Thứ Ba, 16/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Thêm nhiều ngân hàng đạt chuẩn Basel II

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Thêm nhiều ngân hàng đạt chuẩn Basel II

Dũng Nguyễn

(TBKTSG Online) – Ngân hàng Nhà nước vừa công nhận thêm 2 ngân hàng nội đạt chuẩn về tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu theo thông tư 41. Như vậy tính đến nay có 12 ngân hàng nội và 1 ngân hàng ngoại được áp dụng chuẩn Basel II sớm hơn thời hạn quy định.

Xem thêm >>>

10 ngân hàng cán đích sớm lộ trình Basel II

Mới đây, Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank) chính thức được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công nhận đạt chuẩn về tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu theo chuẩn mực quốc tế Basel II theo Quyết định 2263.

SeABank cũng vừa hoàn thành việc tăng vốn điều lệ lên 9.369 tỉ đồng, lần đầu được tổ chức xếp hạng tín nhiệm Moody’s xếp hạng tín nhiệm dài hạn mức B1.

SEABank là cái tên mới nhất được cơ quan quản lý chấp thuận áp dụng sớm Thông tư 41. Nguồn: ngân hàng cung cấp.

Trước đó, NHNN cũng đã cho phép ngân hàng TMCP Bản Việt (Viet Capital Bank) áp dụng Thông tư 41/2016 trước thời hạn. Ngân hàng Bản Việt cho biết đã thành lập dự án triển khai quản trị rủi ro theo chuẩn mực Basel II từ năm 2017.

Như vậy, tính đến nay có 12 ngân hàng nội được Thống đốc có quyết định áp dụng thông tư 41 trước thời hạn bao gồm: Vietcombank, VIB, OCB, VPBank, MBB, ACB, TPBank, Techcombank, MSB, HDBank, VietCapital Bank, SEABank và bổ sung thêm một ngân hàng ngoại là Shinhan Bank.

Cập nhật trước đó của Ngân Nhà nước cho biết đến nay có khoảng 17 Ngân hàng Thương mại đăng ký áp dụng Thông tư 41 trước thời hạn (bao gồm 15 Ngân hàng thương mại trong nước và 2 ngân hàng 100% vốn nước ngoài).

Trước đó, Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư số 41 năm 2016, quy định về tỷ lệ an toàn vốn (CAR) đối với ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Theo đó, tỷ lệ CAR mà các ngân hàng thương mại đáp ứng tối thiểu là 8%. Mặc dù thấp hơn so với con số trước đó là 9% (theo Thông tư 36/2014 của Ngân hàng Nhà nước) nhưng cách tính thì lại phức tạp hơn, cộng thêm nhiều rủi ro khác nhau nên tỷ lệ CAR có thể giảm từ 1-3 điểm phần trăm so với chuẩn cũ.

Theo lộ trình của NHNN đặt ra, năm 2019 sẽ có khoảng 10 ngân hàng thương mại áp dụng chuẩn mực an toàn vốn theo phương pháp tiêu chuẩn (trụ cột 1 và 3). Sau đó, kể từ đầu năm 2020, tất cả ngân hàng, chi nhánh Ngân hàng nước ngoài phải tuân thủ quy định tỷ lệ an toàn vốn tại Thông tư 41 (theo trụ cột 1 và trụ cột 3). Đến năm 2021, các tổ chức tín dụng phải áp dụng quy trình đánh giá nội bộ mức độ đủ vốn (tức trụ cột 2).

Mới đây, Cơ quan thanh tra giám sát, Ngân hàng nhà nước nhận định, dựa trên những con số tỷ lệ an toàn vốn cập nhật từ các ngân hàng thương mại tính đến thời điểm tháng 6-2019 thì lộ trình triển khai Basel II sẽ đi đúng như dự kiến

Một trong những khó khăn khi triển khai chuẩn hoạt động mới là chi phí đầu tư.  Thống kê cho thấy cần khoảng 10 – 15 triệu đô la để triển khai dự án đáp ứng Basel II, tùy thuộc vào tính chất, quy mô của ngân hàng. Bên cạnh đó, các ngân hàng còn gặp thách thức phải thay đổi hệ thống quản trị, công nghệ thông tin, nguồn nhân lực và phải bổ sung dữ liệu các khoản vay đầy đủ và chính xác.

Basel II là phiên bản thứ 2 của Hiệp ước vốn Basel, quy định các nguyên tắc chung mà ngân hàng phải tuân thủ, được nhiều ngân hàng trên thế giới hiện. Nhìn chung yêu cầu các khoản vay từ các ngân hàng thương mại phải được tính toán đầy đủ những rủi ro. Vì thế các ngân hàng cần nhiều vốn hơn cho cùng một khoản vay so với thời điểm trước khi áp dụng tiêu chuẩn Basel II.

Basel II có ba trụ cột chính, bao gồm yêu cầu về tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu (CAR), rà soát giám sát (quy trình đánh giá an toàn vốn tổng thể và chiến lược để duy trì mức vốn với khuyến nghị các ngân hàng cần duy trì vốn ở mức cao hơn mức tối thiểu và có hệ thống giám sát nhằm ngăn chặn vốn giảm xuống dưới mức tối thiểu), và trụ cột 3 là thực hiện các nguyên tắc thị trường.

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới