Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Theo dấu chân lũ

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Theo dấu chân lũ

Ông Kambe Makoto (phải) Giám đốc nhân sự của Canon Việt Nam, trao quà cứu trợ cho người dân xã Quy Mông. Ảnh: Thành Trung.

(TBKTSG) – Theo chân đoàn cứu trợ lũ lụt của các doanh nghiệp Nhật Bản tới Yên Bái, nơi cơn bão số 4 vừa đi qua, phóng viên TBKTSG ghi nhận cuộc sống sau bão lũ của người dân.

Đoàn xe cứu trợ của Văn phòng Đại diện tại Việt Nam của Công ty Canon Singapore và Công ty Canon Việt Nam cùng nhóm phóng viên khởi hành từ Hà Nội lúc mờ sáng, trực chỉ hướng Sơn Tây – Phú Thọ để tới Yên Bái. Theo lịch, đoàn sẽ đến xã Nga Quán thuộc huyện Trấn Yên lúc 9 giờ 30 sáng và tiến hành công tác cứu trợ cho những nạn nhân cơn bão số 4. Sau đó là xã Quy Mông.

Suốt đoạn đường từ huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ đến thành phố Yên Bái xe chao lắc mạnh giữa những khúc đường nham nhở ổ gà, qua ô cửa xe dấu vết cơn lũ hung hãn vừa qua chưa kịp phai mờ: những đống bùn đất nhão nhoét hai bên đường, cành cây, củi mục nằm ngổn ngang và những ngôi nhà còn hằn rõ mực nước dâng cao đến 1,5 mét.

Nhưng cảnh tượng tại Nga Quán còn hoang tàn hơn. Nước rút song bùn đất ngập gần nửa bánh xe máy. Dường như cơn bão trút hết cơn thịnh nộ xuống cái xã nghèo miền núi nằm bên sông Hồng này, xới tung tất cả những chướng ngại vật trên hành trình tàn phá khủng khiếp của nó. 

Xe chúng tôi đến trễ hai giờ so với dự kiến vì bị hỏng xe. Bà con nông dân (Nga Quán là xã thuần nông) có mặt tại trụ sở UBND xã từ sáng, vẫn nán lại ngồi chờ đoàn giữa trời nắng gắt. Chị Lê Thị Kim Chung, 38 tuổi, sống tại thôn Ninh Phúc, chỉ tay về phía con sông Hồng cách đó không xa, thảng thốt: “Cơn bão bắt đầu từ ngày 8-8 và kéo dài sáu ngày làm ngập nửa nhà tôi, nước rút để lại lớp bùn dày mất năm ngày mới dọn xong. Gia đình tôi phải sơ tán lên gò đất cao gần nhà suốt thời gian bão quét, ăn mì tôm cầm hơi”.

Gia đình chị Chung đã trắng tay. Ước tính tổng thiệt hại của gia đình chị lên tới 50 triệu đồng. “Chưa năm nào người nông dân khốn khó như năm nay. Vụ rét hồi Tết Mậu Tý mới qua thì nay đến cơn bão này. Từ giờ đến cuối năm cũng không thể trồng trọt được gì bởi đất cát đã vùi hết lúa”, chị Chung thở dài.

Chị Chung, dù sao, vẫn may mắn hơn người dân hai thôn Hồng Thái, Hồng Hà gần đó. Hai thôn này nằm ngay sát đê sông Hồng nên khi hai tuyến đê bị vỡ, toàn bộ ruộng lúa, trâu bò lợn gà, tài sản của người dân bị cuốn trôi. Những người già ở Nga Quán nói với chúng tôi rằng đây là cơn bão lớn nhất họ chứng kiến kể từ trận lũ lịch sử năm 1986.

Ông Lê Hồng Giang, Trưởng phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện Trấn Yên, thống kê Nga Quán có 560 hộ dân với 1.500 nhân khẩu thì 249 hộ có nhà bị ngập lụt; toàn bộ 60,5 héc ta ruộng, 20 héc ta lúa mầu và 1,5 héc ta dâu nuôi tằm bị ngập hoàn toàn và 625 ngôi nhà trong cả xã bị hư hỏng.  

Dấu vết của cơn lũ kinh hoàng còn đọng lại trên khuôn mặt thẫn thờ của chị Nguyễn Thị Yến, một người dân Nga Quán. Người phụ nữ 47 tuổi không thể tin thiên tai lại có thể đổ ập xuống mảnh đất yên bình nhanh đến vậy. Dẫn tôi về thăm nhà, chị Yến chỉ tay vào vết nước ngang mép cửa sổ, nói: “Đây này, nó là vết tích của cơn bão số 4 đấy. Lũ về, nhà tôi mất trắng toàn bộ tám sào ruộng, năm sào ngô, gia súc gia cầm cũng cuốn trôi hết”.

Cầm trên tay tờ giấy báo đỗ Đại học Quốc gia TPHCM mà cô con gái 18 tuổi mới nhận được, chị bảo cả nhà quanh năm cắm mặt xuống ruộng làm lụng dành tiền cho cô con út vào đại học, nhưng giờ phút hạnh phúc nhất khi biết tin con đỗ một lúc ba trường cũng là lúc nỗi buồn khiến chị nghẹn ngào. Vì không biết xoay xở đâu một khoản tiền lớn cho con vào Nam ăn học. Vì cái đói, cái nghèo đang bủa vây gia đình năm miệng ăn mà một tháng chỉ dám tiêu pha 300.000 đồng cho mâm cơm gia đình. Ngô thay lúa là lời giải duy nhất với chị Yến lúc này. 

Bà Nguyễn Thị Huấn, Phó bí thư kiêm Chủ tịch UBND huyện Trấn Yên, cho biết cơn bão số 4 cướp đi sinh mạng của bốn người, 5.062 hộ với trên 30.000 nhân khẩu phải di chuyển đến nơi ở khác và hai phần ba diện tích lúa, hoa màu của toàn huyện bị nước lũ cuốn trôi. “Tổng thiệt hại của huyện có thể lên tới hàng trăm tỉ đồng”, bà Huấn nói.

Ông Lê Hồng Giang vừa chuyển hàng cứu trợ cùng nhân viên Canon Singapore vừa kể, trận bão làm cho nước sông Hồng dâng cao ở mức báo động số 3 và phù sa sông Hồng phủ lấp hầu như toàn bộ đồng ruộng của bà con, tối thiểu từ 40-50 cen ti mét. Ông Giang tin rằng, một trong những nguyên nhân chính dẫn đến hiện tượng lũ lụt xảy ra thường xuyên tại Yên Bái là do việc tàn phá rừng đầu nguồn ở các địa phương vùng thượng nguồn, như Lào Cai.

Cùng với Nga Quán, Quy Mông là xã bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong đợt bão vừa qua. Theo ông Nguyễn Duy Khanh, Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch HĐND xã Quy Mông, xã có 12 thôn thì 9 thôn bị ngập, 215 hộ dân phải di dời và đến nay vẫn còn 10 hộ chưa trở về nhà được vì bị bùn lấp. Thống kê của xã cho thấy, Quy Mông có hơn 140 héc ta lúa nước trong đó 100 héc ta bị ngập nước, tổng thiệt hại khoảng 7 tỉ đồng.

THÀNH TRUNG 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới