(KTSG) - Trong bối cảnh các ngân hàng những năm gần đây đã và đang dần thoái vốn khỏi các doanh nghiệp ngoài ngành, hạn chế đầu tư cổ phiếu… theo định hướng của cơ quan quản lý, đề xuất góp vốn của LPBank vào FPT là khá bất ngờ.
- Lãi suất tăng trở lại và sự phân hóa trong huy động vốn của các ngân hàng
- Chờ kết quả kinh doanh của các ông lớn ngân hàng
Tăng đầu tư?
Thông tin Ngân hàng Thương mại cổ phần Lộc Phát Việt Nam (LPBank) có kế hoạch đầu tư góp vốn vào Công ty cổ phần FPT (HOSE: FPT) mới đây đã gây sự chú ý trên thị trường tài chính Việt Nam. Cụ thể, Hội đồng quản trị LPBank đã đề xuất kế hoạch mua tối đa 5% vốn điều lệ của FPT, tương đương 73 triệu cổ phiếu. Thời gian thực hiện dự kiến trong năm 2024 và 2025 và/hoặc thời điểm phù hợp sau khi có sự chấp thuận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, quy định của pháp luật và tình hình thực tế.
Đây cũng là nội dung bổ sung trình đại hội đồng cổ đông bất thường của LPBank, mà ban đầu dự kiến tổ chức vào ngày 22-9-2024 nhưng mới đây đã được dời lại đến ngày 15-11-2024. Theo điều 67 của Luật các tổ chức tín dụng năm 2024 và điều 27 của Điều lệ LPBank, đại hội đồng cổ đông có quyền quyết định phương án góp vốn, mua cổ phần tại doanh nghiệp mà giá trị góp vốn, giá mua dự kiến có giá trị từ 20% vốn điều lệ trở lên của tổ chức tín dụng ghi trong báo cáo tài chính đã được kiểm toán gần nhất.
Trong khi đó, nếu chiếu theo mức giá cổ phiếu FPT đóng cửa ngày 23-9-2024 là 134.000 đồng/cổ phiếu, LPBank dự chi gần 9.800 tỉ đồng. Con số này tương đương 38% vốn điều lệ của LPBank là 25.576 tỉ đồng tính đến ngày 30-6-2024. Đáng lưu ý, giá cổ phiếu FPT cũng đang vận động gần với ngưỡng cao nhất mọi thời đại ở vùng 140.000 đồng/cổ phiếu đạt được vào đầu tháng 7 vừa qua. Tuy nhiên, chi phí bỏ ra sẽ còn phụ thuộc vào diễn biến giá cổ phiếu của FPT tại thời điểm góp vốn, hoặc có thể thông qua hình thức mua thỏa thuận hay mua mới từ các đợt phát hành riêng lẻ của doanh nghiệp mà mức giá có thể ưu đãi hơn.
Nguồn vốn nhàn rỗi hiện có của LPBank không phải quá dồi dào, để có thể rót vốn đầu tư vào FPT trong thời gian tới, LPBank cần tăng thêm vốn điều lệ, nhất là khi theo khoản 1 điều 111 Luật các tổ chức tín dụng 2024 thì NHTM chỉ được dùng vốn điều lệ và quỹ dự trữ để góp vốn, mua cổ phần.
Theo LPBank, việc đầu tư vào cổ phiếu niêm yết sẽ giúp ngân hàng đa dạng kênh đầu tư và tối ưu vốn góp của cổ đông; trong đó, Hội đồng quản trị LPBank nhận thấy cổ phiếu của FPT “có tiềm năng mang lại tỷ suất sinh lời hấp dẫn và góp phần đa dạng hóa danh mục tài sản”, dựa trên các cơ sở: (i) đây là công ty công nghệ hàng đầu tại Việt Nam; (ii) FPT đang dịch chuyển cao hơn trên chuỗi giá trị công nghệ nhờ tập trung vào AI, Big Data, Cloud…; (iii) cổ phiếu FPT tăng giá ổn định và chi trả cổ tức đều đặn; (iv) cổ phiếu thanh khoản tốt, thuộc chỉ số VN30, có sức hút lớn với các nhà đầu tư nước ngoài trong trung và dài hạn.
Khoản 1, điều 137 của Luật các tổ chức tín dụng 2024 về giới hạn góp vốn mua cổ phần quy định mức góp vốn, mua cổ phần của một ngân hàng thương mại (NHTM) và công ty con, công ty liên kết của NHTM đó vào một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực quy định tại khoản 4, điều 111 của luật này không được vượt quá 11% vốn điều lệ của doanh nghiệp nhận vốn góp.
Kế hoạch mua 5% vốn FPT nói trên của LPBank là đảm bảo theo quy định, tuy nhiên trong bối cảnh các ngân hàng những năm gần đây đã và đang dần thoái vốn khỏi các doanh nghiệp ngoài ngành, hạn chế đầu tư cổ phiếu theo định hướng của cơ quan quản lý, đề xuất góp vốn của LPBank vào FPT là khá bất ngờ.
Ngoài ra, khoản 4, điều 111 Luật các tổ chức tín dụng 2024 về góp vốn, mua cổ phần của NHTM quy định NHTM được góp vốn, mua cổ phần của doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực sau đây: (a) Bảo hiểm, chứng khoán, kiều hối, vàng, bao thanh toán, phát hành thẻ tín dụng, tín dụng tiêu dùng, dịch vụ trung gian thanh toán, thông tin tín dụng; (b) Lĩnh vực khác không quy định tại điểm a khoản này sau khi được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận bằng văn bản. Điều này đồng nghĩa với việc nếu đại hội đồng cổ đông của LPBank có nghị quyết thông qua kế hoạch đầu tư trên, ngân hàng này sau đó vẫn phải cần sự phê duyệt của Ngân hàng Nhà nước.
Có đang thừa vốn?
Nhìn vào đề xuất trên của ban lãnh đạo LPBank, dễ nghĩ rằng ngân hàng này đang thừa vốn nên muốn tăng đầu tư để tối ưu hóa hiệu quả sử dụng vốn. Tuy nhiên, thực tế tín dụng của LPBank tăng rất mạnh trong sáu tháng đầu năm nay, với dư nợ cho vay đến ngày 30-6-2024 là 317.395 tỉ đồng, tăng 15,2% so với đầu năm. Danh mục chứng khoán đầu tư của LPBank (gồm trái phiếu chính phủ và trái phiếu tổ chức tín dụng khác) là 51.288 tỉ đồng, tăng 9,5% trong cùng khoảng thời gian. Như vậy, tính riêng dư nợ cho vay và đầu tư trái phiếu của ngân hàng này đã lên tới 368.682 tỉ đồng, chiếm hơn 83% tổng tài sản.
Trong khi đó, tiền gửi khách hàng của LPBank tuy tăng đến 21,4% trong sáu tháng đầu năm nay, nhưng đến hết quí 2-2024 cũng chỉ ở mức 288.097 tỉ đồng, thấp hơn so với quy mô dư nợ. Tính thêm lượng giấy tờ có giá gần 48.845 tỉ đồng, tổng huy động vốn từ thị trường 1 của LPBank cũng chỉ đạt gần 336.943 tỉ đồng, thấp hơn 31.919 tỉ đồng so với dư nợ và giá trị đầu tư trái phiếu.
Lượng tiền gửi và cho vay trên thị trường liên ngân hàng của LPBank đến ngày 30-6-2024 là 56.075 tỉ đồng, xấp xỉ với lượng tiền gửi đang nhận và vay các tổ chức tín dụng khác là 55.667 tỉ đồng, cho thấy nguồn vốn và sử dụng vốn trên thị trường 2 của ngân hàng này đang cân bằng.
Vì vậy, phần thiếu hụt giữa nguồn vốn huy động từ thị trường 1 với dư nợ cho vay và đầu tư trái phiếu chủ yếu được bù đắp bởi nguồn vốn chủ sở hữu hiện có, gồm (i) vốn điều lệ 25.576 tỉ đồng, (ii) các quỹ dự trữ 3.696 tỉ đồng và (iii) lợi nhuận chưa phân phối hơn 9.065 tỉ đồng.
Do đó, có thể nói rằng nguồn vốn nhàn rỗi của LPBank hiện nay không phải là quá lớn. Nhưng cũng cần lưu ý là giá trị góp vốn đầu tư dài hạn của LPBank đến ngày 30-6-2024 cũng chỉ ở mức gần 549 tỉ đồng, vì vậy dễ hiểu vì sao ngân hàng này muốn mở rộng danh mục đầu tư góp vốn. Tuy nhiên, với đề xuất đầu tư giá trị có thể lên đến 9.800 tỉ đồng vào một doanh nghiệp đang niêm yết, nếu thành công thì đây là con số rất lớn, vì ngân hàng có giá trị góp vốn đầu tư lớn nhất hiện nay là VietinBank cũng chỉ ở mức gần 3.744 tỉ đồng.
Quay trở lại với câu chuyện nguồn vốn nhàn rỗi hiện có của LPBank không phải quá dồi dào, để có thể rót vốn đầu tư vào FPT trong thời gian tới, LPBank cần tăng thêm vốn điều lệ, nhất là khi theo khoản 1 điều 111 Luật các tổ chức tín dụng 2024 thì NHTM chỉ được dùng vốn điều lệ và quỹ dự trữ để góp vốn, mua cổ phần.
Tại đại hội đồng cổ đông thường niên 2024 của LPBank đầu năm nay, cổ đông đã duyệt phương án tăng vốn điều lệ từ 25.576 tỉ đồng lên 33.576 tỉ đồng thông qua việc phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu. Tuy nhiên, căn cứ tình hình thị trường và định hướng phát triển của LPBank, mới đây Hội đồng quản trị LPBank đã có tờ trình điều chỉnh phương án tăng vốn thông qua việc chia cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 16,8%, vốn điều lệ sau khi tăng sẽ chỉ là 29.873 tỉ đồng, tức tăng thêm 4.297 tỉ đồng, tương đương gần 44% giá trị dự kiến rót vốn đầu tư vào FPT.
Với đề xuất đầu tư mạnh dạn nói trên, không loại trừ khả năng LPBank nhắm đến mục tiêu sau này tăng cường hợp tác lớn hơn với FPT như là đối tác chiến lược, để tận dụng cơ hội ứng dụng công nghệ thông tin và số hóa hoạt động vào LPBank giai đoạn kế tiếp. Gần đây nhất, ngân hàng này đã chuyển đổi hệ thống công nghệ lõi CoreBanking T24 chỉ sau bảy tháng triển khai.
Tốt