Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Thép nhập tràn ngập thị trường

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Thép nhập tràn ngập thị trường

Hùng Lê

Thép nhập tràn ngập thị trường
Sản xuất thép tại một doanh nghiệp thép tại Vũng Tàu – Ảnh minh họa: Văn Nam

(TBKTSG Online) – Lượng sắt thép nhập khẩu năm 2015 tăng gần 30%, lên đến hơn 15 triệu tấn, gây ra rất nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp thép trong nước, theo Vụ Kinh tế Dịch vụ thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Vụ Kinh tế Dịch vụ dẫn số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan cho biết lượng thép nhập khẩu tháng 12-2015 là 1,25 triệu tấn, tăng 1,1% về lượng so với tháng trước đó. Tính chung, tổng lượng thép nhập khẩu của năm 2015 ước đạt khoảng 15,098 triệu tấn, tăng 28,3% so với cùng kỳ năm trước, đạt giá trị khoảng 7,312  tỉ đô la Mỹ.

Theo các doanh nghiệp kinh doanh trong ngành, sắt thép các loại nhập khẩu vào Việt Nam trong năm qua chủ yếu từ Trung Quốc, chiếm hơn 50%, sau đó là từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan…

Trước đó, báo cáo của Tổng cục Hải quan cũng cho thấy sắt thép các loại từ Trung Quốc nhập khẩu vào Việt Nam đã tăng hơn 60% và chiếm hơn 60% tổng lượng sắt thép mà Việt Nam nhập khẩu trong 11 tháng đầu năm 2015.

Hiệp hội Thép Việt Nam cũng cho rằng lượng thép nhập khẩu từ Trung Quốc vào Việt Nam là quá lớn, đang tạo nhiều áp lực và khó khăn cho các nhà sản xuất trong nước. Nguyên nhân là do ngành thép của nước láng giềng này đang trong cơn khủng hoảng thừa nên họ đẩy mạnh xuất khẩu. Theo các doanh nghiệp, dự kiến mỗi năm Trung Quốc xuất khẩu hơn 100 triệu tấn thép, và nguồn thép giá rẻ từ nước này đã ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất thép trong nước.

Đáng chú ý, cho dù lượng sắt thép nhập khẩu vào Việt Nam năm 2015 tăng đến hơn 28% so với năm trước, giá trị nhập khẩu thép lại giảm từ 7,8 tỉ đô la Mỹ năm 2014 xuống còn 7,321 tỉ đô la Mỹ năm 2015, và điều này cho thấy thép giá rẻ từ Trung Quốc đang tràn ngập thị trường.

Do giá nguyên liệu thép trên thị trường thế giới giảm mạnh cộng với nguồn thép nhập khẩu từ Trung Quốc ồ ạt vào Việt Nam quá lớn, sản xuất ngành thép trong nước đã giảm sút, và nhiều nhà máy đứng trước nguy cơ ngừng hoạt động.

Giá thép xây dựng tại nhà máy và giá bán lẻ thép trên thị trường theo Vụ Kinh tế Dịch vụ đã giảm 100-500 đồng/kg: tại các tỉnh miền Bắc và miền Trung, giá thép dao động phổ biến ở mức 13.400 – 14.500 đồng/kg; tại các tỉnh miền Nam dao động phổ biến ở mức 13.500 -14.600 đồng/kg.

Trước sức ép nhập khẩu quá lớn nói trên, mới đây, Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) đã thông báo về việc tiến hành điều tra tự vệ toàn cầu đối với sản phẩm phôi thép và thép dài nhập khẩu do bốn công ty Việt Nam yêu cầu gồm Công ty cổ phần thép Hòa Phát, Công ty TNHH MTV Thép Miền Nam, Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên, và Công ty cổ phần Thép Việt Ý.

Đối với sản phẩm phôi thép, các công ty này chiếm 38,6% tổng sản lượng được sản xuất trong nước. Đối với sản phẩm thép dài, các công ty này chiếm 34,2% tổng sản lượng được sản xuất trong nước.

Theo thông tin do bên nộp hồ sơ cung cấp, lượng phôi thép nhập khẩu vào thị trường Việt Nam tăng nhanh vào năm 2014 và 2015. Lượng phôi thép nhập khẩu vào Việt Nam trong năm 2014 trên 588.000 tấn đã tăng gần gấp ba lần lên con số ước tính là trên 1,5 triệu tấn trong năm 2015. Trong khi đó, lượng thép dài nhập khẩu vào Việt Nam trong năm 2014 đạt gần 830.000 tấn, và ước đạt trên 1,2 triệu tấn năm 2015.

Cũng theo thông tin trong hồ sơ, lượng bán hàng nội địa sản phẩm phôi thép của ngành sản xuất trong nước tăng từ 5-10% trong năm 2015, trong khi lượng hàng hoá nhập khẩu tăng từ 150-160% trong cùng kỳ. Các doanh nghiệp nộp hồ sơ cho rằng điều này đã làm suy giảm nghiêm trọng thị phần của ngành sản xuất phôi thép trong nước, ảnh hưởng đến tình hình kinh doanh, lợi nhuận,….

Mời đọc thêm:

>>> Việt Nam điều tra tự vệ phôi thép và thép dài nhập khẩu

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới