Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Thị trường bán lẻ trực tuyến tiếp đà phát triển

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Thị trường bán lẻ trực tuyến tiếp đà phát triển

Chí Thịnh

(TBKTSG Online) – Theo YouNet Media, những thương hiệu được nhắc nhiều trên mạng xã hội khi người tiêu dùng cần mua sắm trực tuyến là VinID, Bách Hoá Xanh, Speed L (Lotte Mart), Co.opmart và Big C. Sự góp mặt của những nhà bán lẻ truyền thống trên thị trường trực tuyến đã phần nào cho thấy sự sôi động của lĩnh vực thương mại điện tử, đặc biệt khi hoạt động sản xuất – kinh doanh đang trong giai đoạn chuẩn bị cho hậu Covid-19.

Thị trường bán lẻ trực tuyến tiếp đà phát triển
Hệ thống bán lẻ Bách hóa Xanh là một trong những nhà bán lẻ trực tuyến có hoạt động sôi nổi trong giai đoạn thực hiện giãn cách xã hội vừa qua. Ảnh: DNCC

Thị trường khó khăn tạo động lực cho nền tảng trực tuyến

Theo số liệu ghi nhận về thị trường bán lẻ trực tuyến trong quí 1-2020 từ YouNet Media (công ty nghiên cứu, thu thập dữ liệu số), có 5 nhà bán lẻ trực tuyến được nhắc tới nhiều trên mạng xã hội là VinID (VinMart), Bách hoá Xanh (MWG), Speed L (Lotte Mart), Co.opmart (Saigon Co.op) và Big C. Theo YouNet Media, các nhà bán lẻ trực tuyến nhận được lượng phản hồi cao nhất từ người dùng là những mô hình bán lẻ mới xuất hiện như VinID (mua sắm qua mã QR), Bách hoá Xanh (giao hàng tận nhà) và Speed L (đặt mua hàng trực tuyến).

Ông Huỳnh Lâm Hồ, Giám đốc điều hành Haravan (nhà cung cấp nền tảng quản trị bán hàng đa kênh) cho rằng, các doanh nghiệp đang tăng cường chuyển dịch từ offline (bán lẻ truyền thống) lên online (trực tuyến) trong mùa dịch Covid-19, vượt qua khó khăn bằng cách bán hàng trực tuyến. Có những doanh nghiệp triển khai hệ thống bán hàng đa kênh để tận dụng sức mạnh của cả hai kênh bán lẻ (cửa hàng bán lẻ và bán hàng trực tuyến).

Trang web về tìm kiếm và so sánh giá iPrice Group đánh giá rằng trong mùa dịch vừa qua, các sàn thương mại điện tử (TMĐT) chủ động giảm dần các hoạt động quảng cáo và khuyến mãi, tập trung đẩy mạnh các chương trình giải trí, trao thưởng… trên ứng dụng mua sắm di động cũng như mạng xã hội. Mục tiêu các sàn hướng đến là tăng lượng thời gian tương tác, đẩy mạnh mức độ gắn kết với khách hàng với hoạt động giải trí kết hợp mua sắm trực tuyến.

Không đứng ngoài xu hướng mạnh mẽ nói trên, nhà bán lẻ truyền thống Saigon Co.op dù sở hữu nhiều chuỗi mô hình bán lẻ đa dạng từ bình dân (Co.opMart, Co.op Extra) tới trung cao cấp (siêu thị FineLife) cũng có sự dịch chuyển không gian mua bán lên mạng Internet. Trang web đặt hàng của hệ thống Co.opmart vừa được cho ra mắt hồi cuối năm 2019, sau đó đến dịch vụ nhận đơn hàng qua số hotline/Zalo/Viber được triển khai trong tháng 3-2020.

Còn hệ thống siêu thị Big C đang chọn cách thức hợp tác, liên kết với các ứng dụng “đi chợ giùm”, “mua hàng qua ứng dụng di động” như GrabMart, Now Fresh và mới đây là liên kết với ứng dụng đi chợ giùm Chopp.vn nhằm mục tiêu đẩy mạnh kênh bán lẻ trực tuyến.

Dù đang sở hữu cả kênh phân phối offline (siêu thị, cửa hàng bán lẻ) lẫn online (bán hàng trực tuyến) nhưng các nhà bán lẻ như VinID, Bách hoá Xanh và Speed L đều tích cực đẩy mạnh hoạt động bán hàng qua website và ứng dụng mua sắm di động – đây cũng chính là điểm cộng cho các nhà bán lẻ này.

Có gần 20.000 lượt bàn luận trên mạng xã hội quan tâm tới các sản phẩm, chương trình khuyến mãi trên các kênh bán lẻ trực tuyến. Đồ hoạ: Chí Thịnh. Nguồn: YouNet Media

Dõi theo "bước chân" người tiêu dùng

Khi thực hiện việc thu thập dữ liệu từ các website bán lẻ trực tuyến, YouNet Media ghi nhận có 5 nhà bán lẻ đạt lượt truy cập vào website lớn nhất trong quí 1-2020 là Bách hoá Xanh, Speed L, VinID, Co.opmart và Big C. Trong đó, Speed L có mức độ tăng trưởng cao nhất (278,5%) so với quí 4-2019. Còn Bách hoá Xanh có hơn 8 triệu lượt truy cập trong quí 1-2020, kết quả của việc cung cấp kịp thời các thông tin về sản phẩm, các nội dung liên quan tới những nhu cầu mua sắm tăng cao trong mùa dịch.

Người tiêu dùng cũng quan tâm nhiều tới những mặt hàng cần thiết trong mùa dịch Covid-19, thời điểm giãn cách xã hội, phòng ngừa lây nhiễm Covid-19 như khẩu trang y tế, nước rửa tay sát khuẩn… Theo YouNet Media, các từ khoá được đề cập nhiều nhất khi người dùng truy cập website Bách hoá Xanh đều liên quan tới dịch bệnh.

Trong khi đó, đối với Speed L thì những từ khoá được người dùng sử dụng nhiều nhất khi tìm kiếm thương hiệu bao gồm tìm kiếm trực tiếp thương hiệu Speed L thường gắn liền với mua hàng tại LotteMart, với các từ khoá liên quan tới “gà rán”, “khoai tây chiên”. Còn VinID – nền tảng mua sắm trực tuyến của VinMart được ghi nhận các từ khoá được tìm kiếm đa dạng như bánh mì đen, xúc xích, sữa… cho tới các mặt hàng phục vụ nhu cầu tạm thời mùa dịch (như khẩu trang y tế, nước rửa tay sát khuẩn…).

Ông Huỳnh Lâm Hồ của haravan cho biết thêm, hiện tại có những nhà bán lẻ đang tận dụng các công cụ tiếp thị số, truyền thông trên mạng xã hội… để tìm kiếm, tăng nhanh số lượng đơn hàng… từ chính tập khách hàng đã từng mua sắm trên website của họ (nhóm khách hàng cũ). Thông qua các công cụ này, các doanh nghiệp sẽ có cơ hội kết nối tốt hơn với khách hàng, triển khai các chương trình truyền thông, giới thiệu sản phẩm mới để tìm kiếm cơ hội bán hàng.

Theo ý kiến của một số chuyên gia thương mại điện tử thì diễn biến trong mùa dịch Covid-19 (do yêu cầu cách ly xã hội) đã thúc đẩy hoạt động mua sắm trực tuyến, đi chợ giùm… giúp cho các nhà bán lẻ đẩy mạnh kênh bán hàng trực tuyến, mua sắm trên nền tảng di động. Đặc biệt, người tiêu dùng thích sử dụng cách thức mua sắm qua ứng dụng di động của các nhà bán lẻ thay vì truy cập website đặt mua hàng như trước đây.

Đồng bộ dữ liệu giúp quản lý, tối ưu hoạt động bán hàng

Theo chia sẻ từ Haravan, trên thực tế có những cửa hàng có tới hàng trăm, hàng ngàn mã sản phẩm khác nhau. Việc quản lý số lượng hay thay đổi thông tin sản phẩm trên nhiều kênh bán hàng khác nhau sẽ tốn rất nhiều thời gian, chưa kể dễ dẫn đến sai sót khiến thông tin không được đồng bộ. Do đó, khi doanh nghiệp triển khai hệ thống Omnichannel (quản lý bán hàng đa kênh) để đồng bộ dữ liệu sẽ tối ưu các bước xử lý đơn hàng, theo dõi vận chuyển, chăm sóc khách hàng… khi triển khai bán hàng đa kênh.

 

Mời đọc thêm:

Thương mại điện tử hậu Covid: cơ hội nhiều nhưng còn đang bỏ ngỏ

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới