Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Thêm khó khăn cho người nghèo

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Thêm khó khăn cho người nghèo

(TBKTSG) – Cuộc sống của những người nghèo vốn đã khó khăn do giá cả các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu leo thang, thì nay lại càng khốn khó hơn khi thiên tai, dịch bệnh liên tiếp xảy ra, giết chết hàng trăm ngàn gia súc, gia cầm và hàng trăm ngàn héc ta hoa màu bị mất trắng.

Đợt rét đậm, rét hại ở các tỉnh phía Bắc gây thiệt hại hơn 180.000 trâu, bò và trên 200.000 héc ta lúa cùng hoa màu vừa dứt thì dịch cúm gia cầm và heo tai xanh đã ập đến với sức tàn phá còn mạnh hơn. Đến nay, cả nước đã phải tiêu hủy hơn 110.000 con heo bị mắc bệnh, trong khi số xã phát dịch vẫn đang tăng lên từng ngày.

Tai họa mà người nông dân nghèo phải gánh chịu trong năm nay có thể còn chưa dừng lại, vì theo dự báo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, vụ lúa đông xuân vừa cấy xong ở các tỉnh phía Bắc có đến 50% khả năng bị mất mùa do hạn hán.

Thiên tai, dịch bệnh được các cơ quan quản lý nhà nước xem là yếu tố khách quan gây ra thiệt hại. Nhưng suy cho cùng, trong nhiều trường hợp đó cũng là hậu quả của việc hủy hoại môi trường sống do chính con người gây nên.

Tình trạng phá rừng diễn ra trên diện rộng để lấy gỗ, đất canh tác và nguồn khoáng sản trong lòng đất đã trực tiếp gây ra những trận lũ quét kinh hoàng trong mùa mưa và hạn hán vào mùa khô. Sự phát triển ồ ạt các khu công nghiệp, trong khi vấn đề bảo vệ môi trường lại không được quan tâm đúng mức, làm cho nguồn nước bị ô nhiễm trầm trọng. Còn người dân nông thôn thì chẳng còn cách nào khác, đành phải sử dụng nguồn nước đó để tưới tiêu, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của gia đình, nên dịch bệnh xảy ra là khó tránh khỏi.

Môi trường sống bị hủy hoại phần nào bắt nguồn từ tầm nhìn hạn hẹp và sự quản lý yếu kém của các cơ quan nhà nước. Suốt một thời gian dài, để đạt được mục tiêu thu hút vốn đầu tư, Việt Nam đã dễ dãi cấp phép cho nhiều dự án nguy hại cho môi trường và cho nhập khẩu thoải mái những thiết bị, phương tiện vận tải cũ nát, lạc hậu. Tình trạng chủ đầu tư khu công nghiệp tìm cách trì hoãn việc đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải kéo dài và năm nào cơ quan nhà nước cũng kiểm tra, nhưng đến nay vẫn không thể xử lý dứt điểm.

Thiên tai, dịch bệnh còn là mối đe dọa lớn đối với sự phát triển ổn định của nền kinh tế và tăng nguy cơ lạm phát. Theo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh gây ra trong hai năm 2006-2007 lên đến 33.600 tỉ đồng.

Hiện nay, tốc độ tăng GDP của Việt Nam chưa sụt giảm nhiều là nhờ sự phát triển cao ở khu vực dịch vụ và nông nghiệp. Tuy nhiên, nếu chúng ta không kiểm soát được dịch bệnh, đặc biệt là dịch tiêu chảy cấp có mầm bệnh tả đã lan ra 18 tỉnh, thành phố, thì các mục tiêu chống lạm phát và tăng trưởng kinh tế trong năm nay sẽ khó mà thực hiện.

Thời báo Kinh tế Sài Gòn

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới