Thứ Năm, 18/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Thẻ xanh – nguy cơ bị ách tắc là rất lớn

Tấn Đức

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) – TPHCM sẽ bắt đầu mở cửa để nối lại dần các hoạt động kinh tế từ ngày 1-10 tới. Một trong những mối quan tâm hàng đầu của người dân thành phố hiện nay, và cả ở các tỉnh lân cận, là làm sao để nhận được thẻ xanh để có thể đi làm trở lại, trong đó lo lắng nhất là những F0 tự điều trị tại nhà mà không báo hoặc có báo nhưng vì lý do nào đó y tế phường không cập nhật vào danh sách.

So với nội dung phát biểu của một lãnh đạo Sở Y tế TPHCM trước đây, rằng không có cơ sở để cấp thẻ xanh cho những đối tượng này, thông báo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC) vào tối ngày 15-9, đã mở một lối ra, đó là có thể xin giấy xác nhận của tổ trưởng tổ dân phố, tổ nhân dân hoặc các tổ chăm sóc F0 tại nhà mà nhân sự do các trường đại học y khoa, các tổ chức thiện nguyện đảm trách, để làm căn cứ cấp thẻ xanh. Dù vậy đây mới chỉ là ý kiến của HCDC, và ngay cả khi ý kiến này trở thành quy định chính thức thì cũng còn không ít vấn đề cần giải quyết.

Trước hết, từ nay tới ngày 1-10 chỉ còn đúng một tuần, nhưng việc cấp thẻ cho người dân vẫn đang rất lúng túng, trong khi số người cần được cấp thẻ xanh, thẻ vàng ở TPHCM lên đến hàng triệu người. Việc tắc nghẽn, không thể đáp ứng kịp thời cho người lao động là điều chắc chắn sẽ xảy ra. Đây là điều thành phố cần có hướng chủ động xử lý.

Thứ hai, số người sinh sống ở TPHCM nhưng lại làm việc ở Bình Dương, Đồng Nai và ngược lại người sống ở hai địa phương này nhưng lại làm việc ở TPHCM lên đến hàng chục ngàn người. Đó là chưa kể người từ miền Trung, miền Bắc… quay lại thành phố và các tỉnh phía Nam để làm việc. Vậy việc phối hợp giữa TPHCM và các địa phương sẽ thế nào để người được cấp thẻ có thể đi lại thông suốt? Chẳng hạn như cơ sở dữ liệu về người được cấp thẻ xanh, thẻ vàng của các địa phương có đồng bộ và liên thông được với nhau không?

Vấn đề thứ ba, và cũng dễ ách tắc nhất, là liên quan đến các F0 tự điều trị tại nhà. Mặc dù yêu cầu của HCDC đưa ra, cho phép được sử dụng giấy xác nhận của tổ dân phố, tổ nhân dân và các tổ chức thiện nguyện chăm sóc F0 tại nhà, là khá thoáng, nhưng ngay cả như vậy thì cũng không tránh khỏi ách tắc.

Cần thấy rằng, việc một tổ trưởng dân phố, hay người của tổ chức thiện nguyện chăm sóc F0 tại nhà cấp giấy xác nhận cho người F0 là đồng nghĩa với việc họ phải ít nhiều gánh lấy một phần trách nhiệm về mình. Điều gì sẽ xảy ra với họ nếu người được họ cấp giấy xác nhận hóa ra lại không phải là F0, do kết quả test nhanh không chính xác chẳng hạn? Đây là vấn đề mà chính quyền TPHCM cần phải làm rõ, cụ thể là phải miễn trách nhiệm cho họ, bằng không việc tổ trưởng khu phố hay tổ chức chăm sóc F0 thiện nguyện từ chối ký giấy xác nhận là tình huống rất dễ xảy ra. Khi ấy, các F0 tự chăm sóc tại nhà sẽ tiến thoái lưỡng nan.

Để giải quyết phần nào khó khăn này, TPHCM cần xem xét bổ sung quy định cấp thẻ xanh cho những F0 tự chứng minh được mình từng là F0. Chẳng hạn như chỉ cần yêu cầu họ cung cấp giấy xét nghiệm PCR nếu có. Đồng thời cũng nên mở rộng cho phép chủ của các doanh nghiệp, lãnh đạo các tổ chức được quyền xác nhận cho nhân viên của họ. Vì trong thực tế có không ít doanh nghiệp đã tổ chức điều trị hoặc hỗ trợ điều trị cho nhân viên của họ không may bị nhiễm bệnh. Hơn nữa, vì mục tiêu an toàn cho người lao động nên doanh nghiệp cũng thường nắm thông tin về các ca F0 trong đơn vị của họ tốt hơn địa phương.

Sau cùng, việc chấp thuận cho căn cứ vào xác nhận của tổ trưởng dân phố, tổ chức chăm sóc F0 thiện nguyện để cấp thẻ xanh, cho dù được TPHCM thông qua thì quy định này cũng chỉ áp dụng được với TPHCM thôi. Còn với các F0 tự điều trị tại nhà ở các địa phương khác thì sao? Thẻ xanh TPHCM cấp cho các F0 do tổ trưởng khu phố, tổ chức thiện nguyện hỗ trợ điều trị F0 xác nhận có được các địa phương khác công nhận hay không?

Chúng ta đã từng mắc sai lầm khi mỗi địa phương chống dịch một kiểu, nay lại cũng rất dễ có những sai lầm nếu mỗi địa phương lại mở cửa một kiểu mà không có sự phối hợp liên vùng. Hậu quả thì người dân sẽ lại gánh hết.

1 BÌNH LUẬN

  1. Chuyện không mới, nhưng tôi (nhấn mạnh) vẫn phải nhắc lại, đó là thiết kế của cổng thông tin ‘tiemchungcovid19.gov.vn’ (TCCOVID) và ‘Sổ sức khoẻ điện tử’ (SSKĐT), mắc lỗi nghiêm trọng khi lấy số điện thoại (sđt) làm mã định danh (ID) cho người đăng ký tiêm chủng, người được tiêm chủng. Vì thực tế có nhiều trường hợp người trong gia đình sử dụng chung 1 sđt, nhất là những người lớn tuổi, học sinh, và ở khu vực nông thôn, hoặc người có thu nhập thấp. Những trường hợp này hệ thống TCCOVID, SSKĐT chỉ cho phép đăng ký/cập nhật một người duy nhất, những người đăng ký/cập nhật sau có cùng sđt sẽ bị từ chối. Do vậy họ không thể hiển thị trên TCCOVID, SSKĐT, thậm chí bị bỏ sót khi địa phương nhắn tin gọi đi tiêm chủng mũi 2, do hệ thống tự động chỉ lưu danh sách 1 sđt 1 người.

    Việc không được cập nhật lên TCCOVID, SSKĐT xác nhận đã tiêm chủng sẽ ngăn cản những người này tham gia vào các sinh hoạt đời sống hàng ngày, do không thể có thẻ xanh, nhất là không có mã QR để khai báo y tế điện tử (KBYTĐT). Nên họ không thể đến một số nơi công cộng yêu cầu phải quyét QR, mà không cho KBYT bằng giấy.

    Việc ràng buộc 1 sđt chỉ 1 người sử dụng, trong hoàn cảnh áp dụng các biện pháp phòng chống dịch covid hiện nay, sẽ dẫn đến hệ quả về lâu dài bắt buộc mỗi người dân phải tốn tiền mua SIM và đăng ký sđt. Và với việc áp dụng QR thì mỗi người dân, bất kể có nhiều tiền hay chạy ăn từng bữa, phải trang bị một điện thọai thông minh!. Ngay trước mắt không thể mua đâu được điện thoại, SIM điện thoại. Mà chưa chắc ai cũng cần thiết phải sử dụng dịch vụ viễn thông thường xuyên, và biết sử dụng điện thoại thông minh, nhất là người già, người không được nhanh nhẹn tháo vát. Đây là sự lãng phí xã hội khủng khiếp. Chính phủ rất cần thiết phải xem lại các biện pháp phòng chống dịch này, để bảo vệ lợi ích chính đáng của mọi người dân, để không ai bị bỏ lại phía sau.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới