Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Thế khó của công ty tài chính trong nỗ lực dẫn vốn cho người yếu thế

V.Dũng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Hiện nay Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chỉ cấp phép cho 16 công ty tài chính hoạt động với 17 chi nhánh và 74.337 điểm giới thiệu dịch vụ trên toàn quốc… Tuy nhiên tình trạng bị đánh đồng với nhiều mô hình tín dụng phi chính thức hiện nay đang khiến nhiều công ty tài chính ‘đau đầu’ trong việc tiếp cận người vay.

Đây là nhận định của nhiều chuyên gia, đại diện doanh nghiệp tại “Tài chính Tiêu dùng – Kênh dẫn vốn hiệu quả với người yếu thế” Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam phối hợp với Vụ Tín dụng các ngành kinh tế – Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, tổ chức trực tuyến ngày 18-10.

Tín dụng tiêu dùng tăng trưởng tích cực

Không nằm ngoài xu thế ở các nước trên thế giới, sự phát triển của tài chính tiêu dùng tại Việt Nam trong những năm qua đã được ghi nhận không chỉ bởi sự gia tăng về quy mô và tốc độ tăng trưởng mà còn bởi những hiệu ứng tích cực đối với nền kinh tế xã hội.

Số liệu thống kê cho thấy, trong 5 năm gần đây, tín dụng tiêu dùng phát triển mạnh mẽ, tốc độ tăng trưởng bình quân khoảng 20%/năm. Đáng chú ý, tổng dư nợ tín dụng tiêu dùng của các công ty tài chính đạt 140.257 tỉ đồng, tăng 11,1% so với cuối năm 2021; trong đó dư nợ cho vay tiêu dùng và dư nợ phát hành thẻ tín dụng tăng lần lượt là 10% và 19% so với cuối năm 2021.

Các công ty tài chính tiêu dùng đang góp phần giúp người lao động, đặc biệt là những đối tượng yếu thế tiếp cận được dòng vốn chính thức. Ảnh minh họa: TL

Những số liệu trên cho thấy, các công ty tài chính tiêu dùng đang góp phần giúp người dân, đặc biệt là những đối tượng yếu thế, tiếp cận được dòng vốn của các công ty tài chính chính thức, góp phần đẩy lùi “tín dụng đen”, bảo đảm an ninh, trật tự xã hội.

Ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc NHNN, thừa nhận rằng sự phát triển của tài chính tiêu dùng tại Việt Nam trong những năm qua không nằm ngoài xu thế ở các nước trên thế giới. Ngoài tăng trưởng về quy mô tín dụng thì sự xuất hiện của các công ty tài chính tiêu dùng đã làm đa dạng cơ cấu tổ chức tài chính Việt Nam bổ sung dòng tín dụng chính thức cho người dân.

Hiện nay, NHNN mới chỉ cấp phép cho 16 công ty tài chính  hoạt động với 17 chi nhánh, 41 văn phòng đại diện và 74.337 điểm giới thiệu dịch vụ trên toàn quốc. Tổng tài sản của khối các công ty tài chính là 240.348 tỉ đồng, tăng khoảng 7% so với thời điểm cuối năm 2021. Vốn điều lệ của các công ty tài chính là 31.235 tỉ đồng, tăng 3,54% so với thời điểm cuối năm 2021.

“Hoạt động của các công ty tài chính tiêu dùng được NHNN cấp phép đều tuân thủ nghiêm ngặt quy định của Luật Các tổ chức tín dụng và các quy định khác có liên quan trong lĩnh vực ngân hàng. Với mạng lưới điểm giới thiệu dịch vụ rộng khắp cả nước thì vai trò của công ty tài chính tiêu dùng ở Việt Nam là không hề nhỏ trong việc đẩy lùi được tín dụng đen”, phó Thống đốc Đào Minh Tú nhất mạnh

Trong khi đó, nhìn nhận về vai trò của các công ty tài chính tiêu dùng Tiến sĩ Nguyễn Thị Hiền, Phó viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược NHNN cho rằng, đặc trưng của của công ty tài chính tiêu dùng khác với ngân hàng thương mại khi xem xét trên nhiều giác độ.

Đầu tiên là đối tượng cho vay của công ty tài chính là những người dân không đủ điều kiện để tiếp cận với chuẩn mực của ngân hàng thương mại, thậm chí là chưa có lịch sử tín dụng với ngân hàng. Tiếp đó là sản phẩm cho vay với giá trị nhỏ kỳ hạn ngắn và thời gian phê duyệt nhanh đảm bảo nhu cầu tiêu dùng cấp thiết của người dân.

“Với tính chất các khoản vay không có tài sản đảm bảo, các công ty tài chính không được huy động trực tiếp từ dân nên chi phí cho khoản vay lớn thì lãi suất phải nhỉnh hơn các gói vay từ ngân hàng. Tuy vậy đây là các sản phẩm tài chính được cấp phép nên việc lợi ích đem đến cho người yếu thế là tiếp cận khoản vay nhanh nhưng vẫn đảm bảo tính hợp pháp và an toàn”, Tiến sĩ Hiền cho hay.

Đau đầu vì bị đánh đồng với “tín dụng đen”

Các công ty tài chính đang nỗ lực đưa người dân tiếp cận được các nguồn vốn chính thức, thoát “bẫy tín dụng đen”. Tuy nhiên hoạt động/thương hiệu của các công ty tài chính tiêu dùng được NHNN cấp phép lại đang bị hiểu nhầm hay đánh đồng với các công ty tài chính mạo danh, không hoạt động theo Luật Các tổ chức tín dụng hay các quy định pháp luật ngân hàng khác.

Theo ông Nguyễn Thành Phúc, Phó Tổng Giám Đốc FE Credit, thực trạng các công ty tài chính bị hiểu nhầm là “tín dụng đen” đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới công tác thu hồi nợ của công ty. Đặc biệt, khi nhiều đối tượng xấu lợi dụng sự cả tin và kiến thức tài chính hạn chế của người dân để dụ dỗ cho vay sau đó lại xưng danh công ty tài chính để đòi nợ bằng những hành vi thiếu chuẩn mực. Điều này khiến nhiều người dân lo sợ, mất lòng tin và không dám lựa chọn vay vốn từ các công ty tài chính.

“Nhiều khách hàng muốn vay các công ty tài chính chính thống qua ứng dụng nhưng không thể phân biệt và lựa chọn được ứng dụng cho vay uy tín. Ngoài ra, đối với các trường hợp nghi ngờ gian lận, nhân viên công ty cũng không thể liên hệ để xác minh, xử lý khiếu nại cho khách hàng vì khách hàng cho rằng đó là các cuộc gọi lừa đảo. Vì vậy, công ty đang rất loay hoay để giải quyết bài toán này”, ông Phúc chia sẻ.

Ngoài những giá trị tích cực được ghi nhận thì các doanh nghiệp tài chính cũng mong muốn được sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng, NHNN để tiếp cận một cách thân thiện và hiệu quả hơn với người có nhu cầu về vốn.

Trong đề xuất của mình, FE Credit mong muốn NHNN xem xét điều chỉnh tỷ lệ cho vay tiền mặt của các công ty tài chính phù hợp với tình hình hoạt động cụ thể, đặc biệt trong bối cảnh nhu cầu vay tiền mặt của công nhân vẫn rất cao, chưa thể đáp ứng đủ. Đề xuất cần phối hợp rà soát, sửa đổi bổ sung các quy định về điều kiện kinh doanh đối với hoạt động cho vay qua ứng dụng di động.

“Hiện tại, trong quá trình triển khai gói vay ưu đãi 10.000 tỉ đồng cho công nhân, chúng tôi rất mong nhận được sự hỗ trợ, đồng hành từ phía công đoàn cơ sở, cơ quan quản lý doanh nghiệp để có thể tiếp cận tới công nhân và triển khai cho vay một cách hiệu quả. Chính phủ và các Bộ/Ngành liên quan xem xét tạo điều kiện cho các công ty tài chính được kết nối với cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia để giúp công ty tài chính định vị khách hàng mục tiêu dễ dàng hơn”, ông Phúc nhấn manh.

Về phía cơ quan quản lý nhà nước, bà Phạm Thị Thanh Tùng, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế NHNN cho rằng, để tiếp tục đẩy mạnh hoạt động tín dụng đáp ứng nhu cầu tiêu dùng chính đáng, hợp pháp của người dân, góp phần cùng các cấp, các ngành đấu tranh, ngăn ngừa, hạn chế “tín dụng đen”, thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục tập trung triển khai nhiều giải pháp. NHNN đặc biệt tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức tín dụng phát triển mở rộng hoạt động tín dụng tiêu dùng lành mạnh.

1 BÌNH LUẬN

  1. Với một đất nước 100 triệu dân, khoảng 30% dân số có nhu cầu giao dịch tài chính tiêu dùng. Như vậy 16 công ty tài chính được cấp phép là quá nhiều. Chưa kể gần 50 tổ chức tín dụng, ngân hàng thương mại, NH chính sách xã hội… nữa. Như thế là quá thừa. Vấn đề ở đây là quá trình thẩm định cấp phép có chất lượng hay không ? Nếu cứ để những tổ chức năng lực tài chính yếu, uy tín quản trị kém… tồn tại mãi, quậy mãi, thì có bao nhiêu tổ chức cũng không thể đáp ứng được nhu cầu thị trường, chưa kể là càng làm rối loạn thêm công tác quản lý, gây thêm nhiều rủi ro cho chính hệ thống tài chính và người tiêu dùng.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới