, quy trình này cũng có giá trị như một cơ sở pháp lý, nếu được thực thi sẽ phân định được quyền lợi và trách nhiệm của cá nhân và giải quyết các vấn đề nan giải hiện nay.

TBKTSG: Thế còn các nhiệm vụ và chức năng của Tổng cục là gì?

– Phát triển phải đa ngành. Khai thác biển phải đa mục tiêu để tối ưu hóa một đơn vị biển về mặt kinh tế, xã hội, môi trường. Và bảo đảm được tính đa lợi ích của các ngành, các bên liên quan, của cộng đồng và người dân địa phương trong khai thác và sử dụng biển đảo, sao cho hài hòa được các lợi ích khác nhau đó.

Cần giảm thiểu các mâu thuẫn về lợi ích trong quá trình phát triển và sử dụng biển đảo giữa các ngành, các bên liên quan cũng như giữa trung ương và địa phương, giữa Nhà nước và người dân. Tôi cho rằng, đặt ra vấn đề này cũng nóng bỏng và không kém phần phức tạp so với vấn đề quản lý đất đai trên đất liền.

TBKTSG: Ý ông là cần có những thiết chế quản lý hữu hiệu và mạnh mẽ?

– Một trong những việc cần phải làm sớm, đi trước một bước, là sớm hoàn thành quy hoạch sử dụng biển đảo ở quy mô tổng thể trên cả nước cũng như ở các vùng biển cụ thể và vùng biển trọng điểm về mặt kinh tế và an ninh quốc phòng. Thực hiện quy hoạch này giúp phân bổ lại nguồn lực theo cách tiếp cận quản lý không gian và bám sát mục tiêu phát triển bền vững để giúp các ngành căn cứ vào đó cụ thể hóa quy hoạch của từng ngành.

TBKTSG: Thưa ông, bao giờ bản quy hoạch này ra đời và trọng tâm của nó là gì?

– Về nguyên tắc, quy hoạch thường bám sát các kế hoạch trung và dài hạn (5-10 năm) phát triển kinh tế xã hội. Theo chỉ đạo của bộ, Tổng cục phải thực hiện kịp thời để phục vụ cho giai đoạn 2011-2020 và tầm nhìn đến 2030. Nghĩa là, quy hoạch phải trình lên Thủ tướng phê duyệt vào cuối năm 2010 và muộn nhất là trong sáu tháng đầu năm 2011. Khi đó quy hoạch mới có ý nghĩa hỗ trợ cho các ngành điều chỉnh quy hoạch ngành và phân bổ nguồn lực để làm quy hoạch (ngành) giai đoạn 2011-2020.

TBKTSG: Hiện nay hiệu quả kinh tế chung trên một đơn vị biển của nước ta chỉ bằng 1/20 của Trung Quốc, 1/94 của Nhật Bản, vì sao thưa ông?

– Do trình độ khai thác biển của ta còn rất lạc hậu, mô hình tổ chức ra biển chưa định hình rõ và những gì ta đang có về mặt tổ chức khai thác các ngành trên biển, trừ dầu khí, ngay cả đội tàu hàng hải, cũng chưa phải là mô hình tiên tiến. Có thể chỉ ra: đầu tư biển rất dàn trải ở quy mô nhỏ lẻ, trọng số lượng hơn chất lượng. Nếu cứ giữ cách nhìn, cách suy nghĩ manh mún thì không thể có một Việt Nam – cường quốc biển.

TBKTSG: Trong tâm tưởng, người Việt luôn tự hào về “rừng vàng biển bạc”, thế nhưng nơi nào giàu tài nguyên, người dân nơi đó lại nghèo. Ông lý giải điều này thế nào?

– Đúng là chúng ta rất thích câu “Rừng vàng biển bạc”, nhưng trên rừng, những nơi có nhiều tài nguyên thì người dân lại nghèo, ở “biển bạc”, dân cũng nghèo khổ. Có thể lý giải thế này chăng, một phần, như tôi nói ở trên, do thói quen nhỏ lẻ, manh mún trong làm ăn, tâm lý ngại không dám tiến ra đại dương, chỉ thích quanh quẩn gần bờ của người Việt. Phần khác, các ngành kinh tế (nói chung) ở các nước khác có tỷ lệ dịch vụ rất cao, còn dịch vụ từ biển của nước ta hiện chỉ chiếm khoảng 1-4% so với các ngành kinh tế khai thác trực tiếp.

Theo tôi, nên đẩy mạnh phần đóng góp từ các ngành dịch vụ biển thì kinh tế biển mới mang tính bền vững và hiệu quả mới lâu dài. Để đạt được điều ấy, phải thay đổi tư duy khai thác tài nguyên, khuyến khích các ngành nghề mới gắn với biển, đồng thời làm cơ sở chuyển đổi và tạo sinh kế cho người dân biển để họ gắn bó và trở thành chủ thể của việc phát triển biển bền vững. Nếu không, chính họ sẽ phá hủy nguồn tài nguyên biển, vì cuộc sống khó khăn, dân trí thấp họ có thể thế chấp cả tương lai mà ở nhiều vùng đã xảy ra rồi.

TBKTSG: Và nên ứng xử với người dân như một chủ thể của biển, chia sẻ bình đẳng quyền và lợi ích với họ trong khai thác biển?

– Chúng ta phải tạo ra môi trường pháp lý để người dân thực sự được trao “quyền” và “lợi”. Khi giao cho dân “quyền”, họ sẽ bảo vệ được “lợi” (ích) và khi có lợi ích họ sẽ củng cố được quyền của mình. Phải trao quyền cho người dân thì họ mới trở thành chủ thể.

Một vùng biển, một cái vịnh cũng giống như một nồi cơm Thạch Sanh, tức là có nhiều người cùng ăn cơm chứ không chỉ một người. Vấn đề là, làm thế nào để nồi cơm chung đó không cạn, đó là trách nhiệm của những người cùng ngồi ăn nồi cơm đó. Theo tôi, Nhà nước cần đồng quản lý biển và hải đảo dựa vào dân, nghĩa là Nhà nước và nhân dân cùng làm, cùng chia sẻ quyền lợi.

Chính phủ quy định tuần đầu tháng 6 hàng năm sẽ tổ chức Tuần lễ Biển đảo Việt Nam để hưởng ứng Ngày Đại dương thế giới 8-6 và Ngày Môi trường thế giới 5-6. Tuần lễ này phục vụ cho việc bảo vệ chủ quyền an ninh biển đảo, tuyên truyền về ý nghĩa của việc quản lý, bảo vệ biển đảo, cũng như Chiến lược Quốc gia về Biển đảo đến năm 2020.

Tổng cục Biển và Hải đảo ra đời tháng 3-2008 theo Quyết định 25 về quy định chức năng, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài nguyên – Môi trường. Ngày 28-8-2008, Tổng cục chính thức được Thủ tướng Chính phủ quyết định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức.

Đây là cơ quan đầu tiên ở nước ta được Chính phủ giao quản lý tổng hợp và thống nhất về mặt nhà nước đối với biển và hải đảo. Các thách thức đang đặt ra trong quản lý, khai thác biển và hải đảo rất lớn, khi hiệu quả kinh tế chung trên một đơn vị biển của Việt Nam hiện chỉ bằng 1/7 của Hàn Quốc, 1/20 của Trung Quốc hay 1/94 của Nhật Bản.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới