Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Thế giới: nhiều ngân hàng gặp khó

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Thế giới: nhiều ngân hàng gặp khó

Hạ Ninh

Thế giới: nhiều ngân hàng gặp khó
SocGen sẽ cắt giảm chi phí và bán bớt tài sản để huy động thêm 4 tỉ euro tiền mặt. Ảnh: TL

(TBKTSG Online) – Một trong ba ngân hàng lớn của Pháp (tính theo giá trị tài sản) là SocGen (Societe Generale) cho biết sẽ cắt giảm chi phí và bán bớt tài sản để huy động thêm 4 tỉ euro tiền mặt.

Tuyên bố được đưa ra hôm 12-9 sau khi một số thông tin cho hay khủng hoảng nợ của Hy Lạp có thể khiến ba ngân hàng lớn của Pháp sụp đổ do nắm giữ nhiều trái phiếu của Hy Lạp. Tuyên bố của SocGen còn nhằm giảm nhẹ một số áp lực tiêu cực từ việc bị Moody's hạ đánh giá tín dụng do dính níu đến nhiều nợ xấu và những tin đồn Hy Lạp có thể phải rời khỏi khu vực đồng euro (eurozone).

Giá cổ phiếu của ngân hàng Pháp đang giảm nhanh chóng kể từ đầu mùa hè, tạo nên nhiều dự đoán rằng chính phủ Pháp có thể sẽ can thiệp và tái cấu trúc vốn cho hệ thống ngân hàng nước này, giống như Anh và các chính phủ khác buộc phải làm suốt thời gian diễn ra khủng hoảng tài chính toàn cầu vừa qua. Cổ phiếu ngân hàng BNP Paribas đứng đầu xu hướng giảm mạnh, tới 13,5%; trong khi cổ phiếu ngân hàng SocGen và Credit Agricole giao dịch ở mức thấp hơn 9% vào trưa ngày 12-9. Cổ phiếu của các ngân hàng này được giao dịch ở mức thấp chưa từng thấy từ đầu năm 2009 đến nay, khi khủng hoảng tài chính bắt đầu tác động mạnh đến các nước phát triển. Riêng cổ phiếu của ngân hàng SocGen đã giảm 57% kể từ cuối tháng 6-2011

Mặc dù quan chức ngân hàng SocGen đã hứa sẽ bán tài sản, cắt giảm chi phí và nhân công nhằm tránh những “bất ổn quá mức” trong thị trường tài chính, nhiều nhà đầu tư vẫn cho rằng những phản ứng trên chưa thấm gì với những lo lắng trên thị trường hiện nay.

Ông Yohan Salleron, quản lý quỹ tại Mandarine Gestion, nhận định những kế hoạch trên vẫn chưa tạo được hiệu quả mạnh và tuyên bố của các ngân hàng giống như rơi vào hư vô.

Trước đó, tổng giám đốc ngân hàng SocGen, ông Frederic Oudea, nói ngân hàng Pháp rất vững chắc và phủ nhận bất cứ thảo luận nào về việc có sự can thiệp của nhà nước.

“Đã có lo lắng và bất ổn thái quá trong thị trường tài chính”, ông Oudea nói trong một cuộc họp báo. Ông cho biết ngân hàng này sẽ bán tài sản để huy động 4 tỉ euro đến năm 2013, cắt giảm các hoạt động tài chính sinh lợi ít. Ông khẳng định ngân hàng này sẽ không cần quá con số 4 tỉ euro.

Tuy nhiên, các nhà phân tích ước tính thậm chí ngân hàng này huy động đủ số tiền trên, SocGen vẫn phải đối mặt với nhiều bất ổn nghiêm trọng. Sau khi bán chi nhánh chứng khoán Securities Services, thể chế tài chính này có thể sẽ phải bán thêm những tài sản có mức rủi ro cao.

Từ đầu năm đến nay, ngân hàng SocGen còn phải chịu nhiều áp lực sau khi đưa ra chỉ tiêu lợi nhuận vào năm 2012. Giá trị thị trường của ngân hàng này giảm tới 60% từ cuối tháng 6-2011 do lo ngại các hoạt động quỹ của ngân hàng sẽ phải sáp nhập với nhau.

“Khả năng thanh khoản ngắn hạn của ngân hàng rất tồi tệ so với các ngân hàng khác và khả năng trả nợ của ngân hàng rất yếu”, theo nhận định của nhà phân tích Espirito Santo đăng trên Reuters.

Trong một lá thư gửi cho nhân viên cuối tuần trước, SocGen nói sẽ không có nguy cơ ngân hàng bị thâu tóm và sẽ kiện tờ Daily Mail (Anh) ra tòa vì đã có bài viết đăng hồi tháng 8-2011 nói ngân hàng này sắp sụp đổ.

SocGen vẫn đang cố gắng lấy lại hình ảnh sau vụ bê bối về giao dịch hồi năm 2008. Ngân hàng này vẫn được coi là đứng trước những rủi ro lớn vì quá phụ thuộc vào các quỹ ngắn hạn và mô hình kinh doanh riêng.

Thống đốc ngân hàng Pháp Christian Noyer cam kết hôm đầu tuần rằng các ngân hàng Pháp không hề có rắc rối nào liên quan đến khả năng thanh khoản hay trả nợ và sẽ đứng vững trước bất cứ khủng hoảng nào liên quan đến Hy Lạp. Nhiều chuyên gia, trong đó có Giám đốc điều hành Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) Christine Lagarde cho rằng châu Âu cần tái cấu trúc vốn cho các ngân hàng đang gặp khó khăn, không chỉ do khủng hoảng nợ tại euro mà còn do những yêu cầu khắt khe hơn về vốn theo quy định Basel III.

Trong khi đó, các ngân hàng tại Anh đang đối mặt với sự “đại tu toàn bộ” quyết liệt trong nhiều thập kỷ sau khi Bộ trưởng Tài chính George Osborne thông báo sẽ triển khai chiến dịch kiểm tra kéo dài cả năm đối với ngành ngân hàng nhằm cải tổ lại ngành công nghiệp này. Việc cải tổ có thể kéo dài đến năm 2019 để các điều khoản đưa ra không quá hà khắc. Tuy nhiên, ông cho rằng những đề nghị của Ủy ban độc lập về ngân hàng sẽ tạo ra “hệ thống ngân hàng mới hiệu quả cho vương quốc Anh sau khi người trả thuế phải chi 65 tỉ bảng Anh nhằm cứu ngân hàng Royal Bank of Scotland và Lloyds Banking Group trong thời gian xảy ra khủng hoảng”.

Theo đề xuất cải tổ trên, các ngân hàng Anh sẽ phải dự trữ thêm 10% tiền mặt so với hiện nay nhằm tránh những cuộc khủng hoảng trong tương lai, cao hơn so với yêu cầu 7% mà các nước đưa ra.

Thông báo này được đưa ra ngay trước thềm kỷ niệm ba năm ngày sụp đổ của ngân hàng Lehman Brothers trước những lo lắng về bất ổn trong khối eurozone và những lo lắng khác đang xảy ra đối với các ngân hàng trung ương của châu Âu.

Cổ phiếu của châu Âu giảm xuống mức thấp nhất trong hai năm qua, trước những lo lắng về thị trường Hy Lạp, Ý và Pháp.

Phía bên kia Đại Tây Dương, ngân hàng Bank of America (Mỹ) cũng tuyên bố sẽ cắt giảm 30.000 lao động nhằm giảm bớt chi phí, lấy lại lòng tin đối với nhà đầu tư. Đây là quyết định cắt giảm nhân công lớn nhất tại Mỹ trong năm nay. Các nhà đầu tư đã giảm giá trị thị trường của ngân hàng này xuống còn một nửa trong năm nay. Ngân hàng này còn đang đối mặt với những danh mục tiêu sản khổng lồ từ việc đầu tư thế chấp và tin đồn ngân hàng này không thể đứng vững trước những cú sốc tài chính trong tương lai. Trong năm nay, Bank of America đã cắt giảm 6.000 việc làm. Bank of America cho biết sẽ tìm kiếm các khoản gửi tiết kiệm và hoạt động kinh doanh khác từ tháng tới.

(Tổng hợp)

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới