Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Theo dõi sát

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Theo dõi sát

(TBKTSG) – Cho dù ý kiến đánh giá về mức độ tác động của khủng hoảng tài chính Mỹ đến kinh tế Việt Nam còn khác nhau, song phải thừa nhận với độ mở đang gia tăng của một nền kinh tế bắt đầu hội nhập, ảnh hưởng là không nhỏ.

Theo ông Donald Hanna, Giám đốc điều hành, Trưởng bộ phận Phân tích Kinh tế và Thị trường toàn cầu của Citigroup, thực chất cuộc khủng hoảng này là hệ quả của một thời kỳ dài tăng trưởng đi đôi với lạm phát thấp tại Mỹ, mà ông gọi là “cuộc cải cách vĩ đại” đã “thúc đẩy sự liều lĩnh”.

Ông Hanna cảnh báo tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ hai hôm 19-9, các yếu tố tương tự cũng xuất hiện tại Việt Nam. Đó là tăng trưởng kinh tế cao, quá trình cải cách kinh tế mang lại cảm giác lạc quan cho người dân làm tăng mạnh nguồn vốn đầu tư nước ngoài đổ vào Việt Nam.

“Nhưng cần lưu ý, cũng như ở Mỹ, sự kết hợp của ổn định kinh tế vĩ mô và sự bất ổn tài chính (ngầm) đã tạo ra của cải dư thừa cần được quản lý. Hai hiện tượng này luôn tương tác trong thế giới toàn cầu hóa và hai sự liên kết rất rõ ràng là thương mại và lưu chuyển vốn.

Sức mua có thể thấp hơn ở Mỹ – bạn hàng chính của Việt Nam – làm tập trung sự chú ý vào thâm hụt thương mại lớn, sự thâm hụt giống như ở châu Á đầu thập niên 1990 là do nguồn vốn đổ vào đầu tư. Khủng hoảng của Mỹ cũng ảnh hưởng đến tốc độ lưu chuyển vốn vào Việt Nam cùng lúc với việc nhà đầu tư lo ngại thị trường chứng khoán Việt Nam chuyển từ một trong các thị trường tăng trưởng nhanh nhất thế giới năm 2007, sang một trong những thị trường sụt giá nhiều nhất năm 2008”, ông Hanna phân tích.

Tiến sĩ Nguyễn Quang A cho rằng, hiện tượng bong bóng không hề xa lạ tại Việt Nam một năm trở lại đây khi việc nới lỏng tín dụng đã gây ra bong bóng nhà đất và cổ phiếu. Tuy nhiên, theo ông, sự khác nhau là các ngân hàng Việt Nam khi cho vay thế chấp chưa “chứng khoán hóa” các hợp đồng vay thế chấp và chưa tạo ra các sản phẩm “phái sinh” loại này như ở Mỹ.

“Có thể thấy tính dễ lây nhiễm của khủng hoảng tài chính trong bối cảnh tự do hóa thị trường tiền tệ-tài chính và toàn cầu hóa hiện nay. Đây là một thách thức mới rất đáng lo ngại”, ông A nói.

Khác với Mỹ, nước ta phải đối phó với sự phức tạp của việc chuyển đổi sang một nền kinh tế lớn hơn, mở hơn và thống nhất hơn. Cải thiện tính minh bạch, tính tiên liệu và sức bền của thị trường tài chính bằng cách bảo vệ nhà đầu tư nước ngoài một cách công bằng là một ưu tiên cần thực hiện.

Phát triển các dạng thị trường tài chính đa dạng hơn song phải theo sát sự cải thiện về hạ tầng thị trường và năng lực hành pháp, điều này sẽ cung cấp cho Việt Nam nền tảng tài chính tốt để hỗ trợ tăng trưởng, ông Hanna nói.

Ông Nguyễn Quang A khuyến cáo: “Khủng hoảng tại Mỹ sẽ có tác động lớn đến vốn tín dụng từ ngoài, đầu tư, xuất khẩu… và chúng ta cần tỉnh táo theo dõi sát cuộc khủng hoảng này để có phản ứng linh hoạt và rút ra những bài học kinh nghiệm”.

THÀNH TRUNG

Những người cảnh báo sớm

Không hiếm những lời cảnh báo về khả năng xảy ra khủng hoảng tài chính ở Mỹ từ nhiều năm trước.Trong một bài viết trên CNN, Joseph Stiglitz, nhà kinh tế từng đoạt giải Nobel năm 2001, cho rằng ông là một trong những người thấy trước khả năng khủng hoảng và từng cảnh báo về nó.

Ông cho rằng sau khi nước Mỹ chứng kiến đợt vỡ bong bóng chứng khoán liên quan đến các công ty công nghệ thông tin (dot.com) thì việc FED liên tục cắt giảm lãi suất vào năm 2001 đã không kích cầu cho nền kinh tế mà chỉ làm lợi cho người giàu. Dân Mỹ không làm ra tiền như trước, nhất là sau khi diễn ra cuộc chiến Iraq nhưng vì lãi suất thấp nên cứ vay tiền mua nhà.

Như vậy, FED đã thay bong bóng dot.com bằng bong bóng địa ốc – bắt đầu vỡ vụn khi lãi suất tăng vọt từ 1% lên 5,35% trong vòng ba năm 2004-2006. Stiglitz cũng cho rằng giới quản lý doanh nghiệp tài chính Mỹ đã không quản lý rủi ro mà lại tạo ra rủi ro. “Lợi ích của họ không song hành với lợi ích của nền kinh tế và xã hội”, ông viết. Vì thế họ đã làm đúng theo những gì họ được trả lương để làm: tập trung vào lợi nhuận ngắn hạn và khuyến khích chạy theo rủi ro.

Lần này Stiglitz đề nghị phải cải tổ cách trả lương, thưởng cho giới quản lý ngân hàng, tài chính để loại trừ động cơ cá nhân, chẳng hạn tính hiệu quả hoạt động trên cơ sở năm năm chứ không phải từng năm nữa. Ông đề nghị có một loại ủy ban bảo vệ người tiêu dùng tài chính, để bảo đảm sản phẩm tài chính bán ra cho thị trường được dán nhãn “an toàn cho tiêu dùng”.

Về dài hạn, ông đề nghị có một ủy ban xem xét tính ổn định của thị trường tài chính để loại trừ các mánh lới sử dụng “đòn bẩy tài chính” đã từng bị lợi dụng. Stiglitz nhấn mạnh các biện pháp như thế không bảo đảm sẽ không còn khủng hoảng xảy ra vì giới tài chính rất khôn ngoan, họ sẽ sớm nghĩ ra những “chiêu thức” mới để qua mặt bất kỳ rào cản mới nào. Nhưng dù sao có quản lý vẫn còn hơn không và khủng hoảng dù có xảy ra sẽ không trầm trọng như hiện nay.

Ann Lee là một tiếng nói cảnh báo gay gắt khác từ năm 2006. Tốt nghiệp trường Kinh doanh Harvard, Lee có 10 năm kinh nghiệm làm việc tại Wall Street nhưng bà bỏ nghề môi giới cho một quỹ đầu cơ, viết một tiểu luận dài 22 trang mang tựa đề “Sòng bài Wall Street” để cảnh báo về nguy cơ khủng hoảng tài chính do các sản phẩm phái sinh gây ra. Bà gọi chúng là “tiền hơi vô giá trị”, đang được mua bán sôi động vào lúc đó. Bà gửi tiểu luận này cho nhiều quan chức tại Washington nhưng câu trả lời đều là, “cả giới quản lý và người tham gia biết rõ rủi ro của thị trường” – đại khái không có gì phải lo cả.

Ngân hàng Thanh toán Quốc tế tại Basel, Thụy Sỹ năm 2006 tính toán rằng tổng giá trị các sản phẩm phái sinh tài chính toàn cầu lên đến 26.000 tỉ đô la, gấp đôi GDP của Mỹ. Còn Lee phỏng đoán con số này phải lên đến 100.000 tỉ đô la. Khi chúng được mua bán, “không ai thật sự biết rủi ro tín dụng nào được chuyển cho ai và ai phải ôm rủi ro sau cùng” – bà viết từ năm 2006.

P.V.  

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới