Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Thêm 251 ca Covid-19 trong ngày 1-6, Đồng Tháp có ca mắc đầu tiên trong cộng đồng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Thêm 251 ca Covid-19 trong ngày 1-6, Đồng Tháp có ca mắc đầu tiên trong cộng đồng

Trung Chánh – Song Nguyên

(KTSG Online) – Theo bản tin của Bộ Y tế về tình hình dịch Covid-19, tính từ 12h đến 18h ngày 1-6, Việt Nam ghi nhận thêm 90 ca mắc mới (BN7483-7572). Như vậy, trong ngày1-6, Việt Nam ghi nhận thêm 251 ca mắc mới, gồm 1 ca cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại An Giang; 250 ca ghi nhận trong nước.

 

Thêm 251 ca Covid-19 trong ngày 1-6, Đồng Tháp có ca mắc đầu tiên trong cộng đồng
Hoạt động tiêm vaccine phòng Covid-19. Ảnh: Trung Chánh

Trong số 250 ca bệnh trong ngày hôm nay, tại Bắc Giang có 124 ca, TPHCM 70 ca, Bắc Ninh 34 ca, Lạng Sơn 12 ca, Long An 3 ca, Hà Nội 2 ca, Hà Nam 2 ca, Đồng Tháp 1 ca, Trà Vinh 1 ca và Vĩnh Phúc 1 ca.

Tính đến 18h ngày 1-6, Việt Nam có tổng cộng 6.065 ca ghi nhận trong nước và 1.507 ca nhập cảnh. Số lượng ca mắc mới tính từ ngày 27-4 đến nay: 4.495 ca.

Có 14 tỉnh (Yên Bái, Quảng Ngãi, Đồng Nai, Nghệ An, Quảng Ninh, Quảng Nam, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đắk Lắk, Nam Định, Hòa Bình, Tuyên Quang, Phú Thọ, Sơn La) đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp mắc mới.

Đồng Tháp có ca mắc Covid-19 đầu tiên trong cộng đồng

Chiều ngày 1-6, ông Đoàn Tấn Bửu, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp xác nhận, tại địa phương vừa xuất hiện 1 ca mắc Covid-19 trong cộng đồng là bệnh nhân nam ngụ tại xã Phú Điền, huyện Tháp Mười. Đây là trường hợp F1 của BN 7176 và BN 7177 mắc Covid-19 đã ghi nhận trước đó tại tỉnh Long An (BN 7176 và BN 7177 trước đó là F1 của BN 7059, có liên quan Hội thánh truyền giáo Phục Hưng, TPHCM – PV).

UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết, bệnh nhân nam nêu trên ở tỉnh Đồng Tháp từng tiếp xúc trực tiếp với BN 7176 và BN 7177 vào tối ngày 29-5 tại xã Tân Thành, huyện Tân Thạnh, tỉnh Long An. Đến sáng 30-5, bệnh nhân này về huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp.

Tối ngày 30-5, bệnh nhân được đưa đi cách ly tập trung tại huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp  trong tình trạng sức khoẻ ổn định, không ho hay khó thở.

Chiều nay, 1-6, bệnh nhân có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 và hiện đang được theo dõi, điều trị tại Trung tâm Y tế huyện Hồng Ngự.

Qua truy vết ban đầu, xác định tổng cộng 11 trường hợp F1 tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân, trong đó, có 9 F1 ở các xã Đốc Binh Kiều, Mỹ An, Phú Điền và thị trấn Mỹ An, huyện Tháp Mười và 2 F1 ở huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang. Các F1 của bệnh nhân này đang được cách ly tập trung và lấy mẫu xét nghiệm.

Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Đồng Tháp cũng đã chỉ đạo các ngành và địa phương liên quan khẩn trương thực hiện các biện pháp ứng phó như: phun xịt khử khuẩn tại các địa điểm liên quan, thần tốc truy vết, khoanh vùng, cách ly, dập dịch. Hiện ngành chức năng đang truy vết, yêu cầu cách ly tại nhà đối các trường hợp F2 và F3, trong đó, bước đầu xác định có 45 F2, 66 F3.

TPHCM cần chặn đứng chuỗi lây nhiễm liên quan đến nhóm sinh hoạt tôn giáo

TPHCM cần chặn đứng chuỗi lây nhiễm của ổ dịch xuất phát từ điểm nhóm sinh hoạt tôn giáo Hội thánh truyền giáo Phục Hưng, không để dịch tiếp tục lây lan ra cộng đồng; đồng thời có phương án tầm soát diện rộng, phát hiện sớm các ca mắc mới trong cộng đồng, vừa bảo vệ thành quả chống dịch vừa đảm bảo hoạt động sản xuất, nhất là tại các khu công nghiệp, khu chế xuất.

Đây là nội dung được đặc biệt nhấn mạnh tại buổi làm việc của Đoàn công tác Chính phủ do Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình dẫn đầu với Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TPHCM ngày 1-6, theo TTXVN.

Ông Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TPHCM, cho biết tính đến sáng 1-6, TPHCM có 538 trường hợp mắc bệnh.

Chỉ riêng từ ngày 26-5 đến nay, trên địa bàn ghi nhận 211 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2. Tất cả đều liên quan đến ổ dịch xảy ra tại điểm nhóm sinh hoạt tôn giáo Hội thánh truyền giáo Phục Hưng. Từ điểm nhóm sinh hoạt của Hội thánh truyền giáo Phục Hưng đã có hơn 200 ca dương tính, hơn 2.500 F1, F2 tại 22/24 quận huyện trên địa bàn TPHCM (trừ quận 11 và huyện Cần Giờ) và 11 ca bệnh tại các tỉnh, thành khác.

Trước nguy cơ dịch bệnh lây rộng trong cộng đồng, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TPHCM, cho rằng giải pháp kiểm soát hiệu quả dịch bệnh lâu dài là đảm bảo độ bao phủ tiêm vaccine phòng Covid-19 cho người dân.

Tuy nhiên, hiện nay số lượng vaccine cung ứng cho TPHCM còn rất hạn chế. Số người trên 18 tuổi của Thành phố là 7.202.176 người, các nhóm đối tượng quy định tại Nghị quyết số 2/NQ-CP ngày 26/02/2021 của Chính phủ do ngân sách hỗ trợ được Thành phố đăng ký với Bộ Y tế là 1.211.641 người.

Như vậy, số người trong diện còn lại phải tiêm từ kinh phí của Thành phố, bao gồm cả nguồn do các tổ chức, cá nhân sử dụng vaccine tự nguyện chi trả là khoảng 6 triệu người.

Vì thế, lãnh đạo Thành phố kiến nghị Chính phủ, Bộ Y tế hỗ trợ tìm nguồn cung vaccine (đàm phán, cấp phép) và cơ chế tài chính để có thể chủ động cung ứng vaccine cho người dân Thành phố.

“Chỉ thực hiện 5K thôi thì chưa đủ cần phải có thêm cả vaccine mới có thể giải quyết được tình hình,” ông Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh.

Tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết ca bệnh đầu tiên khởi phát từ ngày 13-5 nhưng đến ngày 26-5 TPHCM mới phát hiện ra. Như vậy, thời điểm phát hiện ra chuỗi ca bệnh bị chậm từ 13-14 ngày, tương đương với 4-5 chu kỳ.

Trong khi đó, chủng virus SARS-CoV-2 được phát hiện lần đầu tiên tại Ấn Độ là chủng có tốc độ lây lan nhanh, mỗi chu kỳ virus lại lây lan theo cấp số nhân.

“Có thể nói đây là một trong những ổ dịch nguy hiểm nhất, khó kiểm soát nhất trong phòng, chống dịch Covid-19 ở TPHCM từ trước đến nay,” Bộ trưởng Bộ Y tế nhận định. Trong thời gian tới TPHCM sẽ tiếp tục xuất hiện thêm các ca bệnh mới bởi dịch bệnh đã xâm nhập vào các văn phòng, công ty, khu công nghiệp…; đặc biệt, cần cảnh giác đối với các ca bệnh xâm nhập không rõ nguồn lây.

Do đó, Thành phố cần tập trung lực lượng để giảm tốc độ lây lan của dịch bệnh, đồng thời cần tập trung cao độ cho việc phòng dịch ở các khu công nghiệp, khu chế xuất.Bên cạnh đó, Thành phố cũng cần đánh giá nguy cơ lây nhiễm của từng khu vực theo các mức: Khu vực bình thường mới, khu vực nguy cơ, khu vực nguy cơ cao và khu vực nguy cơ rất cao; trong đó luôn luôn phải đặt mức độ nguy cơ cao hơn so với thực tế.

Liên quan đến vấn đề vaccine phòng Covid-19, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết trong thời gian tới sẽ tăng thêm nguồn vaccine phân bổ cho TPHCM, đồng thời tạo điều kiện để Thành phố có thể chủ động mua vaccine từ các nhà sản xuất.

Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đánh giá cao nỗ lực của TPHCM trong công tác phòng, chống dịch bệnh thời gian qua. Theo ông, nguy cơ dịch bệnh tiếp tục gia tăng tại TPHCM là rất lớn và Thành phố cần có những giải pháp quyết liệt hơn, mạnh tay hơn để chặn đứng đà lây nhiễm của ổ dịch liên quan đến điểm sinh hoạt tôn giáo trên địa bàn.

“Mặc dù chúng ta vẫn ở trong thế chủ động kiểm soát nhưng nếu lơ là, mất cảnh giác thì hậu quả sẽ rất khó lường. Do đó chúng ta cần kiên quyết, chủ động phòng ngừa, tấn công, ngăn chặn, kiểm soát không để dịch lây lan. TPHCM cần dập tắt ngay ổ dịch lớn này”, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình chỉ đạo.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới