Thêm nhiều doanh nghiệp có kế hoạch sáp nhập
Thanh Thương
Đại hội đồng cổ đông ngày 7-5 của Công ty cổ phần Kinh Đô miền Bắc biểu quyết thông qua tờ trình sáp nhập vào Công ty Cổ phần Kinh Đô. Ảnh: Thanh Thương |
(TBKTSG Online) – Sau các thương vụ sáp nhập doanh nghiệp (M&A) thành công của Miare Fiber (KMF) và Miare (KMR), Xi măng Hà Tiên 1 và Hà Tiên 2 trong năm 2009, đến nay có thêm nhiều doanh nghiệp đã có kế hoạch sáp nhập trong mục tiêu tăng quy mô, sức mạnh. Mặt khác, theo các chuyên gia, thủ tục pháp lý đối với việc sáp nhập đã đơn giản và nhanh hơn.
>> Sáp nhập doanh nghiệp niêm yết – không dễ
Ngày 27, 28-4 vừa qua, đại hội đồng cổ đông của hai công ty Phát triển đô thị Kinh Bắc (KBC) và Viễn thông Sài Gòn (SaigonTel – SGT) đã thông qua chủ trương sáp nhập hai doanh nghiệp này. Cụ thể là KBC sẽ mua lại 100% vốn của SGT. Cả hai công ty là thành viên của tập đoàn Đầu tư Sài Gòn (SGI) nên việc sáp nhập sẽ làm tăng quy mô hoạt động, thị phần và tài sản.
Mới đây, một thương vụ sáp nhập khác đang được giới đầu tư chú ý là giữa Công ty cổ phần Kinh Đô và Công ty cổ phần Kinh Đô miền Bắc. Thực ra, thương vụ này đã có chủ trương từ cách nay 5 năm, đã được cuộc họp đại hội đồng cổ đông các năm trước thông qua, nhưng cho đến tận ngày 7 và 8-5-2010 thì mới chính thức công bố tỷ lệ hoán đổi và đã được đại hội đồng cổ đông hai công ty đồng thuận. Theo đó, tỷ lệ hoán đổi sẽ là 1,1 cổ phiếu của Kinh Đô miền Bắc (NKD) đổi được 1 cổ phiếu của Công ty cổ phần Kinh Đô (KDC).
Trao đổi với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online, ông Võ Hữu Tuấn, Giám đốc điều hành Công ty chứng khoán Bảo Việt, công ty tư vấn cho hoạt động sáp nhập của KDC trong 5 năm qua, cho biết mục đích của việc sáp nhập NKD vào KDC là nhằm nâng cao năng lực tài chính và tận dụng được kênh phân phối trên cả hai miền. Bên cạnh đó, việc sáp nhập 2 công ty cùng kinh doanh bánh kẹo này sẽ củng cố được thương hiệu mạnh của bánh kẹo Kinh Đô, dễ thu hút được nguồn vốn mạnh từ cổ đông bên ngoài.
Lý giải vì sao phải qua một quá trình dài thì việc sáp nhập của KDC mới đi đến hồi kết, ông Tuấn cho rằng các ngăn trở về thủ tục pháp lý là nguyên nhân chính. Vì trước đó, các cơ quan quản lý còn khá lúng túng khi tính toán các quy trình cho hai doanh nghiệp niêm yết sáp nhập. Sau Hà Tiên và Miare thì đến nay lộ trình đã được thông thoáng hơn.
Ông Tuấn cũng dự báo sẽ có thêm nhiều doanh nghiệp sáp nhập trong năm 2010, trong đó có các ngân hàng. Ông cho rằng, sau khi kinh tế trải qua nhiều khó khăn do khủng hoảng, việc doanh nghiệp tìm đến nhau để tận dụng lợi thế của nhau là điều dễ hiểu. Nhiều công ty khi lâm vào hoàn cảnh bế tắc, được các công ty khác hỗ trợ về vốn để tiếp tục tồn tại nên chấp nhận sáp nhập. Ở phía ngược lại, các công ty lớn đã tận dụng cơ hội để mua lại các doanh nghiệp yếu hơn với giá rẻ hơn so với trước khủng hoảng để mở rộng hoạt động kinh doanh.
Điều hiện nay đang gây khó khăn nhất cho việc sáp nhập vẫn là tỷ lệ hoán đổi, như phải qua hai lần đại hội thì Hà Tiên 2 mới đồng ý sáp nhập vào Hà Tiên 1 với tỷ lệ 1:1. Các công ty khác khi trình tỷ lệ hoán đổi trước đại hội đồng cổ đông cũng bị chất vấn mạnh mẽ.
Theo ông Đinh Quang Hoàn, Giám đốc Tư vấn tài chính doanh nghiệp Công ty chứng khoán Bản Việt thì mục đích nắm giữ cổ phiếu của các cổ đông khác nhau nên dẫn đến tình trạng khó đồng thuận tỷ lệ sáp nhập. “Vì vậy cái khó là công ty tư vấn là phải tính toán sao cho tỷ lệ sáp nhập mang lại lợi ích hợp lý cho cả đôi bên”, ông Hoàn nói thêm.
Việc sáp nhập của Kinh Đô chưa dừng lại ở đó. Kinh Đô trong cuộc họp đại hội đồng cổ đông lần này cũng đã được cổ đông đồng ý về tỷ lệ hoán đổi của Công ty Kem Kido khi sáp nhập vào Kinh Đô là tỉ lệ 1,1:1. Và Kinh Đô cũng xin ý kiến cổ đông về chủ trương sáp nhập công ty con là Vinabico.
Theo ông Trần Kim Thành, Chủ tịch hội đồng quản trị của Kinh Đô thì trong thời gian tới, Kinh Đô cũng sẽ xem xét việc sáp nhập Kinh Đô Bakery và Tribeco cùng các công ty khác vào Kinh Đô để giúp cho tập đoàn ngày một lớn mạnh hơn.
Tập đoàn Dầu khí Việt Nam cũng vừa công bố, sẽ thực hiện sáp nhập nhiều công ty con trực thuộc tập đoàn. Một số doanh nghiệp niêm yết tại sàn Hà Nội là các công ty con của Tổng công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex) cũng đang manh nha kế hoạch sáp nhập.