Thứ Năm, 28/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Theo chân Jules Verne Lao vào chốn thiên nhiên kỳ thú

Ngọc Trân

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) – Nhà văn Jules Verne đã phổ thông hóa những kiến thức mới mẻ vào thời của ông, thông qua tiểu thuyết theo lối kể chuyện cổ điển về những cuộc du hành tưởng tượng trên nền tảng khoa học vững chắc.

Ấn bản mới Hai vạn dặm dưới biển.

Đầu năm 2022, một hội đoàn tổ chức lễ kỷ niệm 194 năm ngày sinh của Jules Verne. Mà khá rầm rộ. Trung ương Hội Trí thức khoa học và công nghệ trẻ Việt Nam cho biết sẽ mở hội thảo về nhà văn Pháp đã ghi ấn vào văn chương giả tưởng, đồng thời tổ chức những sự kiện khác “nhằm khơi nên sự quan tâm, hiểu biết về khoa học giả tưởng”, theo lời ông Nguyễn Đức Hoàng, Phó tổng thư ký Hội. Hội thảo sẽ được tổ chức tại Hà Nội ngay vào ngày sinh của Jules Verne – 8-2.

Tiên phong khoa học viễn tưởng

Trong suốt cuộc đời văn chương, tính ra gần đến 60 năm, Jules Verne (1828-1905) viết rất nhiều. Ông là cha đẻ của loại tiểu thuyết phiêu lưu, khoa học viễn tưởng, đưa ước mơ của con người vươn tới những tầm cao. Nhiều tác phẩm của nhà văn Pháp đã được chuyển thể, dựng thành phim; không chỉ ở Pháp mà còn ở Mỹ và một số nước khác. Thậm chí còn bị chế biến ra thành tác phẩm khác nữa! Hẳn ông sẽ mãi mãi được lưu danh.

Tại Việt Nam, khá nhiều người đã biết đến Hai vạn dặm dưới đáy biển, được tái bản nhiều nhất trong số tiểu thuyết nước ngoài dịch ra tiếng Việt. Theo Đỗ Ca Sơn, dịch giả tác phẩm này, từ năm 1964 đến nay, bản dịch của ông đã được in đi in lại “ước tính khoảng trên 100 lần. Đó là chưa kể sách in lậu”! Quả độc nhất vô nhị. Một cuốn sách như thế thật đáng để tìm hiểu.

Thật ra, bản dịch của ông Sơn là từ một bản dịch rút gọn bằng tiếng Nga, chứ không phải từ nguyên tác. Bên cạnh đó, còn những bản dịch khác cũng từ bản dịch tiếng Nga này. Tất cả đều chỉ trung bình 400 trang theo khổ sách thường thấy bày bán.

Đối với chúng tôi, từ ngày thơ trẻ, đã say mê bản gốc với hơn 600 trang khổ sách bỏ túi, giờ vẫn đọng lại ấn tượng về những nhân vật trong “Vingt mille lieues sous les mers”. Đặc biệt là thuyền trưởng Nemo của chiếc tàu ngầm Nautilus, và giáo sư Aronnax, một trong số ba tù nhân của vị thuyền trưởng. Không biết bây giờ có nhà xuất bản nào “dám” xuất bản một bản dịch từ nguyên tác mà sẽ lên đến khoảng 800 trang, in thành hai cuốn?

Tàu ngầm Nautilus, minh họa ấn bản đầu tiên của “Vingt mille lieues sous les mers”.

Trong Hai vạn dặm dưới biển, tác phẩm nổi tiếng nhất của ông, Jules Verne đã đưa người đọc thâm nhập thế giới bí ẩn và hấp dẫn của biển cả. Càng đọc, càng khám phá ra các động vật lẫn thực vật vừa đặc biệt vừa kỳ thú, giống như đi thăm một bảo tàng đầy vật lạ.

Nhưng tiểu thuyết đó sẽ không hoàn chỉnh nếu tác giả không đưa vào một nhân vật thần bí: thuyền trưởng Nemo, nhà phát minh xuất sắc đã chế tạo chiếc tàu ngầm Nautilus. (Độc giả sẽ còn gặp lại nhân vật này trong một tác phẩm khác của Jules Verne: Hòn đảo bí ẩn). Và Arronax, tù nhân của Nemo, đồng thời đóng vai người kể chuyện trong tác phẩm.

Hình ảnh thuyền trưởng Nemo, một người vừa nhân đạo vừa thù ghét con người, đã ghi dấu ấn trên từng trang sách. Thông qua ông, những bí mật của biển cả lộ dần. Giống như Aronnax, người đọc có cảm giác như mình đã trở thành tù nhân của Nemo và chiếc tàu ngầm Nautilus.

Nếu không tính đến các chi tiết xa xỉ không khác gì một khách sạn 5 sao, tàu ngầm của Nemo ngày ấy không khác mấy so với nhiều tàu ngầm hiện đại ngày nay.

Cuộc phiêu lưu dưới biển

Điểm lại Hai vạn dặm dưới biển hẳn không thừa. Cuốn tiểu thuyết phiêu lưu, khoa học viễn tưởng bằng tiếng Pháp này gồm hai phần: phần một, 24 chương; phần hai, 23 chương.

Phần một. Tất cả bắt đầu vào năm 1866: nỗi sợ hãi ngự trị trên các đại dương. Một số thuyền trưởng cho biết tàu mình đã đụng phải một con quái vật. Abraham Lincoln, một tàu khu trục Mỹ, bắt đầu cuộc săn lùng để loại bỏ khỏi các vùng biển mối nguy khủng khiếp đó. Tàu chở theo giáo sư Aronnax, nhà ngư học nổi tiếng từ Bảo tàng Paris cùng Conseil, người hầu tận tụy của ông và Ned Land, người Canada, “vua của những người thợ săn chuyên phóng lao”.

Sau sáu tháng tìm kiếm không thành công, vào ngày 5-11-1867, “kỳ lân biển khổng lồ” được phát hiện. Nhưng nó chạy nhanh quá nên khó mà bắt kịp. Cuối cùng, khi tiếp cận được để phóng lao thì nó đã lao mạnh vào con tàu khu trục Mỹ, khiến con tàu này lãnh đủ. Aronnax và Ned Land bị ném xuống biển. Conseil nhảy theo chủ nhân. Rồi cả ba lại thấy mình bám víu vào lưng kỳ lân biển, rồi nhận ra đó là một chiếc tàu ngầm (chương 1-7).

Bị cầm tù, cả ba cùng khám phá Nautilus, chiếc tàu ngầm phi thường, cùng hải đoàn bí ẩn với ngôn ngữ khó hiểu và thuyền trưởng Nemo. Vị thuyền trưởng, mà quốc tịch lẫn hành tung đều lạ lùng, đã không chịu trả tự do cho Aronnax và hai người đồng hành. Nemo cho biết sẽ đưa họ đi cùng trong chuyến du hành thế giới dưới dưới đáy biển, mở đầu cho một cuộc phiêu lưu phi thường khiến cho độc giả mê say.

Nemo đã cắt đứt mọi giao tiếp với loài người. Tuy nhiên, ông lại quý trọng Aronnax, muốn cho nhà khoa học Pháp biết về vũ trụ mình đã chiếm hữu được ở những độ sâu dưới biển; và cả vũ trụ ông xây dựng trong tàu ngầm Nautilus. Đó là một thế giới thu nhỏ, nơi có thư viện, bảo tàng chứa đựng những tuyệt tác nhân loại lẫn thiên nhiên (chương 8-14).

Là bậc thầy chế ngự được sức mạnh của dòng điện, Nemo đã giải quyết mọi vấn đề về du hành lẫn cuộc sống dưới nước. Ông mời những vị khách – tù nhân cùng đi những chuyến dưới đáy biển sâu với đồ lặn đặc biệt. Và vượt qua sự bao la của Thái Bình Dương, đồng thời làm sáng tỏ những bí mật của tự nhiên. Họ cũng đã vượt qua bão tố kinh hoàng, cá mập hung dữ, đá ngầm nhọn hoắt, động vật ăn thịt người.

Tuy nhiên, Aronnax nhanh chóng hiểu ra rằng Nautilus không chỉ phục vụ mục đích hòa bình của người làm khoa học. Chiếc tàu ngầm còn là vũ khí Nemo sử dụng cho một vụ trả thù khủng khiếp nữa (chương 15-24).

Phần hai. Vị thuyền trưởng lại yêu công lý, đã không ngần ngại cứu sống, tặng ngọc cho một người đánh cá nghèo ở ngoài khơi Ceylan. Ông cũng tặng vàng lấy từ những con tàu bị đắm cho quân nổi dậy Cretois chống người Thổ Nhĩ Kỳ. Cùng Aronnax, ông đi thăm di tích thành phố chìm dưới đáy biển Atlantis. Tại trung tâm một ngọn núi lửa đã tắt, bên dưới một hòn đảo xa xôi ở Đại Tây Dương, ông đã xây dựng một nơi trú ngụ bất khả xâm phạm (chương 1-10 của phần thứ hai).

Sau khi đến độ sâu nhất ở biển Sargasses, tàu ngầm Nautilus đã tham gia cuộc chiến cứu những con cá voi hiền lành bị đồng loại lớn hơn và hung hãn tấn công. Nautilus tiếp tục cuộc hành trình dưới lớp băng Nam cực. Và những nhân vật của Hai vạn dặm dưới biển đã phải chiến đấu bằng rìu và cây lao chống lại loài mực khổng lồ. Rồi họ tìm thấy xác của Vengeur, con tàu Pháp bị quân Anh đánh chìm, sau một trận chiến diễn ra vào năm 1794 (chương 11-20).

Đây cũng là nơi thuyền trưởng Nemo đã tấn công, đánh chìm một tàu chiến không rõ quốc tịch, cho rằng nó thuộc về một “quốc gia bị nguyền rủa”. Ông nói: “Tôi là kẻ bị áp bức, còn đây là kẻ áp bức! Chính vì nó, những gì tôi yêu thương, trân trọng, tôn kính, quê hương, vợ con, cha tôi, mẹ tôi, mọi thứ đều bị đắm chìm! Những gì tôi ghét bỏ đều nằm ở trong con tàu đó!”.

Tiếp đến, Nautilus bị lôi kéo về phía Bắc Na Uy, rơi vào một vòng xoáy có sức công phá dữ dội. Ba hành khách – tù nhân liền tận dụng cơ hội để vượt thoát. Họ được cứu sống; Aronnax, người tùy tùng và tay thợ săn cá lấy lại được tự do. Sau đó, họ không hề biết gì về số phận thuyền trưởng Nemo và Nautilus, chiếc tàu ngầm từng chở họ đi trong vòng tám tháng (chương 21-23).

Từ “một người chưa ai biết”

Nghiền ngẫm tác phẩm nổi tiếng này, thấy lộ ra thân phận của nhà ngư học Aronnax của Bảo tàng Paris. Ông giống như nhà triết học Socrate, trong bất cứ hoàn cảnh nào, dù tệ hại đến thế nào đi chăng nữa, vẫn lạc quan – để học hỏi. Có người từng thắc mắc với Socrate rằng sao ông lại có thể vui, khi cứ rơi từ nơi xấu xa này tới nơi tệ hại khác thì được ông trả lời là tâm cảnh quyết định chớ không phải hoàn cảnh.

Ngờ rằng thân phận Aronnax cũng chính là thân phận của Jules Verne, ít nhất trong thuở hàn vi, chưa tiếng tăm…

Ngày 31-1-1863 là ngày “ra đời” của tiểu thuyết gia Jules Verne. Hôm đó, Nhà xuất bản Jules Hetzel đã tung ra tiểu thuyết đầu tay của một nhà văn vô danh, tức Jules Verne: Năm tuần trên khinh khí cầu. Lần xuất bản đầu tiên này, chỉ bán được 2.000 bản; nhưng từ đó cho đến cuối đời tác giả, 76.000 bản của tiểu thuyết này đã được bán ra. Sau đó, chỉ Vòng quanh Thế giới trong tám mươi ngày mới ngon hơn: 108.000 bản.

Qua năm sau, Jules Verne ký hợp đồng chính thức với Nhà xuất bản Jules Hetzel. Theo đó, ông phải giao hai tiểu thuyết mỗi năm. Nhưng từ năm 1865, hàng năm, ông gửi cho nhà xuất bản đến ba cuốn. Khi Hetzel qua đời vào năm 1886, con trai của Hetzel đã tiếp quản nhà xuất bản, tiếp tục in và bán bộ Những chuyến du hành kỳ thú gồm tổng cộng 62 tựa sách. Với lời văn sinh động, lại không đặc chữ, chúng không hề khiến trẻ em chán nản đến độ phải bỏ sách xuống. Mà chắc người lớn cũng thế!

Jules Verne không chỉ viết nhiều – đến 80 cuốn tiểu thuyết cùng truyện ngắn và tiểu phẩm – mà còn là đồng giám đốc của tạp chí Giáo dục và Giải trí do Hetzel và nhà báo Jean Macé sáng lập. Mục đích của tạp chí: mang đến cho các hộ gia đình “một nền giáo dục nghiêm túc và hấp dẫn, bổ ích cho các bậc cha mẹ và có lợi cho trẻ em”.

2 BÌNH LUẬN

  1. Xin đính chính là hội thảo “Nhà văn Jules Verne và những ảnh hưởng đến Khoa học giả tưởng Việt Nam” được tổ chức tại Viện Pháp ở Hà Nội vào chiều 18/2/2022 chứ không làm được đúng ngày sinh của nhà văn này vào 8/2/2022 vì lúc đó mới nghỉ Tết Âm lịch xong.

  2. Thêm một chi tiết nữa là tác giả bài báo chưa nghiên cứu kỹ. Tuy dịch giả Đỗ Ca Sơn là giảng viên dạy tiếng Nga nhưng ông rất thạo tiếng Pháp do được học từ bé. “Hai vạn dặm dưới biển” được dịch sang tiếng Việt từ nguyên bản tiếng Pháp chứ không phải là qua tiếng Nga.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới