Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

‘Thế lực’ nào thúc đẩy và cản trở thương vụ sáp nhập Grab – Gojek?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

‘Thế lực’ nào thúc đẩy và cản trở thương vụ sáp nhập Grab – Gojek?

Ricky Hồ

(TBKTSG Online) – Sự thành công của Sea – hãng công nghệ số lớn nhất Đông Nam Á, vụ IPO khủng 71 tỉ đô la của hãng giao nhận thức ăn DoorDash ở Mỹ và thời điểm Grab buộc phải lên sàn vào cuối 1-2023 là những động lực chính khiến nhà đầu tư hăm hở và ép cả hai hãng gọi xe ngồi lại bàn thảo chuyện về chung nhà. Nhưng thương vụ sáp nhập khủng ở Đông Nam Á cũng gặp một số trở ngại từ giới lãnh đạo hai hãng và cơ quan quản lý trong khu vực.

Giá cổ phiếu của Sea đã tăng 5 lần trong năm nay, có thời điểm giá trị của Sea đạt 100 tỉ đô la. Mỗi lần giá cổ phiếu của Sea tăng đều trên thị trường chứng khoán New York, các nhà đầu tư vào Grab và Gojek lại xuýt xoa “Ừ, đã đến lúc sáp nhập”.

Sáp nhập là phép cộng đơn giản?

Cả hai siêu ứng dụng đa dịch vụ – gồm gọi xe, giao nhận thức ăn, thanh toán số – đã có nhiều lần thảo luận về sáp nhập trong gần một năm qua. Nhưng đại diện cả hai bên đã rời phòng họp mà không đạt được thỏa thuận hay nhân nhượng nào với Grab đòi phải nắm trên 50% cổ phần, Gojek lại muốn “cưa đôi”. Họ chỉ ngồi lại với nhau dưới sức ép của chủ đầu tư. Giờ đây, khi Sea trở thành ngôi sao trên sàn chứng khoán, áp lực sáp nhập đối với cả hai ngày một lớn.

Doanh số của Sea trong quí 3 vừa qua đạt 1,21 tỉ đô la, tăng 99% so với cùng kỳ năm trước, phần lớn nhờ trang thương mại điện tử Shopee. Giá cổ phiếu Sea đã tăng hỏa tiễn kể từ đầu năm, khi mảng kinh doanh cốt lõi của hãng – trò chơi, thương mại điện tử và thanh toán số – đều tăng vọt do hành vi người tiêu dùng thời Covid thay đổi.

'Thế lực' nào thúc đẩy và cản trở thương vụ sáp nhập Grab - Gojek?
Tài xế Grab và Gojek “chen vai sát cánh” ở thủ đô Jakarta, Indonesia – thị trường và chiến trường chính của cả hai. Ảnh: Nikkei Asia

Giá cổ phiếu Sea gia tăng cũng phản ánh mối quan tâm ngày càng lớn của nhà đầu tư đối với thị trường công nghệ tuy mới mẻ nhưng phát triển vũ bão ở Đông Nam Á. Thị trường này dự kiến sẽ đạt giá trị 309 tỉ đô la trong năm 2025, tăng gần ba lần so với qui mô của năm 2020 này – theo báo cáo của Google, quỹ đầu tư Temasek và Bain&Co cùng thực hiện.

Các nhà đầu tư vào Grab và Gojek dường như tin rằng sự hợp nhất giữa hai công ty sẽ thu hút nguồn vốn đổ vào nếu công ty sáp nhập niêm yết trên sàn. Sự hợp nhất cũng khiến hãng mới sẽ có lợi nhuận sớm hơn bằng cách giảm chi phí và cạnh tranh lẫn nhau.

“Tôi nghĩ rằng tất cả các nhà đầu tư của hai bên đều cho rằng Grab trị giá 14 tỉ đô la, Gojek 10 tỉ đô la. Hãy gộp lại và lên sàn, có thể chúng ta sẽ đạt mức 50 tỉ đô la. Sea có giá trị đến 100 tỉ đô. Tôi nghĩ chỉ cần đạt một nửa như vậy là chúng tôi thắng rồi”, một nhà đầu tư của Grab nói với Nikkei Asia. 

“Rất ngần ngại, nhưng rất thực tế” trước thời điểm 25-3-2023

Nhiều cấu trúc công ty mới được đưa ra, bao gồm kế hoạch hai đồng CEO của Gojek là Kevin Aluwi và Andre Soelistyo sẽ quản lý hoạt động thị trường Indonesia, báo cáo về nhà lãnh đạo chính của tập đoàn sáp nhập – nhà sáng lập và CEO Grab Anthony Tan.
Tuy nhiên, cả hai bên vẫn còn khoảng cách đối với các vấn đề như chi nhánh Indonesia sẽ được “quyền tự trị” như thế nào. Bất cứ thỏa thuận nào cũng mất nhiều tháng thương thảo và thời điểm chào bán cổ phiếu ra công chúng lần đầu (IPO) sẽ càng xa.

Trong một e-mail nội bộ đầu tháng 12 này, Aluwi và Soelistyo nói với nhân viên của Gojek rằng “không có áp lực” nào để đạt được thỏa thuận với Grab. “Chúng ta có nguồn vốn dồi dào và có sẵn đường băng để cất cánh trong hoạt động kinh doanh trong nhiều năm tới”, e-mail viết.

“Tôi tin rằng giới quản lý Grab và Gojek rất miễn cưỡng, nhưng họ cũng rất thực tế. Cả hai rời phòng họp nhiều lần mà không đạt thỏa thuận nào và họ cũng đã nhiều lần phải quay lại phòng họp. Áp lực từ các nhà đầu tư sẽ buộc họ có sự đồng thuận”, nhà đầu tư của Grab phát biểu.

Ngoài yếu tố vượt trội của cổ phiếu Sea trên sàn chứng khoán, một lý do khác khiến các nhà đầu tư đang thúc đẩy “dữ dội” chuyện sáp nhập, phần lớn từ phía của Grab, là chuyện Grab phải trả đến 2,3 tỉ đô la tiền mặt – theo thời giá đầu năm 2019 – cho Uber Technologies nếu hãng này không lên sàn trước ngày 25-3-2023. Đây là một trong những điều khoản của thỏa thuận giữa Grab và Uber vào năm 2018. Theo đó, Grab phải trả cho hãng công nghệ Mỹ 27,5% cổ phần để mua lại mảng kinh doanh của Uber tại Đông Nam Á.

Đầu tháng 12 này, Uber đã bán mảng xe tự lái và taxi để có vốn phát triển sau khi đầu tư tràn lan trên nhiều lĩnh vực và doanh thu bị suy giảm do ảnh hưởng của đại dịch. Sự thiếu hụt vốn đó càng khiến thời điểm 25-3-2023 trở nên cấp bách dù còn hơn hai năm nữa.

Sự thành công vượt trội của nền tảng thương mại điện tử Shopee của Sea đã thúc đẩy các nhà đầu tư ép cả Grab và Gojek thảo luận chuyện hợp nhất. Đồ họa: Nikkei Asia

Các nhà đầu tư đã đổ xô vào thị trường cổ phiếu công nghệ ở Mỹ trong năm nay. Hãng giao nhận thức ăn DoorDash và nền tảng AirBnB đã có những đợt IPO thành công vang dội giữa mùa dịch, khiến các nhà đầu tư của Grab và Gojek càng háo hức. Sự hợp nhất giữa Grab – Gojek có lẽ là cách tốt nhất để đương đầu với sự cạnh tranh của nền tảng số lớn nhất khu vực – chính là Sea.

Dịch vụ thanh toán số OVO của Grab và GoPay của Gojek đã định hình và dẫn đầu ở xứ vạn đảo. Nhưng trong vài tháng gần đây, Shopee Pay của Sea đã không ngần ngại tấn công và giành thị phần đáng kể.

Tuy khởi sự rất trễ – vào tháng 8 rồi, nhưng ví điện tử Shopee Pay đã thực hiện những đợt khuyến mãi lớn để giành người dùng trong khi cả Grab và Gojek đều rút khỏi các chiến dịch đốt tiền và đang dò dẫm trên con đường tìm kiếm lợi nhuận. Cả hai đều sa thải nhân viên nhưng với tỉ lệ khác nhau và cắt vài dịch vụ không sinh lợi.
Trong khi đó, Sea lại rộng tay thực hiện các khuyến mãi trên thanh toán Shopee Pay bởi lợi nhuận lớn thu được từ chi nhánh trò chơi điện tử Garena.

Luật chống độc quyền là cản trở lớn nhất?

Gojek có mặt ở 5 nước ASEAN gồm: Indonesia, Việt Nam, Singapore, Thái Lan và Philippines. Grab có mặt ở tám nước, gồm 5 thị trường trên cộng thêm Campuchia, Malaysia và Myanmar.

Nhưng ngay cả khi Grab và Gojek đồng ý sáp nhập, các luật chống độc quyền ở các thị trường Đông Nam Á mà cả hai hãng hoạt động sẽ cản trở ước vọng của cả hai và các nhà đầu tư. Trong các vụ điều tra chống độc quyền năm 2018, Grab và Uber đã từng bị chính phủ Singapore phạt gần 9,5 triệu đô la Mỹ sau thương vụ sáp nhập tháng 3-2018. Trong khi đó, Philippines phạt Grab 16 triệu peso, gần 300.000 đô la Mỹ. Tại Việt Nam, Grab bị Bộ Giao thông vận tải điều tra nhưng không bị phạt.

“Chiến trường” chính của cả hai và của vụ sáp nhập là ở Indonesia. Bất cứ giao dịch kinh doanh này có sa thải số lượng lớn nhân viên, đặc biệt là trong thời điểm thất nghiệp tăng cao do Covid-19, các cơ quan chức năng của Indonesia sẽ không dễ bỏ qua.

Bộ trưởng phụ trách hàng hải và đầu tư Luhut Pandjaitan, cánh tay phải đắc lực của Tổng thống Joko Widodo, đã khẳng định trong cuộc phỏng vấn gần đây với Nikkei Asia: “Không có lý do gì để chính phủ chúng tôi can thiệp. Nếu họ đồng ý về chung một nhà hoặc sáp nhập, đó là chuyện của họ”.

Tuy nhiên, đằng sau hậu trường, chính phủ giữ thái độ hoài nghi với vụ sáp nhập qui mô lớn như vậy. Chính phủ Indonesia đã đưa ra chính thức thông điệp “không can thiệp”, nhưng vẫn mong muốn sự cạnh tranh lành mạnh giữa hai hãng gọi xe lớn nhất Đông Nam Á. “Thị trường vì thế mà cân bằng. Nếu có chuyện hợp nhất và một đại công ty hình thành với sức khuynh loát thị trường, thì rõ ràng là không tốt và người tiêu dùng có thể bị thiệt”, một quan chức cấp cao khác của Indonesia phát biểu.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới