Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Thế nào là 18%?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Thế nào là 18%?

Nguyễn Vũ

(KTSG) – Trước kiến nghị của TPHCM với Chính phủ, Quốc hội muốn nâng tỷ lệ điều tiết ngân sách để lại cho địa phương giai đoạn 2022-2025 là 23% và giai đoạn 2026-2030 là 26% từ mức 18% hiện nay, có một số thông tin sai lệch cho rằng thực chất nhiều khoản thu tại TPHCM là do các địa phương khác làm ra, TPHCM thu được là do nơi này tập trung các đầu mối như cảng biển, sân bay, nơi đặt trụ sở chính của nhiều doanh nghiệp…

Dựa trên lập luận này, có một số ý kiến cho rằng tỷ lệ 18% thực ra không hẳn là thấp, vì ví dụ hàng hóa nhập khẩu tại TPHCM nhưng sau đó lan tỏa tiêu thụ khắp cả nước mà TPHCM vẫn được ghi nhận toàn bộ thuế nhập khẩu hay thuế giá trị gia tăng cho lượng hàng này!

Lập luận này hoàn toàn sai vì theo Luật Ngân sách nhà nước, thu ngân sách tại địa phương được chia làm ba nhóm gồm các khoản thu ngân sách trung ương hưởng 100%; các khoản thu ngân sách địa phương hưởng 100% và các khoản thu phân chia theo tỷ lệ phần trăm (%) giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương.

Chính vì thế các khoản như thuế giá trị gia tăng thu từ hàng hóa nhập khẩu; thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; thuế tiêu thụ đặc biệt từ hàng hóa nhập khẩu, bao gồm cả thuế tiêu thụ đặc biệt hàng hóa nhập khẩu do cơ sở kinh doanh nhập khẩu tiếp tục bán ra trong nước… dù do TPHCM thu nhưng sẽ phải nộp toàn bộ 100% cho trung ương. Vì thế không hề có chuyện gạo của cả đồng bằng sông Cửu Long hay đồ gỗ của các tỉnh xuất khẩu qua TPHCM thì nơi này được hưởng 18% theo tỷ lệ điều tiết hiện nay vì nếu có thu được đồng nào tất cả đều phải nộp về trung ương.

Luật Ngân sách nhà nước quy định rất chi tiết cho các trường hợp này; chẳng hạn, mọi khoản thu được từ hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí kể cả thuế tài nguyên, thuế thu nhập doanh nghiệp dù trụ sở của doanh nghiệp do đặt tại TPHCM nên nộp cho TPHCM thì cũng được tính vào nhóm các khoản thu ngân sách trung ương hưởng 100%. Thu ngân sách hàng năm của TPHCM chừng 400.000 tỉ đồng thì nhóm các khoản thu áp dụng tỷ lệ điều tiết chỉ chừng 150.000-200.000 tỉ đồng; lớn nhất vẫn là nhóm TPHCM thu hộ trung ương. Các khoản thu địa phương hưởng 100% như xổ số kiến thiết, phí, lệ phí… chiếm tỷ lệ nhỏ.

Điều đáng nói là trước năm 2017, tỷ lệ ngân sách TPHCM được giữ lại đã là 23% sau đó mới bị điều tiết xuống còn 18%. Đã có nhiều ý kiến nêu lên tính hợp lý của đề xuất nâng tỷ lệ này lên trở lại 23% vì nó không những có lợi cho TPHCM mà về lâu về dài còn có lợi cho ngân sách nhà nước trong kế hoạch nuôi dưỡng nguồn thu. Chính vì thế mà Thủ tướng Phạm Minh Chính nói sẽ ủng hộ tối đa kiến nghị của TPHCM và sẽ trình Quốc hội trong thời gian tới để áp dụng cho giai đoạn 2022-2025.

Dĩ nhiên trong kiến nghị với Chính phủ, Quốc hội, TPHCM không cần làm rõ khái niệm ba nhóm thu ngân sách như trong Luật Ngân sách nhà nước nhưng thiết nghĩ trong công tác truyền thông cho người dân, cần giải thích cho rõ để người bình thường hiểu trong khoản thu ngân sách hàng năm của TPHCM một tỷ lệ lớn là nộp về trung ương 100% và cái kiến nghị nâng từ 18% lên 23% là chỉ áp dụng cho một phần ngân sách thu được đó mà thôi. 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới