Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Thế giới sau… Bin Laden

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Thế giới sau… Bin Laden

Huỳnh Hoa

(TBKTSG) – Sau 10 năm truy lùng và phát động hai cuộc chiến tranh, cuối cùng người Mỹ cũng đã phát hiện và tiêu diệt tay trùm khủng bố Osama Bin Laden tại Pakistan Chủ nhật vừa qua. Sự kiện này đã tạo ra một cơn sốt thông tin trên toàn thế giới và tác động thực sự của nó cần có thời gian để lượng định.

Công bố cái chết của Bin Laden, Tổng thống Mỹ Barack Obama coi đó là “sự thực hiện công lý”, là “thành tựu lớn nhất của Mỹ từ trước đến nay trong nỗ lực tiêu diệt Al-Qaeda”. Mặc dù hy vọng thế giới sẽ an toàn hơn song ông Obama cũng khẳng định, chủ nghĩa khủng bố nói chung vẫn chưa bị tiêu diệt, và người Mỹ không nên tự mãn với thắng lợi của mình. Các nhà lãnh đạo khác của phương Tây cũng phát biểu những quan điểm tương tự. Và hầu như ngay lập tức, bộ ngoại giao các nước Anh, Mỹ, Úc… đều yêu cầu các sứ quán của mình siết chặt biện pháp an ninh, cảnh báo công dân hạn chế đi lại ở nước ngoài nhằm đề phòng các vụ tấn công trả đũa.

Sự thận trọng của phương Tây là hợp lý bởi vì Al-Qaeda đã nhiều lần tuyên bố sẽ cho nổ bom hạt nhân ở châu Âu một khi lãnh tụ Bin Laden bị giết hoặc bị bắt. Các tổ chức cực đoan khác ở Pakistan, Palestine cũng lớn tiếng đòi trả thù cho Bin Laden. Tuy nhiên, không ít người nghi ngờ khả năng trả đũa đó.

Theo các nhà nghiên cứu về chủ nghĩa khủng bố, sau khi thực hiện vụ tấn công ngày 11-9-2001, vai trò của Bin Laden ngày càng suy giảm; trong thời gian trốn lánh sự truy lùng gắt gao của Mỹ, ông ta chỉ còn là một biểu tượng tinh thần còn mang ý nghĩa tượng trưng chứ không còn là nhà chiến lược, nhà tổ chức của phong trào thánh chiến Hồi giáo. Đoạn băng video cuối cùng mà Bin Laden thực hiện và công bố trên mạng là vào năm 2007, từ đó đến nay ông ta không xuất hiện nữa.

Bản thân tổ chức Al-Qaeda cũng bị phân hóa thành nhiều nhóm nhỏ, hoạt động rải rác ở Bắc Phi, Nam Á… gắn kết với nhau một cách lỏng lẻo trên nền tảng ý thức hệ là chủ nghĩa cực đoan Hồi giáo. Do tàn sát tràn lan, kể cả đồng đạo ở các nước Hồi giáo, uy tín của tổ chức này suy giảm nghiêm trọng đến mức thanh niên các nước Hồi giáo hầu như quay lưng với Al-Qaeda. Các cuộc điều tra xã hội học do tổ chức Pew Research tiến hành trong các năm 2003 và 2010 cho thấy, tỷ lệ người tin theo Bin Laden tại Pakistan đã giảm từ 46% năm 2003 xuống 18% năm ngoái, tại Jordan giảm từ 56% xuống 13%, còn tại Li-băng giảm từ 19% xuống 1%.

Al-Qaeda hầu như không có vai trò gì trong cuộc “cách mạng Hoa Lài” làm rung chuyển cả Trung Đông và Bắc Phi mùa xuân năm nay, dẫn tới sự thay đổi chính phủ ở Tunisia và Ai Cập, làm lung lay chế độ ở Yemen, Syria và gây nội chiến ở Libya. Đã có sự chuyển biến sâu sắc trong các xã hội Hồi giáo về chiến lược đấu tranh chống Mỹ và phương Tây, theo đó chủ nghĩa cực đoan Hồi giáo coi bạo lực và khủng bố là phương thức duy nhất đã không còn được giới trẻ Hồi giáo ủng hộ, thay vào đó họ chọn con đường đấu tranh hòa bình thông qua các phong trào quần chúng đòi dân chủ và cải cách xã hội.

Sự kiện Bin Laden bị tiêu diệt có thể là một đòn nặng giáng vào tổ chức Al-Qaeda và các nhóm Hồi giáo vũ trang cực đoan nhưng vấn đề của thế giới sau Bin Laden là làm thế nào nuôi dưỡng các phong trào đấu tranh hòa bình và dân chủ ở các nước Hồi giáo, không để cho chúng gây ra tình trạng bất ổn, tạo môi trường thuận lợi cho Al-Qaeda gieo rắc những hạt mầm khủng bố.

* * *

Đối với nước Mỹ, thành công của chiến dịch tiêu diệt Bin Laden cũng đồng thời đặt dấu chấm hết cho vai trò của nước này tại Afghanistan và Iraq, đẩy nhanh tiến trình triệt thoái quân đội Mỹ và đồng minh phương Tây.

Chiến dịch tối Chủ nhật vừa qua cũng cho thấy, trong cuộc chiến tranh chống khủng bố, quân đội vũ trang đến tận răng, cùng với máy bay, tàu chiến hiện đại chưa chắc đã có hiệu quả bằng tin tức tình báo và lực lượng đặc nhiệm. Các nhà chỉ huy quân đội Mỹ đã bắt đầu tính tới việc thay thế chiến lược chiến tranh tổng lực bằng các cuộc chiến tranh tình báo tinh vi và bí mật. Việc đề bạt ông trùm Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA) Leon Panetta vào cương vị Bộ trưởng Quốc phòng thay ông Robert Gates có thể là điểm khởi đầu của sự thay đổi này.

Nỗ lực chống khủng bố toàn cầu, tâm điểm là hai cuộc chiến tranh tại Iraq và Afghanistan đã tiêu tốn nhân lực và tài lực của nước Mỹ suốt 10 năm qua, đẩy Mỹ vào quá trình suy thoái trầm trọng và tạo điều kiện cho sự trỗi dậy của các nước như Trung Quốc. Chỉ tính về mặt tài chính, nước Mỹ đổ vào Iraq và Afghanistan mỗi năm 171 tỉ đô la, góp phần làm tăng thâm hụt ngân sách và đào sâu mối bất đồng trong giới lãnh đạo Mỹ.

Rút ra khỏi chiến tranh Iraq và Afghanistan, Mỹ không chỉ có điều kiện tập trung khôi phục kinh tế, củng cố giá trị đồng tiền mà còn có thể hướng sự chú ý vào các điểm nóng khác như Bắc Phi, Đông Á – nơi vai trò và ảnh hưởng của Mỹ đang vấp phải sự cạnh tranh quyết liệt của các cường quốc mới nổi.

Như nhận định của cựu Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu, một nước Mỹ mạnh và hành động có trách nhiệm mới là điều cần thiết để thế giới an toàn hơn và thịnh vượng hơn, chứ không phải Bin Laden đã chết hay còn sống.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới