Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Thế giới lao đao, Trung Đông giàu lên nhờ dầu

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Thế giới lao đao, Trung Đông giàu lên nhờ dầu

Nước Mỹ tiêu thụ 1/4 lượng dầu mỏ của toàn thế giới

(TBKTSG) – Vương quốc Ả Rập Saudi mỗi năm mỗi giàu hơn nhờ cung cấp lượng dầu thô lớn cho toàn thế giới. Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) dự tính doanh thu từ dầu của Ả Rập Saudi sẽ lên đến 16.600 tỉ đô la Mỹ vào năm 2030 nếu như giá dầu là 150 đô la Mỹ/thùng.

Cũng theo IEA, năm 2030, dầu thô sẽ mang về cho Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất 4.600 tỉ đô la Mỹ, Kuwait 4.500 tỉ đô la Mỹ.

Theo nhật báo The New York Times ngày 14-6, Ả Rập Saudi – nước xuất khẩu nhiều dầu thô nhất thế giới, dự định sẽ tăng thêm sản lượng khoảng nửa triệu thùng dầu mỗi ngày kể từ tháng 7 tới đây. Ngay lập tức, giá dầu ở thị trường Mỹ giảm 1,88 đô la, còn 134,86 đô la Mỹ/thùng và giá dầu thô Brent còn 134,25 đô la Mỹ/thùng, giảm 1,84 đô la. Nếu việc này trở thành thực tế thì có nghĩa là mỗi ngày đất nước có trữ lượng vàng đen lớn nhất thế giới sẽ sản xuất ngót nghét 10 triệu thùng dầu. Hiện mỗi ngày vương quốc này khai thác được 9,45 triệu thùng, tăng khoảng 300.000 thùng/ngày so với tháng 5-2008.

Tháng 5-2008, Saudi Aramco, công ty dầu khí của Ả Rập Saudi, thông báo trong 5 năm tới sẽ đầu tư 129 tỉ đô la Mỹ xây dựng nhiều dự án năng lượng, từ khai thác dầu, khí, lọc dầu và phát triển công nghiệp hóa dầu. Trong tổng kinh phí này sẽ có khoảng 70 tỉ đô la Mỹ được đầu tư vào các dự án liên doanh nội địa và quốc tế; 59 tỉ đô la Mỹ còn lại sẽ hoàn toàn là những công trình của riêng Aramco.

Trong các dự án liên doanh với đối tác nước ngoài, đáng kể nhất là 2 dự án xây dựng 2 nhà máy lọc dầu công suất lớn – 800.000 thùng/ngày –  ở miền duyên hải phía Đông, một với Total của Pháp và một với ConocoPhillips của Mỹ. Đây là hai dự án thuộc chương trình phát triển công nghiệp lọc dầu của Saudi Arabia nhằm đạt mục tiêu tăng gấp hai lần khả năng lọc dầu ở trong nước, thành 6 triệu thùng/ngày.

Thông qua các dự án liên doanh ở nước ngoài, Saudi Arabia hiện còn có hơn 1 triệu thùng/ngày.  Đầu tháng 6 qua, ông Brad Bourland, chánh kinh tế gia của Jadwa, công ty đầu tư của chính quyền Riyadh, cho biết với giá dầu cao như hiện nay, trung bình mỗi ngày Saudi Arabia có thêm 1 tỉ đô la Mỹ. Ông Bourland kể rằng vào thời điểm cuối tháng 2-2008, khi giá dầu ở mức 80-90 đô la Mỹ/thùng, doanh thu của Saudi Aramco là 895 triệu đô la Mỹ/ngày nhưng đến đầu tháng 6-2008 đã tăng lên hơn 1 tỉ đô la Mỹ/ngày.

