Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Thêm các dự án về môi trường tại TPHCM

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Thêm các dự án về môi trường tại TPHCM

Ông Faizal Bin Abdullah (trái), phó chủ tịch Tập đoàn Wijaya Baru và ông Trần Quang Phượng, giám đốc Sở GTCC thành phố ký kết biên bản ghi nhớ về dự án môi trường – ẢNH: VĂN NAM

(TBKTSG Online) – Sáng 2-2, Tập đoàn Wijaya Baru của Malaysia đã ký biên bản ghi nhớ với Sở Giao thông công chính và Sở Tài nguyên Môi trường TPHCM về triển khai đầu tư hai dự án môi trường quan trọng tại thành phố.

Theo biên bản ghi nhớ với Sở Giao thông công chính, Wijaya Baru sẽ triển khai dự án xây dựng nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt cho lưu vực kênh Nhiêu Lộc-Thị Nghè tại quận 2, dự án vệ sinh môi trường khu vực Cầu Sơn-Cầu Bông-Rạch Lăng và Rạch Văn Thánh tại quận Bình Thạnh và dự án xây dựng đường trên cao số 2.

Biên bản ghi nhớ thứ hai được ký kết giữa tập đoàn này và Sở Tài nguyên Môi trường thành phố về việc tham gia nghiên cứu dự án thu gom, xử lý và tiêu hủy rác thải thành phố.

Wijaya Baru là một tập đoàn lớn tại Malaysia, hoạt động trong các lĩnh vực như xây dựng, phát triển các dự án hạ tầng, địa ốc và sản xuất chế biến các sản phẩm từ gỗ.

Ông Faizal Bin Abdullah, Phó chủ tịch Wijaya Baru cho biết đây sẽ là các dự án về môi trường đầu tiên mà tập đoàn này thực hiện tại Việt Nam.

Ngay sau khi biên bản ghi nhớ được ký kết, Wijaya Baru sẽ bắt tay vào việc nghiên cứu khả thi, khảo sát thực tế tại các địa điểm triển khai dự án trong thời gian từ 6 – 8 tháng, sau đó sẽ tiến hành đầu tư ngay hai dự án này nếu được sự chấp thuận cuối cùng của chính quyền thành phố, ông Abdullah cho biết.

“Theo kinh nghiệm riêng của chúng tôi, để triển khai một dự án có qui mô tương tự như dự án được ký kết với Sở Giao thông công chính, tổng vốn đầu tư sẽ là khoảng 600 triệu đô la Mỹ và mất từ 5 – 6 năm để hoàn thành dự án. Riêng dự án án thu gom, xử lý và tiêu hủy rác được ký với Sở Tài nguyên môi trường cũng có tổng vốn đầu tư ước khoảng 300 triệu đô la Mỹ”, ông Faizal Bin Abdullah cho TBKTSG Online biết ngay sau buổi lễ ký kết sáng nay.

Phó chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Trung Tín cho rằng, thành phố đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc giải quyết các vấn đề giao thông và môi trường trong những năm gần đây. Do đó, hai dự án này được thành phố đặc biệt quan tâm vì không chỉ đóng góp cho thành phố về mặc kinh tế xã hội, mà còn có ý nghĩa góp phần vào việc bảo vệ môi trường cho thành phố trong tương lai.

Trước đây, thành phố đã có kế hoạch sử dụng vốn ngân sách để triển khai một số dự án cải tạo môi trường các tuyến kênh rạch nhỏ như Rạch Cầu Sơn, Rạch Cầu Bông ở Bình Thạnh và Rạch Ông Búp ở quận Bình Tân. Tuy nhiên theo Sở Giao thông công chính thành phố, dự án Rạch Cầu Sơn-Cầu Bông ở Bình Thạnh vẫn đang gặp rất nhiều trở ngại do số lượng hộ cần giải phóng mặt bằng quá lớn, lên đến khoảng 3.000 hộ.       

Theo Sở Giao thông công chính thành phố, trên địa bàn toàn thành phố có tổng cộng 378 tuyến kênh, rạch với tổng chiều dài khoảng 1.200 km. Trong đó, 500 km được sử dụng cho giao thông thủy, 700 km còn lại sử dụng cho tiêu thoát nước.

Hiện nay, lượng nước thải sinh hoạt chưa qua xử lý từ các khu dân cư của thành phố thải ra kênh rạch mỗi ngày khoảng 1,2 triệu mét khối.

VĂN NAM 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới