Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Thầy thuốc nào giỏi nhất?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Thầy thuốc nào giỏi nhất?

(minh họa: Khều)

(TBKTSG) – Nhiều căn bệnh nan y sở dĩ vẫn khó chữa là vì vai trò của người bệnh trong quá trình điều trị chưa được đánh giá đúng mức. Vận động người bệnh hợp tác với thầy thuốc qua kinh nghiệm của chính bệnh nhân hầu cùng nhau tìm ra lối thoát trước áp lực của căn bệnh chính là biện pháp thậm chí nhiều khi quan trọng hơn thuốc đặc hiệu.

Tiếc là không ít thầy thuốc và bệnh nhân vẫn tưởng đúng thầy, đúng thuốc là đủ mà quên rằng thầy khó đúng, thuốc khó tốt nếu thiếu… trò.

Đài truyền hình Trung Quốc có lần chiếu một bộ phim phóng sự về ông Bình, một người Trung Hoa bình dị như bao người khác. Điều đáng nói là ông Bình tuy có tên nghe hiền hòa như thế nhưng cuộc đời của ông trong nhiều năm qua không mấy khi trọn nghĩa yên bình. Lý do là vì ông mắc bệnh tiểu đường!

Cũng như hàng trăm triệu nạn nhân khác của căn bệnh trầm kha do đường huyết hăm hở nằm ngoài vòng kiểm soát, cuộc sống của ông Bình bị tô màu thê lương với đủ thứ bất tiện, từ thuốc men, xét nghiệm định kỳ cho đến chế độ ăn uống kiêng khem.

Đáng khen là ông đã tuân thủ răm rắp tất cả y lệnh. Chẳng những thế, ông còn chủ động thu thập kiến thức về bệnh tiểu đường và kiên nhẫn áp dụng. Cuộc sống của ông đúng là chuỗi ngày dài tranh đấu từ sáng đến tối vì không có ước muốn nào mãnh liệt hơn hy vọng lành bệnh.

Cũng như nhiều người bệnh tiểu đường khác, ông Bình đã kiêng cữ đủ điều, cữ ngọt vì sợ đường huyết, cữ béo vì e xơ vữa mạch máu, cữ mặn để tránh huyết áp cao. Khỏi nói dông dài cũng hiểu ông đã khổ đến thế nào vì không được ăn no, ít khi được ăn ngon miệng dù đủ ăn đủ mặc.

Điểm éo le là ông càng kiêng cữ thì bệnh càng trở nặng! Thầy thuốc vì thế phải tăng dần liều thuốc nhưng vẫn không xong. Vừa kiêng ăn lại phải uống nhiều thuốc nên ông Bình càng lúc càng mệt, càng lúc càng rầu.

Ai đồn gì nghe nấy, sau đó ông chuyển sang dùng các loại thực phẩm đắt tiền dành cho người bệnh tiểu đường. Đã khổ vì tiền thuốc nay lại thêm lo vì tiền ăn… kiêng! Nhưng, trái với lời quảng cáo của nhà sản xuất, hiệu quả của các loại thực phẩm đó vẫn là bóng ảo mù khơi!

Tức nước có lúc vỡ bờ. Ông Bình đổ quạu phá rào kỷ luật vì chịu hết nổi cuộc sống chẳng khác nào hình phạt không có ngày chấm dứt. Trong lúc ăn uống theo kiểu “muốn ra sao thì ra”, ông bất ngờ ghi nhận một điều lý thú. Đó là không phải tất cả thức ăn, thậm chí kể cả nhiều món ngọt, đều làm tăng đường huyết! Rõ ràng có những món tai hại vô cùng, nhưng cũng có một số khác không làm tăng đường huyết bao nhiêu dù chén đến no bụng.

Bán tín bán nghi, ông thăm dò chung quanh và ghi nhận là hiện tượng này cũng xảy ra với nhiều bạn “đồng môn”, chỉ có điều là phản ứng của người bệnh tiểu đường không ai giống ai. Nhận thức đó giúp ông quay về một đặc tính của con người. Đó là tính cảm ứng hoàn toàn cá biệt!

Bệnh tiểu đường, theo ông Bình, dù ông không hề học y khoa, không thể điều trị với phác đồ đại trà và tiêu chuẩn hóa nào đó theo kiểu “một toa cho mọi người”, mà phải được thiết kế dựa trên cá tính tâm thể nhạy cảm riêng biệt của mỗi người bệnh.

Từ nhận xét đó, ông Bình đã tìm tòi và thống kê các món ăn không làm tăng đường huyết cho riêng mình. Sau nhiều ngày hao tổn công sức và bút mực, ông đã đúc kết được một số món ăn, tuy không hẳn hấp dẫn như cao lương mỹ vị, nhưng ăn được, thậm chí ăn ngon miệng, nghĩa là có thể ăn no mà không sợ tăng đường huyết.

Lẽ tất nhiên các món ăn do ông Bình sưu tầm không phải món nào cũng thích hợp cho người bệnh tiểu đường khác. Có điều là nhờ đó ông tìm lại được cho mình những giây phút yên bình trong cuộc sống. Ít ai ngờ nổi là ông Bình đã chiếm thế thượng phong trong căn bệnh tiểu đường quái ác bằng một sách lược tương đối đơn giản, bằng cách đặt tính chủ động của người bệnh vào vị trí cao hơn quan điểm “không thầy đố mày làm nên”.

Từ góc nhìn của thầy thuốc, câu chuyện về ông Bình không có gì đặc sắc. Hầu như thầy thuốc nào cũng hiểu về vai trò quyết định của người bệnh trong suốt quá trình điều trị. Thầy thuốc nào cũng biết là khó tìm được đối tượng nào hiểu rõ và cảm thông với người bệnh cho bằng chính bệnh nhân. Vấn đề là trong thực tế thử hỏi có bao nhiêu thầy thuốc chịu khó động viên sự chủ động cộng tác của người bệnh vì định kiến thầy thuốc trên cao, bệnh nhân dưới thấp. Thử hỏi có bao nhiêu thầy thuốc sẵn sàng chấp nhận là thành quả của liệu pháp không nằm hẳn trong tay “thầy” mà tùy thuộc rất nhiều vào quyết tâm và óc sáng tạo của “trò”?

Đương nhiên là muốn chống bệnh tiểu đường không thể chỉ trông cậy vào biện pháp dinh dưỡng rồi ngồi ỳ không thèm vận động, bỏ hết thuốc men, xem thường vai trò của thầy thuốc cũng như biện pháp tầm soát biến chứng. Nhưng vận động người bệnh hợp tác với thầy thuốc qua kinh nghiệm bản thân của chính bệnh nhân hầu cùng nhau tìm ra lối thoát trước áp lực của căn bệnh chính là biện pháp thậm chí nhiều khi quan trọng hơn thuốc đặc hiệu.

Tiếc là không ít thầy thuốc và bệnh nhân vẫn tưởng đúng thầy, đúng thuốc là đủ mà quên rằng thầy khó đúng, thuốc khó tốt nếu thiếu… trò. Nhiều căn bệnh nan y sở dĩ vẫn khó chữa là vì chưa thể triển khai tối đa vai trò không thể thiếu của người bệnh. Có bệnh nào không cần… bệnh nhân?!

BS. LƯƠNG LỄ HOÀNG – Trung tâm Oxy cao áp, TPHCM

Tầm soát bệnh tiểu đường miễn phí

Phòng Tư vấn sức khỏe và Điều trị nội khoa thuộc Trung tâm Oxy cao áp (số 3 đường Ba Tháng Hai, quận 10, TPHCM, cạnh siêu thị Maximark) sẽ tổ chức một buổi tầm soát bệnh tiểu đường qua xét nghiệm đường huyết miễn phí cho 100 người vào ngày thứ Tư 11-2-2009, từ 7 giờ 30 đến 9 giờ, do bác sĩ Lương Lễ Hoàng phụ trách phần diễn giải kết quả.

Độc giả muốn tham dự, xin vui lòng đăng ký giữ chỗ qua số điện thoại: 36121398, trước ngày 9-2-2009.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới