Thứ Bảy, 25/03/2023, 01:26
27 C
Ho Chi Minh City

Đặt báo in

Thông tin quảng cáo

Thông tin quảng cáo


Thị trường bảo hiểm xao động

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Thị trường bảo hiểm xao động

Võ Đình Trí

(TBKTSG) – Cho đến hôm nay, những thiệt hại về kinh tế và con người do dịch viêm phổi cấp do chủng mới của virus corona (nCoV) gây ra vẫn chưa thể ước tính được hết, dù biết là rất nghiêm trọng. Với ngành bảo hiểm, câu hỏi không chỉ là thiệt hại bao nhiêu mà còn là ai sẽ gánh chịu những thiệt hại này.

Bảo hiểm đã “khôn” hơn

Khi dịch bùng phát và lan rộng ở quy mô thế giới, các loại hình bảo hiểm như du lịch, hủy sự kiện, hủy chuyến bay, sức khỏe, và nhân thọ là bị tác động nhiều nhất. Dễ thấy nhất là số người đi du lịch giảm mạnh, nhiều sự kiện có đông người tham dự bị hủy, chi phí bồi thường y tế và các khoản chi trả khoán theo thu nhập bị mất tăng. Sau dịch cúm SARS năm 2003 với thiệt hại ước tính khoảng 50 tỉ đô la Mỹ, hầu hết các công ty bảo hiểm và tái bảo hiểm đã chú ý đến rủi ro này và đã cập nhật, bổ sung điều khoản trong hợp đồng bảo hiểm.

Khi Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ra báo cáo tình huống đầu tiên về dịch cúm nCoV vào ngày 21-1-2020, và tuyên bố tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu vào ngày 30-1-2020, nhiều cá nhân và tổ chức tham gia bảo hiểm đã giật mình xem lại hợp đồng, nhất là điều khoản loại trừ liên quan đến dịch bệnh. Trong khi đó, các công ty bảo hiểm trên thế giới khá bình thản, chỉ đưa ra khuyến nghị khách hàng của mình cần tuân thủ các hướng dẫn, quy định của các cơ quan thẩm quyền để không bị rơi vào điều khoản loại trừ chung, và xem lại kỹ càng điều khoản hợp đồng đang có hiệu lực, hay chuẩn bị ký kết, đặc biệt là phần chú thích (small print). Đối với trường hợp bảo hiểm du lịch, nên kiểm tra trước hết với hãng phát hành thẻ (Visa, Master…) và hãng hàng không hay hãng tàu cho việc bồi thường thiệt hại nếu có.

Sau dịch cúm SARS năm 2003 với thiệt hại ước tính khoảng 50 tỉ đô la Mỹ, hầu hết các công ty bảo hiểm và tái bảo hiểm đã chú ý đến rủi ro này và đã cập nhật, bổ sung điều khoản trong hợp đồng bảo hiểm.

Liên quan đến các rủi ro được bảo hiểm, việc chi trả bảo hiểm còn phụ thuộc vào đặc thù của từng hợp đồng bảo hiểm khác nhau. Lấy ví dụ rủi ro do dịch cúm nhưng xảy ra cục bộ địa phương, vùng thì được bảo hiểm, nhưng nếu là dịch bệnh ở quy mô toàn cầu thì bị loại trừ. Rủi ro do người được bảo hiểm cố tình đi vào vùng dịch sau khi đã có thông báo, khuyến cáo của cơ quan có thẩm quyền cũng bị loại trừ trong khi nếu tuân thủ thì lại được bảo hiểm.

Đối với các cơ sở kinh doanh bị gián đoạn do dịch, phần lớn các hợp đồng bảo hiểm gián đoạn kinh doanh hiện nay không đảm bảo rủi ro này, vì sau sự kiện 11-9-2001, các điều khoản bảo hiểm chỉ chú trọng đến gián đoạn kinh doanh do thiệt hại về vật lý (cháy, nổ, thiên tai…). Tuy nhiên, điều này cũng không loại trừ có những điều khoản bổ sung, mở rộng để đảm bảo cho rủi ro này.

Người mua bảo hiểm cũng cần phải “khôn”

Ngay sau Quyết định 173/QĐ-TTg ngày 1-2-2020 của Thủ tướng Chính phủ về công bố dịch do nCoV, nhiều công ty bảo hiểm ở Việt Nam đã có các thông báo nội bộ và đến khách hàng về việc đảm bảo chi trả bảo hiểm trong trường hợp sự kiện bảo hiểm phát sinh do dịch. Các thông báo này, thực chất là một cách quảng bá, vì điều khoản bảo hiểm không thể thay đổi một sớm một chiều. Tuy vậy, nhiều tình huống pháp lý phức tạp có thể phát sinh khi có yêu cầu giải quyết quyền lợi bảo hiểm.

Trong trường hợp điều khoản hợp đồng có đảm bảo cho rủi ro dịch bệnh, cần kiểm tra lại có điều khoản loại trừ, mức khấu trừ liên quan hay không? Vì khi nhận được thông báo như đề cập ở trên từ các công ty bảo hiểm, người được bảo hiểm sẽ đinh ninh rằng được bảo hiểm 100%. Trong trường hợp công ty bảo hiểm “linh động” nhằm hỗ trợ khách hàng thì rất có thể vi phạm các điều khoản hiện hành, vi phạm quy định về quản lý tài chính, hay thậm chí vi phạm luật cạnh tranh.

Đây là cơ hội để các công ty bảo hiểm tạo hình ảnh tốt với cộng đồng nhưng cũng là dịp các công ty bảo hiểm nên rà soát lại các điều khoản hợp đồng, phát triển các dòng sản phẩm mới hay các điều khoản bổ sung, mở rộng mới, cập nhật lại các điều khoản hiện hành để phù hợp hơn. Cùng với đó, các công ty bảo hiểm nên có những hướng dẫn thiết thực để cộng đồng cùng phòng tránh, giảm thiểu rủi ro, nắm bắt được các quyền lợi của mình khi tham gia bảo hiểm hay các sản phẩm dịch vụ khác.

Về phía người tham gia bảo hiểm, đây cũng là dịp xem lại điều khoản hợp đồng mình đang có, tìm hiểu về các điều khoản loại trừ và tìm hiểu những công ty bảo hiểm có thể cung cấp các đảm bảo mở rộng, bổ sung theo nhu cầu riêng của mình.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới