Thép vẫn đang tìm lối ra
Các nhà máy sản xuất phôi và thép trong nước hầu hết chỉ sử dụng từ 30% đến 50% năng lực sản xuất do thị trường tiêu thụ không thuận lợi - Ảnh: Lê Toàn |
(TBKTSG Online) - Mặc dù lượng thép xây dựng tồn kho tính đến hết tháng 1-2009 đã giảm nhiều, còn 205 ngàn tấn nhưng Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) vẫn e ngại khi ngành này vẫn đang tìm lối ra cho sản phẩm.
Thị trường vẫn chưa lạc quan
Ông Nguyễn Tiến Nghi, Phó chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) nói với TBKTSG Online hôm 19-2 rằng dù chưa có con số thống kê chính thức của tháng 2-2009 nhưng diễn biến thị trường cho thấy, sức tiêu thụ thép tháng này ước tính chỉ khoảng 200.000-220.000 tấn. Nếu so với con số tiêu thụ thấp kỷ lục trong tháng 1 năm nay là 175.000 tấn thì lượng hàng bán ra nhích lên không đáng kể.
Nguyên nhân của cầu thấp một phần do tháng nghỉ tết, phần do thị trường xây dựng tái khởi động sau đó còn chậm chạp và những dấu hiệu của suy thoái kinh tế ngày càng tác động rõ nét lên thị trường.
Ông Nghi cũng tính toán rằng, kể cả khi thị trường đạt mức tiêu thụ cao như những năm trước, tức là lượng tiêu thụ gấp 3-4 lần những con số kể trên thì trong nước lúc nào cũng thừa thép từ các nguồn khác nhau.
Làm một phép tính đơn giản, năng lực sản xuất của các nhà máy trong nước, liên doanh hiện nay cỡ khoảng 6 triệu tấn/năm, mức tiêu thụ thực tế của năm 2008 là 3,145 triệu tấn. Như vậy, để các nhà máy có thể vận hành 100% công suất thì mỗi tháng thị trường phải tiêu thụ thêm 300.000-350.000 tấn.
Tuy nhiên, đây là con số mơ ước của thời điểm trước đây, khi mà các dự án hạ tầng, xây dựng liên tiếp triển khai. Đó là chưa kể đến việc một lượng thép dư thừa vẫn đang nằm ở các công ty thương mại do nhập khẩu.
VSA cũng không trông đợi nhiều vào gói kích cầu của Chính phủ, kể cả gói kích cầu này được thực hiện từ tháng 2 và nhắm vào các dự án hạ tầng và xây dựng thì ngành thép, xi măng sẽ được hưởng lợi đầu tiên. Thậm chí, các doanh nghiệp thép cũng không mong chờ nhiều vào sự khuyến khích của Chính phủ rằng các dự án sử dụng tiền từ gói kích cầu của nhà nước là phải mua hàng trong nước. Dù thép nằm trong diện hàng hóa cần được "giải phóng" như hiện nay.
Theo ông Nghi: “Nếu các dự án sử dụng vốn kích cầu được giải ngân kịp thời thì việc tiêu thụ thép sẽ khá lên nhưng thực hiện được thì không phải dễ. VSA đã đề nghị Chính phủ muốn tạo thị trường chỉ có cách giải ngân kịp thời, cho vay liền tay thì các biện pháp kích cầu mới có tác dụng 'bình thông nhau' được”.
Bộ Công Thương thì cũng có những phân tích riêng, khi thị trường trong nước ngưng trệ cũng không trông chờ được vào thị trường xuất khẩu bởi nhu cầu sử dụng thép trên thế giới năm nay ước giảm mạnh, các nhà sản xuất lớn từ Trung Quốc và EU cũng đẩy mạnh hàng ra thị trường. Trong khi các doanh nghiệp Việt Nam ở thời điểm tốt nhất cũng chỉ xuất khẩu được 3- 4% thép thành phẩm, không thấm vào đâu so với lượng nhập khẩu để sản xuất là chủ yếu.
Bộ Công Thương nhận định rằng giá thép thế giới hiện có nhích lên chút ít, chủ yếu do ảnh hưởng tích cực của các gói cứu trợ cấp Chính phủ, giá dầu đã phục hồi nhẹ, giá các ngoại tệ chủ chốt cũng phục hồi tuy nhiên thị trường thép thế giới vẫn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Những yếu tố này cộng với mãi lực tiêu thụ thấp khiến cho các nhà máy trong nước chỉ duy trì sản xuất khoảng 30% đến 50% công suất, hàng ngàn lao động tại các doanh nghiệp này đang bị tinh giảm.
Gỡ khó trong ngắn hạn
Nếu tình trạng đầu ra cho ngành thép không có chuyển biến tích cực thì không chỉ các doanh nghiệp đứng bên bờ vực phá sản mà còn kéo theo những rủi ro cho hệ thống ngân hàng. Lý do là các doanh nghiệp này sử dụng lượng vốn của các ngân hàng rất lớn, do giá trị đầu tư các dự án thép cao, tốc độ xoay vòng vốn chậm, đầu tư cho sản xuất cao. Trong ngành này, cho vay thế chấp bằng sản phẩm, thậm chí tín chấp cũng diễn ra khá phổ biến. Nếu thị trường đóng băng dài, nó có thể ảnh hưởng lớn đến mức độ an toàn của các ngân hàng cho vay cầm cố bằng sản phẩm, đặc biệt là các ngân hàng nhỏ.
Do vậy, cả Bộ Công Thương và VSA đều kiến nghị trước mắt tiếp tục hạ lãi suất ngân hàng, giãn nợ cho các doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu. Mức lãi suất cho doanh nghiệp vay mà các nơi này gợi ý là khoảng 0,75%/tháng, tức là thấp hơn hoặc bằng năm 2006. Với các dự án hiệu quả có thể hỗ trợ tín dụng để đẩy nhanh tiến độ dự án, nới lỏng hơn các điều kiện tiếp cận nguồn vốn cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Bộ Công Thương cũng có thể tính đến giải pháp cấp phép nhập khẩu tự động trong ngắn hạn cho một số chủng loại thép nhập khẩu nhưng lại chính là các mặt hàng mà các doanh nghiệp thép trong nước sản xuất được, lại đang thừa cung trên thị trường nhằm tránh nhập khẩu tràn lan do giá thấp.
Riêng mức thuế nhập khẩu phôi thép, bộ đang đề nghị qua Bộ Tài chính tăng thêm 5 đểm phần trăm (tức là từ 5% lên 10%), nhằm giải quyết lợi ích cho các nhà luyện phôi được Chính phủ khuyến khích nhưng không gây tác động lớn đến các doanh nghiệp cán thép cần phôi giá rẻ vì nếu xử lý không khéo, có thể gây mâu thuẫn lợi ích.
NGỌC LAN