Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Thêm 35.000 cử nhân, thạc sĩ gia nhập hàng ngũ “thất nghiệp”

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Thêm 35.000 cử nhân, thạc sĩ gia nhập hàng ngũ “thất nghiệp”

Thùy Dung

Thêm 35.000 cử nhân, thạc sĩ gia nhập hàng ngũ “thất nghiệp”
Lao động có trình độ đại học trở lên vẫn tiếp tục thất nghiệp. Ảnh: Thùy Dung.

(TBKTSG Online) – Chỉ riêng trong quý 1-2016 đã có thêm 35.400 lao động có trình độ đại học trở lên thất nghiệp, nâng tổng số cử nhân, kỹ sư, thạc sĩ, tiến sĩ thất nghiệp lên con số 190.900 người, tăng 22,8% so với quý 4-2015.

Theo bản tin cập nhật thị trường lao động Việt Nam số 9 do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) thực hiện, quý 1-2016, cả nước có 1,07 triệu người trong độ tuổi lao động bị thất nghiệp, tăng 20.700 người so với quý 4-2015. Theo đó, tỉ lệ thất nghiệp chung cả nước quý 1-2016 là 2,25%, tăng so với con số 2,18% của quý trước đó.

Nhóm thanh niên (15-24 tuổi) có 540.700 người thất nghiệp, giảm 18.700 người so với quý 4-2015 nhưng vẫn chiếm đến hơn một nửa tổng số người thất nghiệp. Tỷ lệ thất nghiệp thanh niên là 6,63%, thấp hơn so với quý 4/2015 và cùng kỳ năm 2015. Tuy nhiên, tỷ lệ thất nghiệp trong thanh niên thành thị, thanh niên từ 20-24 tuổi có trình độ cao đẳng chuyên nghiệp và trình độ đại học trở lên vẫn rất đáng lo ngại, tương ứng là 10,2%, 16,3% và 19,6%.

Trong số những người bị thất nghiệp, có 441.100 người có chuyên môn kỹ thuật, chiếm tới hơn 40% tổng số người thất nghiệp, tăng 23.700 người so với quý 4-2015. Đặc biệt, trong số lượng người thất nghiệp có chuyên môn kỹ thuật thì số lao động có bằng đại học trở lên có số lượng nhiều nhất và đang có xu hướng tăng lên.

Riêng quý 1-2016 có tới 190.900 lao động có trình độ đại học trở lên thất nghiệp, tăng 22,8% so với quý 4-2015, đồng thời chiếm tới hơn 43% số lao động có chuyên môn kỹ thuật thất nghiệp. Tiếp đến là cao đẳng chuyên nghiệp cũng có số lượng thất nghiệp lớn, chiếm tới gần 27% số lao động có chuyên môn kỹ thuật thất nghiệp.

Theo ông Doãn Mậu Diệp, Thứ trưởng Bộ LĐTBXH, phân tích thị trường lao động quý 1-2016 cho thấy, tỉ lệ thất nghiệp nhóm thanh niên và lao động qua đào tạo vẫn ở mức cao. Số thất nghiệp ở trình độ đại học trở lên cao nhất và có xu hướng tăng lên.

“Nếu xét theo trình độ học vấn thì càng học lên cao thì số lượng thất nghiệp càng lớn”, ông Diệp nói.

Trong khi đó, số lượng lao động có bằng đại học trở lên được đào tạo ra trường vẫn liên tục tăng. Theo bản tin, so với quý 4-2015, lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật từ đại học trở lên tăng 134.000 người, tương đương tăng 2,77%; cao đẳng chuyên nghiệp tăng 45.000 người, tương đương tăng 3,06%.

Do đó, tương quan trình độ giữa đại học trở lên – cao đẳng – trung cấp – sơ cấp là: 1 – 0,35 – 0,57 – 0,35.

Giải thích về số lao động thất nghiệp có bằng đại học trở lên tăng mạnh, ông Đào Quang Vinh, trưởng ban biên tập bản tin, cho hay tốc độ tăng GDP quý 1-2016 giảm chỉ còn 5,5%, thấp hơn so với con số 7% của quý trước và 6,1% cùng kỳ năm trước, nên số việc làm tạo ra cho người lao động cũng giảm theo. Hơn nữa, nhu cầu tuyển dụng lao động trong quý 1-2016 cũng rất đặc biệt, tức tăng số lao động phổ thông, lao động có trình độ tay nghề thấp và ít có nhu cầu tuyển lao động có trình độ đại học trở lên và cao đẳng chuyên nghiệp.

Bên cạnh đó, so với các nước, tương quan trình độ giữa đại học trở lên – cao đẳng – trung cấp – sơ cấp là: 1 – 0,35 – 0,57 – 0,35 là rất bất cập vì trình độ công nhân lành nghề chiếm tỉ lệ quá thấp. “Thế giới cũng không đưa ra được tỉ lệ nào là hợp lý nhưng tỉ lệ công nhân kỹ thuật phải cao hơn so với trình độ đại học và tỉ lệ này phải theo hình chóp, tức càng trình độ cao thì tỉ lệ lao động càng thấp”, ông Vinh nói.

Nợ bảo hiểm xã hội tăng đột biến

Cũng theo bản tin này, nợ bảo hiểm xã hội (BHXH) quý 1-2016 lên tới con số 9.537 tỉ đồng, tăng hơn 67% so với quý 4-2015 và tăng hơn 10% so với cùng kỳ năm trước.

Điều này là khá bất thường khi từ ngày 1-1-2016, Luật Bảo hiểm xã hội (2014) có hiệu lực với một số điểm mới như tổ chức Công đoàn có quyền khởi kiện doanh nghiệp nếu doanh nghiệp vi phạm các quy định của pháp luật về BHXH; Người lao động được quyền tự quản lý sổ bảo hiểm xã hội của mình; Định kỳ 6 tháng, doanh nghiệp niêm yết công khai thông tin về việc đóng BHXH cho người lao động; định kỳ hằng năm, niêm yết công khai thông tin đóng BHXH của người lao động do cơ quan BHXH cung cấp.

Theo giải thích của ông Đào Quang Vinh, số nợ đóng BHXH cao trong quý 1 là do đầu năm, các doanh nghiệp đang tập trung nguồn lực để giải quyết nhu cầu trước mắt như tiền thưởng tết cho công nhân, tăng tiền lương đầu năm do tiền lương tối thiểu tăng. Đồng thời, thời điểm đầu năm, các doanh nghiệp vẫn chưa coi việc đóng BHXH là ưu tiên mà thông thường sẽ tập trung đóng vào các quý sau.

Song, giải thích này có vẻ không hợp lý khi so với cùng kỳ năm trước, tức quý 1-2015, thì số nợ đóng BHXH bắt buộc quý 1-2016 vẫn tăng hơn 10%.

Đọc thêm:

Phạt tù từ 2 – 10 năm nếu chiếm đoạt tiền bảo hiểm xã hội

Thất nghiệp của cử nhân đại học ngày càng tăng

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới