Thấy gì từ sự tụt hạng năng lực cạnh tranh toàn cầu của Việt Nam?
Đinh Xuân Bá
(TBKTSG Online) – Theo bảng xếp hạng Chỉ số Năng lực cạnh tranh toàn cầu 2018 vừa được Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) công bố, Việt Nam xếp thứ 77/140 (giảm 3 bậc so với năm 2017). Đằng sau sự tụt hạng này là sự ảnh hưởng của những yếu tố nào và điều gì thực sự phản ánh năng lực cạnh tranh của Việt Nam?
![]() |
Ảnh: Thành Hoa. |
Năng lực cạnh tranh của mỗi nền kinh tế được phản ảnh bởi một điểm tổng gán cho nền kinh tế đó. Điểm tổng đó là trung bình cộng (không trọng số) của 12 điểm của 12 trụ cột. Mười hai trụ cột này là chỗ dựa để đánh giá năng lực cạnh tranh của từng nền kinh tế, được phân vào 4 nhóm lớn là: môi trường cần cho phát triển, nguồn nhân lực, thị trường, hệ sinh thái đổi mới. Trong bài này, người viết chỉ bàn về năng lực cạnh tranh của 9 nước Asean dựa vào các dữ liệu của 12 trụ cột đã công bố công khai trong báo cáo nói trên (xem bảng dưới đây).
Nước | A | B | C | D | E | e1 | e2 | e3 | e4 | h1 | h2 | m1 | m2 | m3 | m4 | i1 | i2 |
Brunei | 0,4 | 61,4 | 62 | +2 | 29.712 | 58,3 | 71,3 | 76,2 | 73,7 | 85,9 | 66,0 | 60,9 | 64,2 | 51,2 | 37,0 | 58,5 | 33,9 |
Campuchia | 16 | 50,2 | 110 | -1 | 1.389,6 | 41,9 | 51,7 | 44,4 | 74,4 | 62,9 | 41,0 | 50,0 | 59,7 | 53,6 | 46,2 | 45,3 | 31,2 |
Indonesia | 262 | 65,6 | 45 | +2 | 3.875,8 | 57,9 | 66,8 | 61,1 | 89,7 | 71,7 | 64,1 | 58,5 | 57,8 | 63,9 | 81,6 | 69,0 | 37,1 |
Lào | 6,7 | 49,3 | 112 | -2 | 2.542,5 | 44,5 | 57,5 | 42,7 | 68,5 | 59,6 | 49,5 | 53,5 | 55,4 | 51,3 | 41,1 | 40,1 | 27,4 |
Malaysia | 32,1 | 74,4 | 25 | +1 | 9.812,8 | 68,7 | 77,9 | 69,1 | 100 | 82,6 | 74,2 | 63,6 | 70,2 | 84,1 | 73,0 | 73,8 | 55,5 |
Philippines | 105,3 | 62,1 | 56 | +12 | 2.976,3 | 48,3 | 59,4 | 54,8 | 90 | 67,6 | 62,9 | 56,9 | 64,5 | 67,9 | 70,2 | 65,8 | 37,2 |
Singapore | 5,6 | 83,5 | 2 | 0 | 57.713 | 80,7 | 95,7 | 85,2 | 92,6 | 100 | 76,0 | 81,2 | 80,2 | 89,3 | 71,1 | 74,7 | 75,0 |
Thái Lan | 69,1 | 67,5 | 38 | +2 | 6.590,6 | 55,1 | 69,7 | 56,6 | 89,9 | 87,3 | 63,0 | 53,4 | 63,3 | 84,2 | 74,9 | 71,0 | 42,1 |
Việt Nam | 93,6 | 58,1 | 77 | -3 | 2.353,7 | 49,5 | 65,4 | 43,3 | 75 | 81 | 54,3 | 52,1 | 55,6 | 62,3 | 70,9 | 53,7 | 33,4 |
Tổng | 591 | 571 | 13 | 116.966 | 504,9 | 615,4 | 533,4 | 753,8 | 698,6 | 551 | 530,1 | 570,9 | 607,8 | 566 | 551,9 | 372,8 | |
Trung bình | 65,6 | 63,5 | 1.4 | 56,1 | 68,4 | 59,3 | 83,8 | 77,6 | 61,2 | 58,9 | 63,4 | 67,5 | 62,9 | 61,3 | 41,4 |
Ghi chú: Chỉ số màu đỏ là tăng so với 2017, chỉ số màu xanh là giảm so với 2017. Các ký hiệu được dùng trong bảng:
A: Dân số (triệu người)
B: Điểm tổng (điểm cao nhất là 85,6 (Mỹ), thấp nhất là 35,5 (Chad))
C: Thứ bậc (trong thang điểm 140 bậc)
D: Số bậc lên xuống so với năm 2017
E: GDP bình quân (đô la Mỹ)
Mười hai trụ cột tạo nên năng lực cạnh tranh là:
– Bốn trụ cột về môi trường cần cho phát triển gồm: e1 – thể chế, e2 – hạ tầng, e3 – công nghệ truyền thông, e4 – ổn định kinh tế vĩ mô
– Hai trụ cột về nguồn nhân lực gồm: h1 – sức khỏe, h2 – kỹ năng
– Bốn trụ cột về thị trường gồm: m1 – thị trường sản phẩm, m2 – thị trường lao động, m3 – hệ tài chính, m4 – qui mô thị trường
– Hai trụ cột về hệ sinh thái đổi mới gồm: i1 – sự năng động kinh doanh, i2 – năng lực đổi mới.
Từ bảng trên có thể suy ra một số nhận xét sau đây:
1. Việt Nam lùi nhiều bậc nhất trong Asean
So với năm 2017, trong Asean chỉ có 3 nước (Lào, Campuchia, Việt Nam) có thứ bậc lùi nhưng Việt Nam lùi nhiều nhất (3 bậc), nước tăng bậc nhiều nhất là Philippines (12 bậc). Trong 12 trụ cột thì Việt Nam có đến 8 điểm lùi (có màu xanh), Lào có 5 điểm lùi, Campuchia có 4 điểm lùi, trong khi Philippines không có điểm lùi nào và Malaysia chỉ có 1 điểm lùi, Thái Lan và Indonesia chỉ có 2 điểm lùi.
Bình quân điểm tổng của 9 nước Asean là 63,5. Ba nước Lào, Campuchia và Việt Nam đều có điểm tổng thấp hơn điểm bình quân. GDP bình quân của 9 nước Asean là 12.996 đô la Mỹ, GDP Việt Nam chỉ bằng 18,11% số này (Campuchia 11%, Lào 20%). Các nước Singapore, Malaysia, Thái Lan, Indonesia, Philippines thuộc nhóm các nước có sức cạnh tranh cao (từ bậc 2 đến 56) thì Việt Nam cùng với Lào và Campuchia lại có khoảng cách khá xa với các nước trên, thậm chí gần cuối (Campuchia 110/140, Lào 112/140). Phải chăng các nền kinh tế chuyển đổi (từ bao cấp xã hội chủ nghĩa sang kinh tế thị trường) đang thể hiện sự non kém của mình ?
2. Việt Nam chưa đạt được những đòi hỏi sơ giản của kinh tế thị trường
Trong 12 điểm trung bình của 12 trụ cột của Asean thì Việt Nam có 9 trụ cột mang điểm thấp hơn các điểm trung bình nói trên, chỉ có 3 trụ cột có điểm cao hơn là e4 (ổn định kinh tế vĩ mô), h1 (sức khỏe), m4 (qui mô thị trường). Nếu xét từng trụ cột trong 9 trụ cột bị điểm thấp nói trên thì sẽ thấy rõ hơn lý do bị xếp điểm thấp, nhưng vì khuôn khổ có hạn, người viết không đưa vào bài này, bạn đọc có thể thấy các tiêu chí đó trong toàn văn báo cáo của WEF. Thử xét một số ví dụ:
– Trong trụ cột e1 có đến 5/20 tiêu chí có thứ bậc thấp từ 104 (quyền tài sản) đến 139 (tự do báo chí)
– Trong trụ cột e2 có đến 3/12 tiêu chí có thứ bậc thấp từ 101 (tính hiệu quả của dịch vụ hàng không) đến 109 (chất lượng đường sá)
– Trong trụ cột h2 có 3/9 tiêu chí có thứ bậc thấp từ 104 (lao động tay nghề cao) đến 128 (kỹ năng của người mới ra trường)
– Trong trụ cột m1 có 2/8 tiêu chí có thứ bậc thấp 103 (tính cạnh tranh trong dịch vụ) và 124 (tỷ lệ hàng rào phi thuế quan)
– Trong trụ cột m3 có 3/9 tiêu chí có thứ bậc thấp từ 101 (chênh lệch tín dụng/GDP) đến 113 (tính thanh khoản của hệ thống ngân hàng)
– Trong trụ cột i1 có 3/8 tiêu chí có thứ bậc thấp từ 104 (thời gian cần để triển khai hoạt động kinh doanh) đến 110 (mức độ sẵn sàng ủy quyền)
Nếu thử xét rộng hơn, có tất cả 98 tiêu chí dùng để đánh giá 12 trụ cột, giả sử chỉ xét những tiêu chí có bậc thấp từ 71 đến 140 (tức là nằm ở nửa dưới của bảng xếp hạng gồm 140 bậc) thì có tổng cộng 68 tiêu chí như thế, chiếm đến 69,4%. Đặc biệt, có trụ cột h2 (kỹ năng) thì 100% các tiêu chí bị điểm thấp, hai trụ cột i1 (năng động kinh doanh) và i2 (năng lực đổi mới) có 77,8% các tiêu chí có điểm thấp tức là nằm ở nửa dưới của bảng xếp hạng. Tóm lại, Việt nam vẫn chưa đạt được những đòi hỏi sơ giản của kinh tế thị trường, do đó khoan hãy nói những điều cao xa, hãy cố gằng thực hiện những đòi hỏi cơ bản được phản ánh trong 98 tiêu chí nói trên.
3. Nước nào có xếp hạng cao thì nước đó có nền kinh tế phát triển?
Một câu hỏi được đặt ra: điểm tổng về năng lực cạnh tranh có phản ánh hay không sự tăng trưởng của nền kinh tế? Tức là nước nào có điểm tổng cao thì nước đó có kinh tế phát triển? Nếu đúng như thế thì mới thấy ý nghĩa thực tiễn của điểm tổng và của thứ bậc xếp hạng.
Để trả lời đầy đủ câu hỏi đó cần một sự khảo sát toàn diện và thực chất, ngoài phạm vi của bài này. Tuy nhiên người viết vẫn thử trả lời, tuy chưa đầy đủ. Dựa vào các dữ liệu có trong bảng, tính hệ số tương quan của 2 cột B (điểm tổng) và cột E (GDP bình quân) thì thấy CORREL (B,E) = 0,702357. Vậy giữa B và E có xấp xỉ tương quan tuyến tính đồng biến, cái này tăng (giảm) kéo theo cái kia cũng tăng (giảm) (tính bằng Microsoft Excel theo cú pháp:CORREL(arrayB,arrayE)).
4. Yếu tố nào tác động mạnh nhất tới năng lực cạnh tranh?
Một câu hỏi khác cũng được đặt ra: trong 12 trụ cột thì trụ cột nào có tác động mạnh tới điểm tổng? Nói cách khác, các trụ cột nào có tương quan đồng biến với cột điểm tổng để từ đó “coi trọng” hơn trụ cột nào có tương quan đồng biến mạnh với cột B (điểm tổng). Sau khi tính các hệ số tương quan CORREL thì thấy 5 trụ cột có tương quan đồng biến tuyến tính với cột điểm tổng là:
CORREL(B,e1) = 0,952682 (trụ cột thể chế)
CORREL(B,e2) = 0,933518 (trụ cột hạ tầng)
CORREL(B,h2) = 0,923414 (trụ cột kỹ năng)
CORREL(B,i1) = 0,913797 (trụ cột năng động kinh doanh)
CORREL(B,i2) = 0,937899 (trụ cột năng lực đổi mới)
Dùng Microsoft Excel, có thể xây dựng một phương trình hồi quy tuyến tính giữa điểm tổng B và trụ cột e1 như sau: B = 0,8433e1 + 16,182 (R2 = 0,9076)
Như vậy, có thể hiểu nôm na là nếu trụ cột thể chế tăng lên một đơn vị thì điểm tổng B tăng lên 0,8433 đơn vị.