“Mỗi tháng, họ thu khoảng 30 tỉ đô la Mỹ”, ông Bourland nói. Hơn 50% doanh thu này được dành vào các dự án đầu tư ở nước ngoài, thông qua công ty quản lý tài sản quốc gia Sama. “Một quan chức của Sama từng khoe với tôi rằng mỗi tháng, tài sản của họ lại có thêm khoảng 15 tỉ đô la Mỹ; họ mặc sức chọn mua bất cứ thứ gì ở nước ngoài, từ máy bay hiện đại đến các dự án khách sạn cao cấp, nhà máy công nghiệp…”, ông Bourland cho biết.

Theo Jadwa, tổng giá trị tài sản ở nước ngoài của Sama hiện khoảng 350 tỉ đô la Mỹ. Nhờ dầu tăng giá cao mà cơ quan chuyên trách đầu tư của Abu Dhabi nay có số tài sản ở nước ngoài trị giá khoảng 1.300 tỉ đô la Mỹ và cơ quan tương tự của Kuwait có khoảng 250 tỉ đô la Mỹ sẵn sàng dành cho các dự án đầu tư ở nước ngoài.

Sự giàu có từ dầu thô chưa dừng lại ở mức này. Giới chuyên ngành ở IEA dự kiến doanh thu từ dầu của Saudi Arabia sẽ lên đến 16.600 tỉ đô la Mỹ vào năm 2030 nếu như giá dầu là 150 đô la Mỹ/thùng. Cũng theo IEA, vào năm 2030, dầu sẽ mang về cho Các Tiểu vương quốc Ảrập 4.600 tỉ đô la Mỹ; Kuwait 4.500 tỉ đô la Mỹ. Cộng chung 3 nước thành viên OPEC này sẽ có 27.500 tỉ đô la Mỹ. Và đó là tính giá dầu chỉ ở mức 150 đô la Mỹ/thùng, trong khi không ít nhà phân tích dự báo trong thời gian từ nay đến hết năm 2008, giá dầu sẽ có thể đạt cột mốc lịch sử 200 đô la Mỹ/thùng. Trong năm năm qua, nhờ giá dầu tăng mà khối lượng “tiền dầu” (petrodollar) từ các nước tiêu thụ dầu đổ sang các nước sản xuất dầu đã lên đến vài ngàn tỉ đô la Mỹ. Với giá dầu đạt mức 200 đô la/thùng, trữ lượng dầu đã được khẳng định tại 6 nước thuộc Vịnh Persic sẽ có giá trị 95.000 tỉ đô la Mỹ.

Theo các nhà phân tích, kết quả của cuộc họp ngày 22-6-2008 tại Jeddah (triệu tập bởi chính Quốc vương Saudi Arabia Abdullah sau khi ông nghe tin trong khoảng thời gian 24 tiếng đồng hồ, giá dầu đã tăng 16 đô la Mỹ để đạt mức cao lỷ lục trong lịch sử là 139 đô la Mỹ/thùng hồi đầu tháng 6 qua), sẽ phần nào định đoạt tương lai của nền kinh tế nước này. Saudi Arabia sẽ tiếp tục giàu hơn nữa nhờ dầu hay trở thành nạn nhân vì có quá nhiều dầu mà không cung cấp đủ cho thế giới?

Việc Ả Rập Saudi tăng sản lượng dầu thô và đứng ra tổ chức hội nghị đại diện các nước sản xuất và các nước tiêu thụ dầu, đại diện các ngân hàng đầu tư… tại Jeddah ngày 22-6  để tìm biện pháp giải tỏa khủng hoảng giá nhiên liệu tăng cao (sẽ diễn ra tới đây) đồng thời tăng vốn đầu tư các dự án dầu khí được giới chuyên ngành đánh giá là những hành động “phòng tránh” những tác hại từ biến động giá dầu. Khi nhiều nền kinh tế lâu nay tiêu thụ nhiều dầu không còn khả năng chấp nhận giá dầu cao thì các loại nhiên liệu thay thế sẽ được sử dụng nhiều hơn, nhiều loại nhiên liệu sinh học thế hệ thứ 2 chắc chắn sẽ được đưa vào sử dụng mà không gây ảnh hưởng xấu đến nguồn cung cấp cây lương thực. Trong bối cảnh ấy, về lâu dài, nền kinh tế chủ yếu dựa vào dầu thô của Saudi Arabia sẽ bị tác hại nặng.

P.DŨNG NGUYỄN

Tại sao tính dầu theo thùng?

Tuần thứ nhất của tháng 6-2008, lần đầu tiên trong lịch sử, giá dầu thô đã đạt mức cao kỷ lục 139 đô la Mỹ/thùng tại thị trường New York. Nhưng tại sao cho đến nay chúng ta vẫn cứ tính giá dầu thô bằng thùng mà không bằng lít hay bằng gallon để ở thời giá dầu tăng cao, nghe đỡ lo hơn? Và còn vì từ hơn 100 năm qua, dầu thô nào còn được vận chuyển trong những cái thùng nữa đâu.

Vào những năm 1859-1860, sau khi tìm ra “vàng đen”, người Mỹ đựng nó trong những thùng gỗ to thường dùng đựng rượu whisky. Khi ấy người Mỹ gọi dầu thô là “rock oil”, tức dầu lấy lên từ lòng đất, đá để dễ phân biệt với dầu thực vật và dầu làm từ chất béo của các loại động vật. Từ chỗ là nguyên liệu trị bá bệnh, từ nhức đầu đến lãng tai, dầu thô đã trở thành nhiên liệu thắp sáng.

Trong thập niên 1860, các giàn khoan dầu thô thi nhau mọc lên ở bang Pennsylvania để rồi vào năm 1866, các nhà khai thác dầu đã thống nhất chọn thùng gỗ chứa 42 gallon dầu (khoảng 160 lít) làm đơn vị căn bản trong các thương vụ và tính thuế. Có thời gian dầu được sản xuất ra quá nhiều khiến giá rớt thê thảm; giá một chiếc thùng gỗ đắt hơn hai lần giá lượng dầu thô chứa bên trong. Khi đường phố ở mọi thành phố của bang Pennsylvania đầy ắp những thùng dầu chất chồng lên nhau, xe cộ lưu thông khó khăn vì những cỗ xe ngựa chở đầy thùng dầu khiến người ta nghĩ ra việc xây dựng hệ thống ống dẫn dầu làm bằng gỗ. Nhờ hệ thống này mà một chàng trai 25 tuổi tên là John D. Rockefeller đã có điều kiện lập ra công ty kinh doanh dầu Standard Oil mà sau này cung cấp đến 90% sản lượng dầu tiêu thụ ở nước Mỹ.

Khi hệ thống ống dẫn dầu bằng gỗ đã xây dựng xong ở miền Đông Bắc nước Mỹ vào cuối những năm 1870, đã bắt đầu xuất hiện những tàu chở dầu (tanker) đầu tiên. Chúng được phép lưu thông trên kênh đào Suez. Hệ thống vận tải dầu thời hiện đại đã được khai sinh kể từ khi ấy. Ngày nay đã có những tanker khổng lồ có thể vận chuyển lượng dầu thô tương đương 4 triệu thùng dầu đi từ châu lục này đến châu lục khác. Và hiện nay, khi toàn thế giới mỗi ngày tiêu thụ trung bình 85 triệu thùng dầu thì dầu chiếm khoảng một phần ba tổng lượng hàng hóa vận chuyển toàn cầu bằng đường biển. Và tuy dầu thô nay được mua bán theo kílôlít ở Nhật, ở vài nước khác theo mét khối và  ở Nga theo tấn nhưng ở phạm vi toàn cầu thì nó vẫn được tính theo đơn vị thùng. Vì Mỹ vẫn là nước tiêu thụ nhiều dầu nhất thế giới. Ở hạng nhì là Trung Quốc.

ANH LĨNH

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới