Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Thể thao và kinh doanh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Thể thao và kinh doanh

Thế vận hội Bắc Kinh có hơn 60 công ty Trung Quốc và nước ngoài tham gia tài trợ -Ảnh: Reuters

(TBKTSG Online)- Thể thao đã trở thành một ngành kinh doanh bạc tỉ đô la trên toàn cầu. Olympic Bắc Kinh 2008 đang đến gần, hãy thử điểm lại một số vấn đề xung quanh Thế vận hội lần này.

Một thế kỷ chờ đợi

Đối với đất nước Trung Quốc, một thế kỷ chờ đợi quả là khoảng thời gian dài. Năm 1908, khi Thế vận hội đổi mới lần thứ tư tổ chức tại London (Anh Quốc) đang diễn ra, một tờ tạp chí của Trung Quốc có tên là Tianjin Youth đã đặt ra ba câu hỏi: Đến bao giờ có một vận động viên Trung quốc tham gia Thế vận hội? Bao giờ Trung Quốc gửi một đoàn vận động viên? Và bao giờ Trung Quốc là nước chủ nhà tổ chức Thế vận hội?

Câu trả lời cho câu hỏi đầu tiên đến vào năm 1932, khi vận động viên chạy nước rút Liu Changchun đến tham dự Thế vận hội tại Los Angeles (Mỹ) từ một vùng quê ở đông bắc Trung Quốc. Dù chẳng mang về huy chương nào, anh ta cũng được người Trung Quốc nhớ đến như một anh hùng.

Trung Quốc đã gửi đoàn vận động viên tham dự các kỳ Thế vận hội 1936, 1948 và 1952, sau đó gián đoạn cho đến Thế vận hội mùa đông năm 1980. Bốn năm sau, khi Thế vận hội mùa hè tổ chức trở lại ở Los Angeles, vận động viên bắn súng Trung Quốc Xu Haifeng đã đem về cho nước này huy chương vàng đầu tiên.

Hiện nay, Trung Quốc đã có đầy đủ các câu trả lời cho ba câu hỏi được đặt ra cách đây một thế kỷ. Chỉ còn vài ngày nữa, Thế vận hội lớn nhất hành tinh sẽ diễn ra tại thủ đô Bắc Kinh. Những nhà tổ chức đang cố gắng đưa con số 8 may mắn vào chương trình càng nhiều càng tốt. Lễ khai mạc của Olympic 2008 sẽ bắt đầu vào lúc 8 giờ 8 phút tối 8-8.

Đây là Thế vận hội quy mô nhất từ trước đến nay, với 10.700 vận động viên đến từ hơn 200 nước, thi đấu 28 môn thể thao. Tháng 9 tới, Trung Quốc cũng là nước chủ nhà của Paralympics, quy tụ khoảng 4.000 vận động viên khuyết tật đến tham gia thi đấu. Trung Quốc đang hy vọng sẽ tổ chức tốt đẹp một lễ hội kéo dài 17 ngày của tinh thần thể thao và hữu nghị quốc tế.

Họ xem đây là cơ hội đánh dấu không chỉ sự trỗi dậy của một cường quốc kinh tế mà còn là một đất nước xứng đáng nhận được sự khâm phục và tôn trọng của phần còn lại của thế giới. Ngọn lửa Olympic được kỳ vọng như một ánh lửa xua đi những tăm tối của một năm nhiều thiên tai, từ những vụ lở tuyết vào đầu năm, đến vụ động đất vào tháng 5 đã lấy đi hàng chục nghìn nhân mạng. Đó là chưa kể những bất ổn từ khu vực Tây Tạng và những chỉ trích, tẩy chay liên quan đến chính trị của phương Tây thời gian qua.

Hơn thế nữa, Trung Quốc mong muốn trở thành một cường quốc về thể thao bên cạnh một cường quốc về kinh tế và các vấn đề quốc tế. Một số nhà phân tích cho rằng họ không ngạc nhiên nếu Trung Quốc dẫn đầu bảng tổng sắp huy chương tại Thế vận hội này.

Ngành kinh doanh bạc tỉ

Tuy nhiên, Thế vận hội còn được nhìn dưới một góc độ khác, đó là kinh doanh quốc tế. Những người thực sự tin tưởng vào tinh thần Olympic có thể không nhất trí với điều này.

Tổ chức Olympic Quốc tế luôn nhấn mạnh họ là một tổ chức phi lợi nhuận. Các vận động viên chỉ tranh nhau sự vinh quang của huy chương vàng, bạc, đồng, hoàn toàn không nhận tiền thưởng, nhưng hầu hết đều phấn khởi và nóng lòng được tham dự. Thật ra, ai cũng biết là một vận động viên giành được huy chương tại Thế vận hội, các phần thưởng về tài chính sẽ đến theo sau. Liên đoàn thể thao các nước sẽ nhiệt tình cung cấp các điều kiện thuận lợi cho những người chiến thắng, các nhà tài trợ cũng muốn hỗ trợ họ.

Đối với nhiều công ty, nhất là những công ty liên quan đến thể thao, đây là cơ hội tiếp thị bằng vàng. Các công ty khác, dù bán bất cứ sản phẩm hay dịch vụ nào, cũng có cơ hội tiếp cận 1,3 tỉ người dân tại một đất nước đang có tỷ lệ tăng trưởng kinh tế hàng năm lên hai con số, chưa kể hàng tỉ người khác đang theo dõi gián tiếp.

Nói như Martin Sorrell, giám đốc điều hành của hãng quảng cáo và tiếp thị khổng lồ WPP, không một công ty đa quốc gia nào đang nhắm phát triển kinh doanh ở thị trường Trung Quốc hay công ty nội địa nào đang tìm kiếm cơ hội phát triển ở bên trong  và bên ngoài thị trường này lại có thể ngoảnh mặt với cơ hội này.

Thế vận hội Bắc Kinh có hơn 60 công ty Trung Quốc và nước ngoài tham gia tài trợ. Trong số 12 nhà tài trợ chính, có Kodak, công ty tài trợ từ Thế vận hội đổi mới đầu tiên năm 1896, Coca-Cola, nhà tài trợ cho Thế vận hội từ năm 1928, đến công ty máy tính Lenovo của Trung Quốc bắt đầu đăng ký tham gia từ năm 2005. Trong vòng bốn năm qua, họ đã chi tổng cộng 866 triệu đô-la Mỹ bằng tiền, hàng hóa và giá trị dịch vụ.

“Hòn đá tảng” trong khía cạnh thương mại của Thế vận hội là mối quan hệ cộng sinh giữa thể thao và giới truyền thông. Phương tiện truyền thông chính hiện nay vẫn là truyền hình, nhưng ngày càng có nhiều người theo dõi các sự kiện thể thao qua máy tính và điện thoại di động.

“Cuộc hôn phối” giữa truyền thông và thể thao đã chứng tỏ sự bền vững do cả hai bên đều có lợi. Ngành kinh doanh thể thao dựa trên ý tưởng người ta sẵn sàng trả tiền để theo dõi những người khác thi đấu, và các phương tiện truyền thanh, truyền hình giúp mở rộng lượng khán giả từ vài nghìn ở sân vận động lên đến hàng triệu người ở bên ngoài.

Thể thao hiển nhiên đã trở thành một ngành kinh doanh toàn cầu, trước khi có khái niệm “toàn cầu hóa” rất lâu. Thể thao quy mô toàn cầu xuất hiện từ thế kỷ 19, và việc khai thác thương mại thể thao có từ trước đó. Điều mới hiện nay chính là mức độ thương mại hóa và mức độ bành trướng ra các thị trường mới nổi.

Dấu hiệu nổi bật đầu tiên là nguồn vốn đổ vào lĩnh vực thể thao đang xóa nhòa biên giới địa lý. Chẳng hạn, 9 trong số 20 câu lạc bộ bóng đá của giải Ngoại hạng Anh đang do người nước ngoài sở hữu. Một hoặc hai câu lạc bộ có thể là thú tiêu khiển của các đại gia, nhưng hầu hết được mua lại nhằm vào quyền truyền thông, bán vé và trị giá cổ phiếu.

Một dấu hiệu khác là sự hội nhập quốc tế của thị trường “lao động” trong lĩnh vực thể thao. Chẳng hạn, các cầu thủ bóng đá Brazil hay châu Phi đang tham gia các giải quốc gia từ Faroe Islands đến Việt Nam. Các nam nữ vận động viên thành công hiện nay đang có mức thu nhập mà các ngôi sao cách đây một thế hệ “không mơ thấy nổi”.

Thị trường các sản phẩm thể thao cũng đang tăng cường tính toàn cầu do các doanh nghiệp phương Tây nhắm nhiều hơn đến các thị trường đang phát triển đầy triển vọng. Bản thân các nền kinh tế này cũng đang nỗ lực tạo ra những ngành kinh doanh thể thao sôi động. Chẳng hạn, một số nước châu Á và Trung Đông đang muốn có những giải quần vợt hay đua xe quốc tế uy tín mang nhãn hiệu của chính họ. Trong tình hình đó, những sự kiện như Olympic Bắc Kinh tiếp tục là cú hích cho quá trình toàn cầu hóa thương mại lĩnh vực thể thao.

DANH VĂN (Theo The Economist)

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới