Thứ Ba, 17/09/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Thấy gì từ danh sách các doanh nghiệp tư nhân lớn của Việt Nam?

Khánh Nguyên

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) – Cấu thành của danh sách 100 doanh nghiệp tư nhân nộp ngân sách lớn nhất Việt Nam, theo một bảng xếp hạng mới công bố, không gây bất ngờ. Có thể thấy, chiếm ưu thế vẫn là doanh nghiệp trong ngành ngân hàng, bất động sản (kể cả những doanh nghiệp đa ngành có mảng bất động sản), tiêu dùng – bán lẻ… Lĩnh vực công nghệ ghi nhận sự hiện diện hiếm hoi của hai doanh nghiệp.

Hai doanh nghiệp đứng đầu trong danh sách đã nộp ngân sách chiếm tới trên 30% tổng nộp ngân sách của tốp 100. Trong ảnh: Dây chuyền sản xuất ô tô của Trường Hải. Ảnh: thacogroup.vn

Bảng xếp hạng 100 doanh nghiệp tư nhân nộp ngân sách nhà nước lớn nhất PRIVATE-100 một lần nữa cho thấy sự phân cực rất rõ trong bức tranh doanh nghiệp tư nhân Việt Nam. 100 “ông lớn” này có tổng nộp ngân sách trong năm 2023 đạt gần 173.000 tỉ đồng. So sánh với tổng mức nộp ngân sách nhà nước khoảng 577.000 tỉ đồng trong năm 2023 của khu vực kinh tế tư nhân, 100 doanh nghiệp này đã chiếm tới gần 30%. Xét trong tốp 10, riêng hai doanh nghiệp dẫn đầu PRIVATE-100 đã đóng góp hơn 8% tổng thu ngân sách của khu vực tư nhân, con số tương ứng của tốp 10 là khoảng 17,5%.

Trên thực tế, sự vượt trội của nhóm các doanh nghiệp tư nhân lớn không phải là một hiện tượng mới mẻ. Báo cáo 2023: 500 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam (VPE-500) do Viện Chiến lược phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố vào tháng 9-2023 cho thấy, trung bình giai đoạn 2019-2021, quy mô lao động của một doanh nghiệp thuộc VPE-500 cao gấp 160 lần và tổng tài sản bình quân của chủ thể này cao gấp khoảng 376 lần doanh nghiệp tư nhân trong nước nói chung.

Bình quân giai đoạn 2019-2021, VPE-500 chỉ chiếm 0,075% tổng số doanh nghiệp tư nhân trong nước nhưng tạo việc làm cho 12% lao động, chiếm 28% tổng tài sản và đóng góp 18,4% tổng số nộp ngân sách của nhóm doanh nghiệp tư nhân trong nước.

Có lẽ, sự mất cân đối trong nhóm doanh nghiệp tư nhân lớn và giữa nhóm doanh nghiệp lớn với doanh nghiệp nhỏ và vừa là điều đáng quan tâm.

Có lẽ, sự mất cân đối trong nhóm doanh nghiệp tư nhân lớn và giữa nhóm doanh nghiệp lớn với doanh nghiệp nhỏ và vừa là điều đáng quan tâm hơn. Bảng xếp hàng PRIVATE-100 cho thấy, hai doanh nghiệp đứng đầu trong danh sách đã nộp ngân sách chiếm tới trên 30% tổng nộp ngân sách của tốp 100. Nếu tính số nộp ngân sách của tốp 10 (hơn 101.000 tỉ đồng), tỷ lệ đó sẽ lên tới khoảng 58,4%.

Thực trạng quy mô càng lớn càng dễ tồn tại được thể hiện trong khu vực doanh nghiệp nói chung.

Sách trắng Doanh nghiệp Việt Nam cho thấy, tỷ lệ doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa có lãi trong năm 2021 lần lượt là 28,6%; 61,8% và 72,1%, đều thấp hơn trung bình giai đoạn 2016-2020 (theo thứ tự là 32,7%; 64,1% và 74,7%). Trong khi đó, tỷ lệ doanh nghiệp có lãi trong năm 2021 thuộc nhóm doanh nghiệp lớn là cao nhất (75,2%) dù vẫn thấp hơn trung bình giai đoạn 2016-2020 (77,3%).

Còn theo báo cáo VPE-500 năm 2023, ngoài tác động lan tỏa về đầu tư tới các doanh nghiệp tư nhân trong nước cao hơn khối doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI) và doanh nghiệp nhà nước, có bằng chứng về hiệu ứng “chèn lấn thị trường” của VPE-500 với doanh nghiệp tư nhân trong nước. Doanh thu của VPE-500 tăng 1% sẽ làm giảm doanh thu của doanh nghiệp tư nhân 0,11% trong năm tiếp theo và tác động cạnh tranh này chủ yếu từ doanh nghiệp VPE-500 cùng ngành và hạ nguồn. VPE-500 có tác động tiêu cực về năng suất tới các khách hàng là doanh nghiệp tư nhân khác, mặc dù mức tác động thấp (chỉ khoảng -0,048% và tăng lên -0,054% vào năm tiếp theo).

Vì vậy, các chuyên gia của Viện Chiến lược phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư khuyến nghị, cần có chính sách kinh tế thúc đẩy liên kết doanh nghiệp, khuyến khích doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp FDI liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nước; đồng thời nâng cao năng lực doanh nghiệp tham gia mạng lưới sản xuất, chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu.

Nhìn vào cơ cấu ngành, có thể thấy, các doanh nghiệp lớn kinh doanh các lĩnh vực ít cạnh tranh hoặc không phải cạnh tranh hay có ưu thế hơn so với khối doanh nghiệp FDI. Trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, theo báo cáo VPE-500, các doanh nghiệp lọt vào danh sách chủ yếu tập trung vào khai thác những nhóm ngành có lợi thế về nguyên liệu (như thủy sản, vật liệu xây dựng) và thứ hạng của doanh nghiệp này không cao. Trong danh sách PRIVATE-100, không có tên doanh nghiệp nào sản xuất điện tử, máy tính và linh kiện, điểm sáng trong xuất khẩu của Việt Nam trong suốt nhiều năm qua. Việc hai doanh nghiệp công nghệ có tên trong PRIVATE-100 là tín hiệu tích cực nhưng chừng đó là chưa đủ.

Để doanh nghiệp tư nhân Việt Nam thật sự lớn mạnh, bắt kịp vào dòng chảy công nghệ của toàn thế giới, phải có nhiều hơn các doanh nghiệp tham gia vào những lĩnh vực mới như công nghệ điện tử, công nghệ bán dẫn, vốn là ưu thế tuyệt đối của doanh nghiệp FDI. Cạnh tranh trực tiếp là bất khả thi, vì vậy, theo PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh, giảng viên cao cấp của Học viện Tài chính, các doanh nghiệp trong nước phải nắm bắt được cơ hội làn sóng doanh nghiệp FDI thuộc các lĩnh vực này đầu tư vào Việt Nam, cùng họ chuẩn bị cơ sở vật chất, đào tạo nhân lực, tham gia sản xuất linh phụ kiện hoặc các khâu thiết kế, kiểm thử chip bán dẫn…

“Việc này không phải chỉ doanh nghiệp lớn làm được mà cả doanh nghiệp nhỏ, đặc biệt là doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ cao, có thể tham gia. Những cơ chế khuyến khích, hỗ trợ đều đã có, vấn đề là làm sao để các chính sách đến được với doanh nghiệp một cách hiệu quả, thuận lợi”, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh lưu ý.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới